Giá xăng cao kỷ lục đè nặng lên túi tiền người dân từ Việt Nam đến Pháp, Đức: Nguồn cơn từ đâu?

Giá xăng dầu lên cao trong những tháng qua khiến người dân ở khắp nơi trên thế giới phải đắn đo nhiều hơn trước mỗi quyết định chi tiêu. Ngân sách của nhiều gia đình ngày càng eo hẹp.

Tại một trạm xăng ở gần thành phố Cologne của nước Đức, ông Bernd Muller đứng nhìn bảng hiển thị số tiền mà ông phải trả: 22 euro, rồi lên 23, 24 euro. Bảng hiện thị số xăng đã bơm vào xe của ông cũng tăng lên nhưng chậm hơn rất nhiều, chậm tới mức đau đớn.

“Từ tháng 10 hoặc tháng 11 này tôi sẽ không đi ô tô nữa”, ông Mueller, 80 tuổi, nói. “Tôi đã về hưu rồi, giờ phải trả tiền xăng xe và đủ thứ chi phí khác. Đến một lúc nào đó tôi cũng phải cắt giảm thôi”.

Trên toàn thế giới, những người đi xe như ông Mueller đang phải xem xét lại thói quen di chuyển và tình hình tài chính cá nhân của mình trong bối cảnh giá xăng và dầu diesel tăng vọt. Giá nhiên liệu lên cao là một trong những nhân tố chính đẩy lạm phát ở nhiều nước trên thế giới chạm đỉnh 40 năm.

Giá xăng tại Mỹ lên cao từ trước khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra.

Một người lái xe ôm ở Việt Nam thà tắt app còn hơn chịu tốn xăng vì tắc đường trong giờ cao điểm. Một gia đình người Pháp phải cắt giảm chi tiêu cho đợt du lịch hè vào tháng 8.

Một nhà thiết kế đồ họa ở California (Mỹ) phải tính cả tiền xăng vào chi phí của một buổi tối đi chơi ở ngoài. Một bà mẹ ở Rome (Italy) phải bỏ một buổi ăn pizza ở nhà hàng mới có tiền mua xăng đưa con tới trại hè.

Các giải pháp ứng phó của người tiêu dùng trên khắp thế giới rất đa dạng: Đi bộ nhiều hơn, lấy xe đạp ra dùng, đi tàu điện, tàu hỏa, hoặc xe bus, nhẹ chân ga để tiết kiệm xăng, tính toán quãng đường ngắn nhất cho mỗi hành trình, …

Với hàng triệu người không được tiếp cận với giao thông công cộng đầy đủ hoặc vì lý do nào đó mà không thể từ bỏ ô tô và xe máy, giải pháp duy nhất là cắn răng chịu đựng, hạn chế các khoản chi tiêu khác để trả tiền xăng.

Ông Nguyễn Trọng Tuyến, một tài xế Grab tại Hà Nội, cho biết thời gian gần đây ông thường tắt app, không nhận khách trong giờ cao điểm.

“Nếu tôi bị kẹt vì tắc đường thì số tiền tôi nhận được sẽ không đủ trả tiền xăng”, ông Tuyến chia sẻ với tờ AP. Rất nhiều tài xế khác cũng tắt app giống như ông Tuyến, khiến cho nhiều khách hàng không đặt được xe.

Tại Manila (Philippines), anh Ronald Sibeyee từng phải trả 900 peso (khoảng 380.000 đồng) để đổ đầy bình diesel cho chiếc xe của mình. Giờ đây, anh phải trả tới 2.200 peso (khoảng 950.000 đồng).

“Số tiền đổ xăng đó lẽ ra phải là thu nhập của tôi. Giờ tôi chẳng có khoản thu nào, hoặc chỉ có chút ít còn sót lại”, anh Sibeyee nói. Thu nhập của anh đã giảm khoảng 40% vì giá nhiên liệu tăng.

Căn nguyên của cơn bão giá

Giá xăng và diesel là kết quả của một công thức phức tạp gồm nhiều biến số như giá dầu thô, thuế, phí, sức mua của người dân, mức độ giàu có của quốc gia, trợ cấp của chính phủ, và biên lợi nhuận của những bên trung gian như công ty lọc dầu.

Dầu được định giá theo USD nên với các quốc gia nhập khẩu năng lượng, tỷ giá cũng là một nhân tố ảnh hưởng tới giá xăng. Việc đồng euro suy yếu so với USD thời gian gần đây đã góp phần khiến cho nhiên liệu ở châu Âu thêm đắt đỏ.

Tại Mỹ, giá xăng dầu lên cao còn vì Tổng thống Joe Biden hạn chế năng lực mở rộng khai thác và sản xuất của các tập đoàn năng lượng trong hai năm 2020 và 2021 vì mục tiêu môi trường. Hiện nay nền kinh tế cần nguồn cung lớn hơn nhưng không ai đáp ứng được.

Ngoài ra, cơn bão giá xăng dầu năm nay còn là hệ quả của các nhân tố địa chính trị, đặc biệt là cuộc xung đột Nga – Ukraine.

Kể từ khi Moscow phát động chiến dịch quân sự vào ngày 24/2, phương Tây đã cấm vận dầu của Nga, khiến cho nhiều nước khác cũng vội xa lánh vì sợ bị trừng phạt theo. Hai ngoại lệ đáng chú ý là Trung Quốc và Ấn Độ.

Nhu cầu năng lượng hồi phục sau hai năm phong tỏa vì đại dịch, đúng lúc một phần đáng kể nguồn cung của Nga bị loại khỏi thị trường, đã làm cho giá dầu những tháng vừa qua duy trì ở mức cao trên 100 USD/thùng.

