Vốn hóa chứng khoán Mỹ tăng 10.000 tỉ USD dựa trên những con số chưa ai nhìn thấy

Trong ba tháng qua, 80% các doanh nghiệp thuộc S&P 500 đã không đưa ra được dự báo lợi nhuận cho tương lai. Các nhà đầu tư đang dần mất kiên nhẫn và bắt đầu đòi hỏi doanh nghiệp Mỹ phải rõ ràng hơn.

Vốn hóa chứng khoán Mỹ tăng 10.000 tỉ USD dựa trên những con số không ai biết - Ảnh 1.

Hình minh họa: Nguồn: Bloomberg

Trong mùa báo cáo thu nhập gần đây, giới doanh nghiệp Mỹ đã phải công bố các kết quả kinh doanh tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 12 năm trước. Và không ai dám đoán các con số trong tương lai sẽ ra sao. Rủi ro phá sản tràn ngập khắp mọi nơi. Nhưng thị trường chứng khoán lại đi lên mạnh mẽ tới mức vốn hóa toàn thị trường cổ phiếu tăng hàng nghìn tỉ USD. 

Có thể nói rằng nhà đầu tư đã cảm thấy cực kì hào phóng và không muốn trừng phạt các doanh nghiệp vì một đại dịch hoàn toàn không phải do họ gây ra. Tuy nhiên, trong bối cảnh giá cổ phiếu đã đi lên 25% (dựa theo chỉ số S&P 500) kể từ đầu tháng 4, sự kiên nhẫn của nhà đầu tư đã không còn.

Giới doanh nghiệp Mỹ đã phải trải qua khoảng thời gian khó khăn để lập được các kế hoạch trong thế giới bị chao đảo bởi COVID-19. Nhưng chứng khoán Mỹ vừa có quí tăng mạnh nhất trong 22 năm trở lại đây, với mức định giá cao nhất trong hai thập kỉ.

Không những thế, các ước tính lợi nhuận giới phân tích đưa ra còn mang tính phỏng đoán nhiều hơn trước: trong ba tháng gần đây, 80% doanh nghiệp Mỹ từ chối cung cấp dự báo thu nhập.

Ông David Lebovitz, chuyên gia thị trường toàn cầu tại JPMorgan Asset Management cho biết: "Nhà đầu tư đang bắt đầu đòi hỏi doanh nghiệp phải rõ ràng hơn – dù kết quả là tốt hay xấu, họ đều muốn biết. So với ba tháng trước, giới quản lí doanh nghiệp hiện đã có thêm chút chiến lược để đối phó với COVID-19".

Vốn hóa chứng khoán Mỹ tăng 10.000 tỉ USD dựa trên những con số không ai biết - Ảnh 2.

Giới ngân hàng sẽ khởi động mùa báo cáo thu nhập quí II trong chưa đầy hai tuần nữa. Nếu nhìn qua, EPS (thu nhập trên một cổ phần) ước tính của các công ty thuộc S&P 500 lao dốc 44% trong quí II dường như rất mâu thuẫn với thực tế rằng thị trường chứng khoán đã lấy lại những gì đã mất kể từ cuộc sụp đổ trong tháng 3.

Nhưng các chuyên gia Phố Wall biết rằng thị trường chứng khoán từ lâu đã phản ánh vào giá yếu tố này. Điều quan trọng nhất không phải là những gì xảy ra trong quá khứ, mà là kì vọng cho tương lai.  

Nhưng rõ ràng tương lai vẫn rất khó đoán định. Đưa ra được triển vọng cho nền kinh tế hoặc bất kì doanh nghiệp cụ thể nào trong cuộc suy thoái do đại dịch toàn cầu gây ra gần như là bất khả thi. Cho đến nay, hầu hết các doanh nghiệp còn không đưa ra kì vọng.

Theo báo cáo của Bank of America, chỉ vỏn vẹn 17 doanh nghiệp phát hành dự báo thu nhập trong tháng 6. Và dĩ nhiên, lượng dữ liệu này "quá ít ỏi để phân tích". Để so sánh, trong ba tháng gần nhất, có tới 400 doanh nghiệp thuộc S&P 500 không cung cấp dự đoán cho nhà đầu tư, con số cao nhất trong 19 năm trở lại đây.

"Tâm lí của nhà đầu tư không tiêu cực cũng chẳng tích cực, mà chỉ là một dấu hỏi lớn", bà  Savita Subramanian, người đứng đầu bộ phận cổ phiếu Mỹ của Bank of America cho biết.

Lần này, áp lực phải báo cáo tin tốt đối với giới doanh nghiệp Mỹ cao hơn so với mùa báo cáo thu nhập trước. Chỉ số S&P 500 nhảy vọt 24% kể từ quí trước, vốn hóa toàn thị trường tăng 10.000 tỉ USD, định giá dự phóng cho cổ phiếu tăng từ gấp 16,5 lần lợi nhuận dự kiến lên gấp 25 lần.

Lí do là vì thị trường chứng khoán Mỹ đã hồi phục trong giai đoạn lợi nhuận ước tính của hầu hết mọi doanh nghiệp đều sụp đổ khi toàn đất nước phong tỏa. EPS dự kiến năm 2021 của các doanh nghiệp thuộc S&P 500 giảm từ 150 USD/cp xuống còn 124,5 USD/cp.

Ông Megan Horneman, Giám đốc đầu tư tại Verdence Capital Advisors nói: "Thị trường cổ phiếu đã đi lên hơn 30% kể từ đáy trong tháng 3. Giờ thị trường cần phải lùi một bước, phân tích dữ liệu và định giá lại. Giờ chúng ta cần phải thấy lợi nhuận tăng trưởng".

Vốn hóa chứng khoán Mỹ tăng 10.000 tỉ USD dựa trên những con số không ai biết - Ảnh 3.

Dữ liệu từ Bloomberg Intelligence cho thấy bên bán dự kiến trong quí II/2020, EPS các doanh nghiệp thuộc S&P 500 sẽ giảm 44% so với cùng kì, còn tốc độ sụt giảm của lợi nhuận trong nửa cuối năm cũng sẽ ở mức hai chữ số. Nhưng tới năm 2021, EPS được kì vọng sẽ tăng 26% lên tới 159,4 USD/cp, gần bằng mức đỉnh trong năm 2019.

Nhưng ông Jerry Braakman, Giám đốc đầu tư tại First American Trust không tin EPS sẽ tăng cao đến vậy.

"Thị trường đang giả định rằng nền kinh tế Mỹ sẽ phục hồi theo hình chữ V nhưng theo dữ liệu hiện nay, tôi không nghĩ rằng đây là kịch bản chúng ta sẽ được chứng kiến", ông Braakman cho biết.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/von-hoa-chung-khoan-my-tang-10000-ti-usd-dua-tren-nhung-con-so-chua-ai-nhin-thay-20200706182823812.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/