Vì đâu Starbucks đóng cửa hàng loạt cũng khó cản giá cà phê tăng chóng mặt?

Theo Bloomberg, hoạt động giao dịch cà phê là một cuộc giằng co giữa mối quan tâm về cung và cầu. Hiện tại, lo ngại về nguồn cung đang thắng thế giữa lúc đại dịch COVID-19 lây lan nhanh chóng trên khắp thế giới.

Ngay cả khi Starbucks đóng cửa hầu hết cửa hàng tại Mỹ và Canada, giá cà phê arabica kết phiên giao dịch hôm 23/3 vẫn đạt đỉnh hai tháng.

Trong bối cảnh ngày càng nhiều chính phủ ban hành lệnh phong tỏa trên qui mô toàn quốc và người dân buộc phải ở nhà, giới quan sát đang lo ngại rằng gián đoạn về nguồn lao động và logistics sẽ tác động đến việc giao dịch cà phê.

Giá cà phê có thể phần nào nằm ngoài "đợt hạn" mà thị trường chứng khoán và hàng hóa gặp phải do sự bùng phát của đại dịch COVID-19, khi mà giới thương nhân đang khuyến khích người tiêu dùng tích trữ cà phê trước khả năng gián đoạn nguồn cung.

Vì đâu Starbucks đóng cửa hàng loạt cũng khó cản giá cà phê tăng chóng mặt? - Ảnh 1.

Cửa hàng Starbucks ở bãi biển Miami phải đóng cửa tránh dịch COVID-19. (Ảnh: Bloomberg)

Ngoài ra, giá cà phê còn được hỗ trợ bởi cảnh báo của các sàn giao dịch, rằng họ có thể không đảm bảo được việc qui trình lấy mẫu và đánh giá cà phê sẽ hoàn thành đúng hạn trước khi hợp đồng giao tháng 5 hết hạn.

Hiện tại, khả năng gián đoạn nguồn lao động, đặc biệt là ở khâu thu hoạch cà phê thâm dụng lao động tại Trung Mỹ và Colombia, cũng giúp giá cà phê tăng cao. Trong vài năm gần đây, dân di cư từ Venezuela đã trở thành một phần quan trọng của lực lượng lao động Colombia, tuy nhiên đường biên giới giữa hai nước đã đóng cửa.

"Cho đến nay, mọi thứ tạm ổn, nhưng vụ thu hoạch tháng 4 vẫn chưa bắt đầu", ông Roberto Velez - Giám đốc điều hành Liên đoàn Cà phê Colombia, cho hay. "Chúng tôi chưa thể thuyết phục chính quyền địa phương cho phép người thu hoạch cà phê đi lại tự do".

Brazil - nhà xuất khẩu cà phê arabica số một thế giới, sẽ không triển khai vụ mùa 2020 - 2021 cho đến tháng 5 năm nay. Colombia là nhà cung ứng cà phê arabica lớn thứ hai toàn cầu, theo sau là Honduras.

Tại Honduras, các nhà xuất khẩu đã nhận được ủy quyền đặc biệt từ chính phủ để có thể tiếp tục vận hành, ông Miguel Pon - Giám đốc điều hành của Adecafeh (hiệp hội xuất khẩu cà phê lớn tại Honduras), thông tin.

"Chính phủ đã gia hạn lệnh giới nghiêm tuyệt đối cho đến ngày 29/3 và tuần này là thời điểm quan trọng để tìm hiểu số ca nhiễm COVID-19 mới cũng như hướng đi của chính phủ", ông Pon nhận định.

Ông Ernesto Alvarez - Giám đốc điều hành tại công ty Coex Coffee International ở Miami, cho biết các nước Trung Mỹ "hiện còn rất ít cà phê".

"Tôi nhận thấy vấn đề này đang ngày càng trở nên tồi tệ. Cà phê tồn kho đang bay biến", Bloomberg dẫn lời ông Alvarez nói.

Vì đâu Starbucks đóng cửa hàng loạt cũng khó cản giá cà phê tăng chóng mặt? - Ảnh 2.

Giá cà phê arabica tăng mạnh nhờ nhiều yếu tố hỗ trợ. (Nguồn ảnh minh họa: prozis.com)

Trong khi một sắc lệnh của Tổng thống Colombia tuyên bố rằng công nhân trong chuỗi cung ứng nông nghiệp có thể đi lại tự do, một số thị trưởng lại chống lại hướng dẫn này, ông Manuel Rueda - tổng quản lí của công ty Integra Trading SAS, thông tin.

"Phải mất một thời gian để lọc lựa thông tin xoay quanh sắc lệnh trên. Công ty của chúng tôi sẽ cố gắng tiếp tục vận hành như bình thường và theo dõi tình hình phát triển như thế nào", ông Rueda nói.

Lo ngại về nguồn lao động không chỉ giới hạn ở nông dân làm việc tại nông trại. Chẳng hạn, ở Brazil, công nhân bốc vác ở siêu cảng Santos đang đe dọa sẽ đình công.

"Khi các nước Mỹ Latinh cảm nhận được tác động gợn sóng của dịch COVID-19, thị trường cà phê sẽ rung chuyển", ông Alex Boughton - một nhà môi giới tại công ty Sucden Financial (có trụ sở ở London), nhận định. "Lo ngại về nguồn cung sẽ không sớm biến mất".

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/vi-dau-starbucks-dong-cua-hang-loat-cung-kho-can-gia-ca-phe-tang-chong-mat-20200325123144194.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/