Vì sao Ukraine vẫn chưa nhận được máy bay chiến đấu từ Phương Tây?

Tổng thống Ukraine Zelensky đã nhiều lần kêu gọi phương Tây chuyển giao máy bay chiến đâu. Tuy nhiên, do nhiều vấn đề như sự đe dọa của Nga và cơ sở hạ tầng, Kiev vẫn chưa nhận được bất kì lời hứa nào về máy bay.

Theo AP, trong một cuộc gọi video riêng với các nhà lập pháp Mỹ vào cuối tuần trước (6/3), Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã “tuyệt vọng” cầu xin Washington giúp đỡ Kiev có được thêm nhiều máy bay chiến đấu.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết Mỹ đã “bật đèn xanh” cho ý tưởng viện trợ máy bay và hiện đang “rất, rất tích cực” xem xét một đề xuất.

Theo đề xuất này, Ba Lan sẽ cung cấp cho Kiev các máy bay chiến đấu thời Liên Xô và đổi lại, Washington sẽ gửi tới Warsaw chiến đấu cơ F-16 để thay thế.

Ukraine cầu xin phương Tây viện trợ máy bay - Ảnh 2.

Hai chiếc MiG-29 bay song song với hai chiếc F-16 trong một buổi trình diễn của Không quân Ba Lan tại Radom, Ba Lan năm 2011. (Ảnh: Alik Keplicz/AP Photo).

Tuy nhiên, phía Ba Lan tỏ ra ít nhiệt tình với đề xuất này trước công chúng, phần lớn là do Nga đã cảnh báo rằng việc hỗ trợ Không quân Ukraine sẽ bị coi là tham gia vào xung đột và có khả năng bị Nga trả đũa.

Bình luận chính thức từ Ba Lan - một thành viên của NATO và Liên minh châu Âu - chỉ có nội dung xác nhận tiếp tục các cuộc đàm phán về chủ đề tài trợ máy bay cho Ukraine.

Vì sao Ukraine cần máy bay?

Lực lượng Không quân Ukraine hiện vẫn sử dụng máy bay MiG-29, Su-27 và một số cường kích Su-24, Su-25 để bảo vệ bầu trời khỏi quân đội Nga.

Do số lượng máy bay ít ỏi, công nghệ lạc hậu và chênh lệch lực lượng lớn so với Nga, gần như bầu trời Ukraine đã nằm trong sự kiểm soát của quân đội Nga.

Moscow thông báo đã vô hiệu hóa không quân và hệ thống phòng không của Kiev. Tuy nhiên, hiện tại một số lượng nhỏ máy bay và phi công Ukraine vẫn có thể thực hiện các phi vụ gây thiệt hại cho quân đội Nga.

Ukraine cầu xin phương Tây viện trợ máy bay - Ảnh 3.

Các phi công Ukraine không được huấn luyện để lái máy bay chiến đấu của Mỹ. Quân đội Ukraine quen thuộc hơn với khí tài từ thời Liên Xô, như máy bay MiG- 29 hay Sukhoi đang được các nước thành viên NATO như Ba Lan, Bulgaria hay Slovakia sử dụng.

Phi công Ukraine có thể ngay lập tức lái MiG-29 mà không cần đào tạo lại, tuy nhiên, Ba Lan lại không sẵn sàng mất đi một lượng lớn máy bay mà không có thay thế. Tiêm kích F-16 của Mỹ hiện đang trở thành trụ cột của Không quân Ba Lan trong quá trình hiện đại hóa.

Câu trả lời của Ba Lan

Ngoại trưởng Blinken nói đã bật “đèn xanh” cho phép Ba Lan gửi máy bay tới Ukraine.

Ông Blinken nói vào 6/3 tại Moldova “Hiện chúng tôi đang tích cực xem xét vấn đề liên quan đến việc Ba Lan hỗ trợ máy bay cho Ukraine và cách chúng tôi có thể bù đắp [cho Ba Lan] nếu Ba Lan quyết định cung cấp chúng. Tôi không thể nói về kế hoạch, mà chỉ có thể nói với bạn rằng chúng tôi đang xem xét nó một cách rất, rất tích cực ”.