Giá dầu thô đã hạ nhiệt so với đỉnh hồi cuối tháng 2/2022 nhưng vẫn cao hơn nhiều so với năm 2021.

Một lý do quan trọng khác là năng lực lọc dầu của thế giới sa sút. Dù giá dầu có hạ nhưng nếu các nhà máy tinh chế không thể cho ra sản phẩm cuối cùng như xăng và diesel thì giá nhiên liệu vẫn sẽ cao.

Theo số liệu của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), thế giới có năng lực lọc khoảng 100 triệu thùng dầu mỗi ngày. Tuy nhiên, khoảng 20% trong số này hiện nay đang không hoạt động, đa phần nằm ở khu vực Mỹ Latin do thiếu vốn đầu tư. Như vậy, năng lực lọc dầu thực tế hiện nay là khoảng 82 – 83 triệu thùng mỗi ngày.

Tháng 4 năm nay, khoảng 78 triệu thùng dầu được tinh chế mỗi ngày, thấp hơn đáng kể so với mức trung bình 82,1 triệu thùng/ngày trước đại dịch. IEA dự báo con số sẽ cải thiện lên thành 81,9 triệu thùng/ngày trong mùa hè này khi các nhà máy lọc dầu của Trung Quốc hoạt động trở lại.

Bloomberg dẫn số liệu của CITIC Futures cho biết các công ty lọc dầu nhà nước Trung Quốc, chiếm khoảng 3/4 quy mô toàn ngành, hiện nay chỉ hoạt động với khoảng 71% công suất.

Các công ty lọc dầu tư nhân chiếm 1/4 công suất còn lại của Trung Quốc và hiện chỉ hoạt động ở 64% công suất. Nhiều doanh nghiệp trong số này nằm ở tỉnh Sơn Đông và không được phép xuất khẩu nhiên liệu.

Tổng cộng, khoảng 1/3 năng lực lọc dầu của Trung Quốc đang dừng hoạt động trong bối cảnh nền kinh tế lớn nhất châu Á đang vật lộn với chính sách Zero COVID.

Cho dù các nhà máy khổng lồ này vận hành trở lại thì tác động tới thị trường quốc tế cũng tương đối nhỏ do từ lâu ngành dầu khí của Trung Quốc chủ yếu chỉ phục vụ thị trường trong nước.

Thế giới có khả năng lọc khoảng 100 triệu thùng dầu mỗi ngày.

Tại Hong Kong và Na Uy, giá xăng có thể lên tới hơn 10 USD/gallon (tương đương 61.000 đồng/lít). Giá xăng ở Đức có thể vào khoảng 7,5 USD/gallon (46.000 đồng/lít) và ở Pháp là 8 USD/gallon.

Mỹ có thuế nhiên liệu thấp hơn các nước châu Âu nên giá xăng cũng rẻ hơn, ở khoảng 5 USD/lit (gần 31.000 đồng/lít). Mặc dù vậy, con số này cũng là mức cao kỷ lục trong lịch sử nước Mỹ.

Người dân ở các nước nghèo và đang phát triển nhanh chóng cảm nhận được áp lực từ việc giá nhiên liệu lên cao, nhưng ngay cả công dân Mỹ và châu Âu cũng không tránh khỏi ảnh hưởng vì hệ thống giao thông công cộng không thể vươn tới được mọi nơi, đặc biệt là khu vực nông thôn.

Ông Charles Dupont, Quản lý một cửa hàng quần áo ở vùng Essonne ở phía nam Paris (Pháp), không có lựa chọn nào khác ngoài lái ô tô đi làm. “Tôi phải học cách lái xe tiết kiệm xăng, tức là đi chậm và tránh phanh gấp”, ông chia sẻ với tờ AP.

Bà Letizia Cecinelli ở Rome (Italy) cho biết bà đang đạp xe nhiều hơn và hạn chế đi ô tô bất cứ khi nào có thể. “Nếu tôi phải đưa con trai tôi tới trại hè thì tôi sẽ phải bỏ một bữa ăn pizza ở nhà hàng để có tiền đổ xăng”.

Giá xăng lên cao đang gây ra những tác động lớn về chính trị. Tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Joe Biden liên tục xuống thấp khi cuộc bầu cử Quốc hội giữa kỳ đang đến gần, một trong những nguyên nhân quan trọng là giá nhiên liệu tăng phi mã đẩy lạm phát lên cao.

Trong tháng 7, ông Biden sẽ có chuyến công du tới Saudi Arabia để thúc đẩy vương quốc dầu mỏ này gia tăng sản lượng với hy vọng hạ nhiệt giá xăng.

Mỹ và nhiều nước khác cũng đã giải phóng một lượng đáng kể dầu thô từ kho dự trữ chiến lược nhưng tác động không mang tính chất quyết định. Một số quốc gia, bao gồm Hungary, áp trần đối với giá xăng.

Quan chức một số nước như Mỹ và Việt Nam đang tính đến phương án cắt giảm thuế đối với xăng để hạ giá. Đức đã giảm thuế 0,35 euro đối với một lít xăng và 0,17 euro đối với một lít diesel, giá ban đầu có giảm nhưng sau đó tăng trở lại. Nguyên nhân là việc giảm thuế không khắc phục được nguyên nhân căn bản nhất khiến cho giá cao là thiếu hụt nguồn cung.

Ai hưởng lợi trong cơn bão giá?

Reuters cho rằng những nhà máy lọc dầu để xuất khