Việt Nam có thể trở thành bếp ăn của thế giới?

Việt Nam có rất nhiều doanh nghiệp đầu tư hàng tỷ USD vào chuỗi các sản phẩm chăn nuôi. Các sản phẩm thịt đang và sẽ có cơ hội đặt chân vào thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu. Do đó, việc kỳ vọng Việt Nam trở thành bếp ăn của thế giới không hề vô lý.

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), giá thịt heo đã nhích lên 58.000-145.000 đồng/kg tùy loại.

Giá gà lông trắng có xu hướng giảm giá nhẹ, dao động 28.000-29.500đ/kg vì thủ phủ chăn nuôi Đồng Nai, Bình Dương phát sinh ca nhiễm COVID-19. Tuy nhiên, giá thịt gà mát lại khá ổn định.

Tại diễn đàn thông tin, kết nối giao thương về sản phẩm chăn nuôi, bà Nguyễn Thị Diễm Hằng, Chủ tịch HĐQT CTCP Dinh dưỡng Hữu cơ Việt Nam (chuỗi Nutri Mart) cho biết hệ thống tiêu thụ của công ty đang chú trọng phát triển mặt hàng thịt mát.

Với những chuỗi cung ứng có tiêu chuẩn chất lượng cao, chẳng hạn như C.P Việt Nam, Meat Deli, Nutri Mart có thể vận chuyển đi 3, 4 tỉnh, thành phố.

Nutri Mart nhận được đơn hàng rất lớn từ Trung Quốc, về các mặt hàng thịt, rau củ quả tươi. Đặc biệt, mặt hàng thịt đông bán "cháy hàng" vì lợi thế về thời gian bảo quản lên tới 12 tháng.

Bà Hằng cho rằng: "Các doanh nghiệp chế biến sản phẩm chăn nuôi cũng cần đa dạng nguồn sản phẩm chăn nuôi, chẳng hạn chế biến khoảng 10.000 món ăn khác nhau từ thịt.

Đây là hướng đi mà Nutri Mart tiên phong, và có dư địa đưa ra nước ngoài như châu Âu, UAE, Trung Quốc", bà Hằng nói.

Việt Nam có thể trở thành bếp ăn của thế giới? - Ảnh 1.

Thịt mát đang trở thành xu thế tiêu dùng mới. (Ảnh: dtk.com.vn)

Trong thời gian tới, Nutri Mart sẽ tham khảo thêm nhiều công nghệ túi bảo quả thực phẩm. Cụ thể, nếu đặt thịt trong những túi này có thể giữ thực phẩm trong 12 tháng ngay cả ở điều kiện thông thường.

Lãnh đạo Nutri Mart tiết lộ công ty đang mở nhiều chuỗi cửa hàng tại Trung Quốc, Thái Lan. Do đó, công ty mong muốn kết nối với người sản xuất chăn nuôi trên cả nước trên tinh thần đảm bảo chất lượng và minh bạch nguồn gốc xuất xứ.

Đánh giá kế hoạch của doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản nhận định: "Ý tưởng này thành hay bại ở nhà cung cấp. Sản xuất sạch, chế biến đa dạng các sản phẩm thì mới đẩy mạnh khâu phân phối. 

Tuy nhiên, thành phần này lại chưa có nhiều trong ngành chăn nuôi. Do đó, các hiệp hội cần đưa nhà cung cấp vào và có quy chế chặt chẽ".

Hiện nay, Bộ NN&PTNT đang hoàn thiện 5 đề án để có không gian, đường truyền và nguồn lực cho phát triển chăn nuôi bền vững, đảm bảo cung cấp trong nước và xuất khẩu.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho hay những năm gần đây, Việt Nam có rất nhiều doanh nghiệp đầu tư hàng tỷ USD vào chuỗi các sản phẩm chăn nuôi. Đơn cử như công ty C.P. Việt Nam với dây chuyền giết mổ 250 triệu USD.

Sắp tới, đoàn chuyên gia Nhật Bản sẽ thẩm định điều kiện xuất khẩu. Nếu mọi thứ thuận lợi, cơ hội xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam rất lớn.

Bên cạnh đó, thị trường Hàn Quốc cũng nhập thịt của nhà máy Masan ở Hà Nam và Long An.

"Do vậy, Việt Nam có thể trở thành bếp ăn của thế giới là việc có tính khả thi và chúng ta sẽ hướng tới xuất thịt đi nhiều thị trường", ông Tiến nói.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/viet-nam-co-the-tro-thanh-bep-an-cua-the-gioi-20211030210102626.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/