Vốn đầu tư khởi nghiệp ở châu Á có thể giảm do virus corona

Sau khi dịch SARS và Zika bùng phát, vốn đầu tư khởi nghiệp ở châu Á và Nam Mỹ đều giảm mạnh, và virus corona có thể tạo nên kịch bản tương tự ở châu Á.

Các chỉ số thị trường chứng khoán Trung Quốc lao dốc hơn 7,5% khi chúng giao dịch trở lại hôm 3/2 sau kì nghỉ lễ Tết cổ truyền, khiến hơn 445 tỉ USD thị giá biến mất sau khi giới đầu tư bán tháo vì dịch virus corona trở nên tồi tệ hơn.

Số lượng người nhiễm virus đã tăng đều trên thế giới, nhưng Trung Quốc và châu Á chịu tác động tồi tệ nhất.

Một số hãng thông tấn nhận định dịch viêm phổi Vũ Hán có thể khiến Trung Quốc tổn thất 60 tỉ USD. Đó là tin xấu đối với một nền kinh tế vừa trải qua đà tăng trưởng thấp nhất vào năm ngoái trong gần 3 thập kỉ do nợ tăng và cuộc chiến thương mại tốn kém với Mỹ.

Vốn đầu tư khởi nghiệp cũng có thể chịu ảnh hưởng lớn bởi dịch viêm phổi Vũ Hán, giống như các đợt dịch trước, đặc biệt nếu Bắc Kinh không thực hiện những giải pháp để giải quyết tình hình nhanh chóng.

Vốn đầu tư khởi nghiệp ở châu Á có thể giảm do virus corona - Ảnh 1.

Một bệnh nhân tới bệnh viện ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc hôm 26/1. Ảnh: China Daily

Châu Á là thị trường vốn khởi nghiệp năng động thứ hai thế giới, sau Mỹ, với 5.295 thương vụ rót vốn và tổng số vốn đạt 63 tỉ USD trong năm 2019, theo một báo cáo gần đây của PwC/CB Insights MoneyTree.

Dịch viêm phổi khiến người ta đặt câu hỏi về dòng vốn đầu tư vào châu Á, và nhiều công ty khởi nghiệp đã bắt đầu lo ngại khả năng tồn tại của họ khi"đói" vốn.

Chúng ta hãy xem xét hai đại dịch gần đây để xem vốn đầu tư khởi nghiệp của tư nhân đã chịu ảnh hưởng thế nào.

SARS (Hội chứng viêm đường hô hấp cấp)

Virus corona gây bệnh SARS lây lan nhanh trong năm 2003, tác động tới 26 quốc gia và hơn 8.000 người. Nó bắt nguồn từ tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) vào năm 2002. Rất giống virus corona gây viêm phổi Vũ Hán, nó được cho là virus từ động vật, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Dịch được khống chế hoàn toàn vào năm 2004.

Vốn đầu tư tư nhân ở châu Á trong năm 2003 giảm 27% so với năm 2002. Còn trong năm 2004, nó giảm 29% so với năm trước, theo dữ liệu từ CB Insights.

Sau khi WHO tuyên bố dịch được khống chế thành công, số lượng vụ đầu tư và tổng vốn phục hồi, và sau một năm, tổng vốn đạt mức cao kỉ lục.

Virus Zika

Đợt bùng phát sớm nhất được ghi nhận của virus Zkia diễn ra vào năm 2007, tại Micronesia, theo sau một đợt khác ở nhiều quốc gia trong khu vực Thái Bình Dương vào năm 2013. Đợt bùng phát gần nhất xảy ra năm 2015 tại Brazil và lan nhanh tới phần còn lại của Nam Mỹ và nhiều khu vực khác trên thế giới, theo WHO.

WHO tuyên bố Zika là tình trạng khẩn cấp toàn cầu vào tháng 2/2015 và tuyên bố khống chế thành công dịch vào tháng 11/2016.

Dịch Zika - chủ yếu lây lan bởi muỗi Aedes - khiến vốn đầu tư khởi nghiệp ở Nam Mỹ trong năm 2016 giảm 50% so với năm 2015, theo CB Insights.

Trong quí 1 năm 2016, khi WHO tuyên bố Zika là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu, vốn tư nhân dành cho giới khởi nghiệp chỉ bằng 25% so với mức vốn trong quí 1 năm 2015.

Một năm sau khi WHO dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp toàn cầu đối với Zika, vốn đầu tư khởi nghiệp ở Nam Mỹ đạt mức kỉ lục là 2,9 tỉ USD, theo CB Insights.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/von-dau-tu-khoi-nghiep-o-chau-a-co-the-giam-do-virus-corona-20200205081314914.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/