Tuy nhiên, phản ứng từ Ba Lan lại khá dè dặt. Phát ngôn viên Chính phủ Piotr Mueller nói: “Về việc gửi máy bay, tôi chỉ có thể nhắc lại rằng chưa có quyết định nào được đưa ra về chủ đề này”.

Ukraine cầu xin phương Tây viện trợ máy bay - Ảnh 4.

Ba Lan có đường biên giới sát với Kaliningrad (Nga), Belarus, và Ukraine. (Ảnh: The Economist).

Ông Mueller bác bỏ thông tin cho rằng Ba Lan có thể chuẩn bị sẵn sàng sân bay cho các máy bay chiến đấu của Ukraine. Nga cáo buộc rằng Romania và một số quốc gia không nêu tên khác đang chứa chấp máy bay chiến đấu của Ukraine.

Trong khi đó, Ba Lan ủng hộ Ukraine cả về mặt chính trị, toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền. Ở cấp độ nhân đạo, Ba Lan đã mở cửa biên giới cho những người tị nạn từ Ukraine.

Mặc dù duy trì lập trường ủng hộ Kiev, Warsaw đang đối mặt với một quyết định quan trọng và khó khăn về việc gửi máy bay tới Ukraine.

Nga đã cảnh báo các nước láng giềng của Ukraine liên quan đến việc đón máy bay chiến đấu của Ukraine trên lãnh thổ của mình. Moscow cho biết có thể sẽ xem xét hành động trên như “tham gia vào xung đột vũ trang”.

Những lời đe dọa của Nga có thể được hiểu theo nghĩa rộng hơn là sự cảnh cáo đối với tất cả những hành động hỗ trợ Không quân Ukraine.

Ba Lan có đường biên giới với Nga và đồng minh thân cận của Moscow là Belarus. Quan hệ giữa Warsaw với Moscow đã ở mức thấp nhất kể từ khi chính quyền cánh hữu nhậm chức năm 2015.

Những khả năng khác

Một vấn đề lớn là sân đỗ nếu những chiếc MiG kia được chuyển đến Ukraine. Máy bay chiến đấu của Ukraine không thể đỗ trên đất NATO, và nhiều khả năng Kiev sẽ không thể đảm bảo việc vận hành trong thời gian dài hạn do cuộc chiến tranh đang diễn ra.

Một câu hỏi khác cần giải quyết là làm thế nào để chuyển các máy bay đến Ukraine. Các phi công Ba Lan, cũng là phi công NATO, không thể lái máy bay tới Ukraine bởi nguy cơ khiêu khích Nga. Ngược lại, các phi công Ukraine đến Ba Lan để lấy máy bay cũng có thể bị Moscow coi là “tham gia vào xung đột vũ trang”.

Ngoài ra, việc sản xuất F-16 cũng không nhanh như mong muốn. Các quốc gia khi cung cấp máy bay MiG và Su cho Ukraine có thể sẽ phải đợi một thời gian để có hàng thay thế.

Ukraine cầu xin phương Tây viện trợ máy bay - Ảnh 5.

Hình ảnh máy bay An-225 bị phá hủy hoàn toàn tại sân bay Hostomel, Ukraine. (Ảnh: Channel 1).

Thượng nghị sĩ Mỹ Marco Rubio đã tóm lược bằng câu nói: “Có nhiều thứ phức tạp đi kèm. [Mọi việc] không chỉ đơn giản là bàn giao [những máy bay này]. Bạn phải bay những [máy bay] đó. Bạn phải đặt chúng ở đâu đó trên mặt đất.”

“Và ... người Nga đã phóng khoảng từ 8 đến 12 quả tên lửa tới một sân bay ở phía tây Ukraine. Và đó chỉ là một phần của chiến lược nhằm ngăn cản việc chuyển giao máy bay” ông Rubio, một Đảng viên Cộng hòa từ bang Florida cho biết.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/vi-sao-ukraine-van-chua-nhan-duoc-may-bay-chien-dau-tu-phuong-tay-2022030715565047.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/