Ứng dụng bán bảo hiểm Việt thưởng tiền cho người tập thể dục

Sản phẩm bảo hiểm truyền thống bảo vệ khách hàng khi rủi ro xảy ra, nhưng không giúp mọi người có lối sống lành mạnh. WiCare ra đời để lấp lỗ hổng ấy.

Với kinh nghiệm gần 10 năm trong ngành bảo hiểm, Nguyễn Quang Ngọc - người sáng lập công ty công nghệ bảo hiểm WiCare - nhận thấy các sản phẩm bảo hiểm trên thị trường hiện vẫn theo hướng truyền thống nên khó tiếp cận với khách hàng. 

"Bởi vậy, người dân thường thờ ơ và ít quan tâm đến các sản phẩm bảo hiểm, tài chính", Ngọc nhận xét.

Cách tiếp cận mới trong bán bảo hiểm

Quan điểm của Ngọc là giới trẻ ngày nay muốn sử dụng những dịch vụ tích hợp, nghĩa là dịch vụ không chỉ cung cấp tiện ích, mà còn phải tạo cảm giác hứng thú, kích thích, tò mò và mang đến những trải nghiệm thú vị. Nếu sản phẩm bảo hiểm, tài chính chỉ chứa đựng yếu tố giao dịch thông thường, chúng sẽ không tạo ra đột phá.

Một nhận xét nữa của Ngọc là các sản phẩm bảo hiểm truyền thông chưa phải là sản phẩm hoàn thiện, bởi chúng bảo vệ khách hàng khi rủi ro xảy ra, nhưng lại không giúp mọi người có lối sống lành mạnh.

"Chúng ta không muốn ốm, không muốn tới bệnh viện, chứ không chỉ đơn thuần muốn công ty bảo hiểm bồi thường", Ngọc nhấn mạnh.

WiCare

Nguyễn Quang Ngọc, giám đốc điều hành WiCare, tham dự một cuộc thi dành cho startup ở Hà Nội hồi tháng 6. Ảnh: Vietchallenge

Sứ mệnh của WiCare khá rộng. Không chỉ giúp khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ trực tuyến, WiCare còn giúp khách hàng kiếm phần thưởng bằng cách đi bộ và tập thể dục. Nó không chỉ bảo vệ, mà còn tạo động lực để khách hàng có lối sống hợp lí hơn.

Mọi cá nhân có thể đăng kí trở thành người dùng miễn phí với WiCare, rồi lựa chọn chế độ tập thể dục để kiếm phần thưởng. WiCare có hơn 50 đối tác cung cấp phần thưởng cho người sử dụng không đóng phí.

Nếu người sử dụng muốn chuyển sang nhóm chuyên nghiệp "Pro" để kiếm phần thưởng lớn hơn hoặc hoặc mua bảo hiểm y tế, họ chỉ cần đóng 2,5 USD (khoảng 60.000 đồng) mỗi tháng. Công ty bảo hiểm sẽ thanh toán viện phí cho những người mua bảo hiểm y tế nếu họ điều trị ở các bệnh viện.

Để kiếm một thẻ cào điện thoại hay một chuyến xe ôm có mệnh giá 20.000 đồng, người dùng sẽ phải đạt mốc 120.000 bước. Nếu mỗi ngày người dùng tích lũy 5.000 bước, thời gian để nhận quà là 24 ngày. Thuật toán sẽ quy đổi phần thưởng dưới dạng mã code trên ứng dụng.

Ứng dụng sẽ tự động kết nối với Google Fit và Apple Health tích điểm cho người dùng khi họ đi bộ hoặc chạy. Nó sẽ đếm và ghi các bước chân. Khi số bước chân đạt tới ngưỡng yêu cầu người tham gia có thể lấy các phần thưởng.

Nhanh, vui, rẻ: 3 yếu tố để thu hút người dùng

Đi bộ là phương thức đầu tiên Ngọc chọn để tiếp cận, bởi đây là hoạt động ai cũng có thể thực hiện dễ dàng. Trong tương lai, công ty sẽ mở rộng thêm nhiều môn thể thao hữu ích khác để khuyến khích người dùng tập luyện.

