Ứng dụng Blockchain vào trồng lúa tại Campuchia để giúp nông dân xoá đói, giảm ngheo

Tại Campuchia, Oxfam đang ứng dụng công nghệ Blockchain với nông dân trồng lúa, nhà xuất khẩu và một nhà sản xuất bánh gạo ở châu Âu để giúp nông dân nghèo đạt được một thỏa thuận tốt hơn.

Trồng lúa ở Campuchia là một công việc mạo hiểm. Khi nông dân trồng lúa, họ rất khó để dự đoán mức giá có thể nhận được sau khi thu hoạch. Những người nông dân nghèo nhất không có người mua xếp hàng, họ cũng không có nhà máy chế biến ngũ cốc hoặc phương tiện để đưa nó ra thị trường. 

Những gì họ có thể làm là bán gạo cho bất kì ai có xe tải, thường với giá thấp và hi vọng họ có thể trả được khoản vay.

Nông dân cũng phải đối mặt với hạn hán, lũ lụt, chi phí cao cho hạt giống và phân bón, công cụ, cũng như sự biến động của giá gạo toàn cầu. Tất cả đều vượt quá tầm kiểm soát của họ

"Chúng tôi thấy nông dân trồng lúa quy mô nhỏ đang gặp khó khăn. Giá cả không ổn định và nông dân dễ chịu thiệt hại", ông Lim Solinn, Giám đốc của Oxfam ở Campuchia. "Nếu nông dân có vụ mùa bội thu, giá sẽ giảm và họ có thể không thu được lợi nhuận".

Có 3 triệu trong 15 triệu người Campuchia tham gia trồng lúa, và chiếm 25% nền kinh tế. Nông dân trồng lúa Campuchia đang xuất khẩu khoảng 9,9 triệu tấn, gần gấp đôi những gì nước này tiêu thụ. Nó có một phần quan trọng trong nền kinh tế Campuchia, nhưng thu nhập trung bình hàng tháng của nông dân trồng lúa chỉ khoảng 108 USD.

Ứng dụng Blockchain vào trồng lúa tại Campuchia để giúp nông dân xoá đói, giảm ngheo - Ảnh 1.

Những người phụ nữ tại tỉnh Preah Vihear, Campuchia đang thu hoạch lúa. Ảnh: Ou Banung/Oxfam.

Tại Campuchia, Oxfam đang thử nghiệm một ý tưởng có thể giúp 50 nông dân trong một hợp tác xã trồng lúa hữu cơ có tên Reaksmey Lekkompos Kaksekor thực hiện một thỏa thuận với nhà xuất khẩu gạo AMRU. 

Theo đó, AMRU loại bỏ toàn bộ thành phần trung gian và bán gạo cho Sano Rice ở Hà Lan, nơi sẽ làm bánh gạo cho các siêu thị ở châu Âu. 

Dự án đang thử nghiệm liệu một thỏa thuận canh tác hợp đồng ứng dụng công nghệ Blockchain có thể là một công cụ hiệu quả để giám sát toàn bộ thỏa thuận hay không. Dự án thí điểm, được gọi là BlocRice, bắt đầu vào năm 2018.

Oxfarm là tổ chức quốc tế nhằm chấm dứt sự bất công của ngheo đói.

Một thỏa thuận kĩ thuật số

Ý tưởng bắt đầu với một hợp đồng. Nhà xuất khẩu AMRU cam kết trả cho nông dân giá thị trường, cộng với phí bảo hiểm, theo đó đảm bảo thị trường cho gạo và giảm một số rủi ro cho người nông dân. 

BlocRice tạo ra một cơ sở dữ liệu có thể truy cập được cho tất cả người tham gia dự án, một loại hợp đồng thông minh kĩ thuật số, giúp người nông dân đàm phán giá tốt hơn.

"Đó là một thỏa thuận kĩ thuật số ba chiều giữa nông dân trồng theo phương pháp hữu cơ và các nhà xuất khẩu gạo ở Campuchia và người mua ở Hà Lan", ông Sol Solinn, nói với tờ Khmer Times.

