6 tháng sau khi xe tăng Nga tiến vào Ukraine, cú sốc lạm phát vẫn đang tỏa ra khắp nơi. Giá khí đốt châu Âu một lần nữa bật tăng mạnh vào ngày 22/8 do lo ngại về nguy cơ gián đoạn nguồn cung từ Nga.
Song, tại một bộ phận quan trọng của thị trường hàng hóa, giá đã quay trở lại "mặt đất": giá các loại hạt, ngũ cốc và dầu thực vật – những loại lương thực chủ yếu trên toàn thế giới – đã quay trở về mức trước khi cuộc chiến bắt đầu.
Nga và Ukraine là hai cường quốc nông nghiệp, là các nhà xuất khẩu hàng đầu về lúa mỳ và dầu hướng dương. Do đó, chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi giá lương thực nhảy vọt trong tháng 2 và tháng 3 bởi nỗi sợ rằng hoạt động xuất khẩu sẽ bị gián đoạn bởi chiến sự. Nhiều nhà quan sát lo ngại rằng tình trạng thiếu hụt sẽ kéo dài, tàn phá dự trữ ngũ cốc và gây ra nạn đói hàng loạt.
Đến nay, có vẻ như thế giới đã tránh được tình huống thảm khốc nhất. Tuần trước, giá lúa mỳ giao tháng 12 trên sàn Chicago đã giảm xuống còn 7,7 USD/giạ, thấp hơn nhiều con số 12,79 USD ba tháng trước đó và bằng với mức giá hồi tháng 2.
Giá ngô cũng đã quay về mức trước chiến sự. Dầu cọ, thành phần được sử dụng trong hàng nghìn món ăn từ kem đến mì ăn liền, không chỉ trở lại mức giá trước chiến sự mà còn xuống thấp hơn.
Theo tờ The Economist, thỏa thuận mà Liên Hợp Quốc đứng ra làm trung gian để giúp lúa mỳ xuất khẩu của Ukraine rời cảng Odesssa chỉ có thể giải thích một phần nhỏ của chuyển biến trên, bởi thỏa thuận được ký vào cuối tháng 7, sau khi giá đã giảm rõ rệt. Do đó, giá lương thực hạ nhiệt phần lớn là nhờ vào hoạt động xuất khẩu lúa mỳ của Nga.
Bộ Nông nghiệp Mỹ dự đoán rằng các nông trại Nga sẽ xuất khẩu kỷ lục 38 triệu tấn lúa mỳ trong giai đoạn 2022-2023, nhiều hơn 2 triệu tấn so với năm trước. Dự kiến Nga sẽ có một vụ mùa bội thu nhờ thời tiết tốt hồi đầu năm. Các nước nhập khẩu truyền thống ở Trung Đông, châu Á và Bắc Phi cũng có nhu cầu mạnh mẽ dành cho loại lương thực này.
Ngay từ đầu, lo ngại về thiếu hụt có lẽ đã bị thổi phồng. Khi đó ông Charles Robertson, nhà kinh tế cấp cao của ngân hàng đầu tư Renaissance Capital, đã lập luận rằng các trader ngũ cốc đang phản ứng quá khích và nghĩ rằng nguồn cung khí đốt cũng như lương thực đều sẽ bị gián đoạn kéo dài.
Ông Robertson chỉ ra: “Dự trữ lúa mì toàn cầu rất cao, điều này cho thấy hoặc là mối quan hệ giữa dự trữ hàng hóa và giá cả đã đổ vỡ, hoặc hoạt động đầu cơ đang diễn ra quá đà”.
Khối lượng đầu cơ khổng lồ trên thị trường tương lai cũng có thể giúp lý giải sự biến động.
Giáo sư Michael Greenberger của Đại học Maryland lưu ý rằng các ngân hàng Mỹ thường né tránh quy định hạn chế đầu cơ bằng cách sử dụng công ty con ở nước ngoài.
Dù vậy, người tiêu dùng sẽ không cảm nhận được ngay lập tức sự sụt giảm của giá lương thực trên thị trường hàng hóa. Giá lúa mỳ và các loại ngũ cốc khác đã quay trở về mức trước chiến sự Nga-Ukraine theo giá bằng đồng USD, chứ không phải mọi loại tiền tệ.
Trong khi đó, đồng bạc xanh đã tăng mạnh trong năm nay dựa trên kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất. Hệ quả là một số nền kinh tế mới nổi đang chịu ảnh hưởng xấu. Đồng lira Thổ Nhĩ Kỳ đã giảm 26% so với USD, bảng Ai Cập mất giá 18%. Đây là hai trong số ba nước nhập khẩu lúa mỳ lớn nhất trên thế giới.
Trước khi chiến sự nổ ra, giá lương thực cũng đã leo lên mức cao nhất trong hàng thập kỷ. Không gì có thể đảm bảo rằng giá sẽ không tăng lên lần nữa. Hạn hán tại nhiều khu vực trên thế giới sẽ ảnh hưởng đến sản lượng nông nghiệp.
Phân bón vẫn đang cực kỳ đắt đỏ. Ure hiện được bán với giá 680 USD/tấn. Tuy giá đã giảm mạnh từ mốc 955 USD vào giữa tháng 4, nhưng vẫn cao hơn đáng kể so với mức một năm trước là 400 USD.
Giá ure cao phản ánh sự leo thang của khí tự nhiên, thành phần của nhiều loại phân bón. Trong bối cảnh giá nhiên liệu ở châu Âu liên tiếp lập đỉnh, thế giới có thể sẽ phải chứng kiến những bất ngờ khó chịu trong tương lai.
Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/vi-sao-gia-luong-thuc-lai-giam-di-nguoc-ky-vong-cua-thi-truong-2022823113546191.htm
In bài biếtBản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/