"Hiện tại, mỗi tháng chúng tôi chi trung bình 20.000 đồng để thưởng cho mỗi khách hàng", Ngọc tiết lộ. Theo anh, dù số tiền thưởng khá nhỏ, nó vẫn kích thích giới trẻ tập luyện, bởi giới trẻ muốn có sự tương tác và cảm giác vui vẻ, chứ không chỉ đơn thuần tập luyện để kiếm tiền.

WiCare cũng có nguồn thu từ việc bán hợp đồng cho các công ty bảo hiểm, với mức hoa hồng từ 15% tới 40% mỗi hợp đồng. 

"Nhanh" và "vui" là hai yếu tố tạo nên sự khác biệt của WiCare. Công ty luôn đơn giản hóa các hợp đồng bảo hiểm để khách hàng có thể chọn, mua, yêu cầu bồi thường một cách dễ dàng trên điện thoại hay thiết bị di động khác.

di bo

Khoản tiền thưởng từ việc đi bộ không lớn, song Nguyễn Quang Ngọc tin rằng chúng tạo động lực để giới trẻ vận động tích cực hơn. Ảnh: pivot.com

"Người mua bảo hiểm chỉ liên hệ với chúng tôi khi họ cần thêm thông tin", Ngọc nhấn mạnh.

Ngọc nhận định các đại lý bảo hiểm thường muốn bán các hợp đồng có mệnh giá cao nên họ tập trung nhiều vào khách hàng trên 30 tuổi. Ngược lại, vì bán những hợp đồng bảo hiểm có mệnh giá thấp và chỉ tập trung vào giới trẻ nên WiCare hướng tới tầng lớp thanh niên 25-30 tuổi.

Thông qua ứng dụng, WiCare có thể tương tác với người mua bảo hiểm hàng ngày, trao đổi với khách hàng về vô số chủ đề thú vị trong cuộc sống.

Không chỉ phục vụ khách hàng cá nhân, WiCare còn hướng tới các doanh nghiệp. Công ty giúp các doanh nghiệp xây dựng gói bảo hiểm cho người lao động.

Dữ liệu từ ứng dụng là cơ sở để phân loại khách mua bảo hiểm

Dựa vào lịch sử sức khỏe và mức độ vận động hàng ngày của khách hàng, WiCare có thể đánh giá sức khỏe, thu thập dữ liệu để cung cấp các gói bảo hiểm. Bên cạnh đó, WiCare cũng có thể hợp tác với các mô hình chăm sóc sức khỏe khác như WeFit để đánh giá sức khỏe của khách hàng bảo hiểm dựa trên dữ liệu của đối tác.

Quỹ Vietnam Sillicon Valley đã đầu tư 50.000 USD cho WiCare dù công ty mới thành lập hồi đầu tháng 6/2019 và chỉ mới hợp tác với hai công ty bảo hiểm nhân thọ.

Kế hoạch của WiCare trong một năm tới là xây dựng tập người dùng miễn phí, cung cấp những sản phẩm bảo hiểm cho họ rồi sau đó chào mời những sản phẩm phức tạp hơn, có mệnh giá cao hơn.

"Ban đầu, vì số lượng người dùng mới chỉ đạt hàng trăm, chúng tôi chỉ cung cấp những sản phẩm bảo hiểm đơn giản. Nếu chúng tôi cung cấp sản phẩm phức tạp quá sớm, có thể người dùng sẽ bối rối", Ngọc phân tích.

Trong 3-5 năm tới, WiCare sẽ phấn đấu trở thành đối tác chăm sóc khách hàng, hoặc kết hợp với các công ty bảo hiểm nhân thọ thu hút và tặng quà cho khách hàng của đối tác.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/ung-dung-ban-bao-hiem-viet-thuong-tien-cho-nguoi-tap-the-duc-20190818073756317.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/