Nông dân tham gia dự án thí điểm BlocRice đã đồng ý cung cấp 100 tấn gạo. Cuối cùng, họ đã giao 92,5 tấn, được vận chuyển trong hai thùng container đến Hà Lan vào cuối tháng 3/2019. 

"Một đợt hạn hán vào cuối mùa đã khiến sản lượng giảm nhẹ", theo Phay Cheth, Giám đốc Dự án BlocRice của Oxfam.

Ứng dụng Blockchain vào trồng lúa tại Campuchia để giúp nông dân xoá đói, giảm ngheo - Ảnh 2.

Người nông dân có thể sử dụng ứng dụng Blockchain trên điện thoại để nhập dữ liệu về vụ mùa của mình và sản lượng, đồng thời theo dõi thanh toán. Ảnh: Ou Banung/Oxfam.

Nông dân có thể xem cơ sở dữ liệu Blockchain bằng ứng dụng BlocRice trên điện thoại thông minh để được thông báo rõ hơn về giá cả và các điều khoản khác của hợp đồng, giúp họ có được quyền thương lượng. Nông dân cũng thêm dữ liệu trồng trọt và thu hoạch của họ, để AMRU Rice và Sano Rice xem sản lượng ước tính.

Tuy nhiên, dự án cần thu hẹp khoảng cách công nghệ để giúp nông dân truy cập tất cả dữ liệu. "Chỉ có 10 - 20% nông dân có điện thoại thông minh", ông Cheth cho biết.

Ngoài ra, không phải tất cả nông dân đều có thể đọc và viết, hoặc họ có thể thiếu truy cập internet và gói dữ liệu di động. 

Nếu BlocRice được sử dụng sau thử nghiệm ban đầu này, theo ông Cheth ,có khả năng nó sẽ gồm một ứng dụng được phát triển đầy đủ hơn với âm thanh để giúp những người nông dân mù chữ và cho phép họ cập nhật dữ liệu mà không cần mạng, có thể được tải lên sau khi kết nối với internet.

Trao quyền cho người nông dân

BlocRice cung cấp nhiều mức giá có thể dự đoán và có nhiều lợi ích hơn so với bán cho thương lái, vì giá cả khác nhau, bà Lyvoeung Chum, chủ tịch của hợp tác xã cho biết. "Với hợp đồng BlocRice, giá cả ổn định", bà Chum nói.

Những người nông dân tham gia BlocRice được trả khoảng 0,24 USD/kg và thêm 0,05 USD phí bảo hiểm. Phí bảo hiểm đã lên tới gần 100 USD cho hầu hết nông dân BlocRice, với mỗi người sản xuất trung bình gần 2 tấn gạo trắng.

Ứng dụng Blockchain vào trồng lúa tại Campuchia để giúp nông dân xoá đói, giảm ngheo - Ảnh 3.

Bà Lyvoeung Chum, chủ tịch của hợp tác xã Reaksmey Lekkompos Kaksekor. Ảnh: Ou Banung/Oxfam.

"Thực tế, được đăng kí tham gia nền tảng Blockchain ngụ ý rằng mọi người đều quan trọng. Blocrice sẽ cung cấp cho họ một nền tảng để trao quyền cho chính họ", ông Solinn nói với Nikkei Asian Review.

Và một ngày nào đó, thông tin có sẵn với BlocRice sẽ giúp kết nối người tiêu dùng với người trồng trọt ở Campuchia, theo ông Cheth. 

"Một ý tưởng đầy tham vọng, nhưng nếu chúng ta có thể theo dõi thị trường từ nông dân quy mô nhỏ đến người tiêu dùng cuối cùng, người tiêu dùng có thể thấy việc mua hàng của họ giúp những người trồng qui mô nhỏ và có thể cảm thấy tốt khi việc mua hàng góp phần chống lại nghèo đói".


Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/ung-dung-blockchain-vao-trong-lua-tai-campuchia-de-giup-nong-dan-xoa-doi-giam-ngheo-20190427082003148.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/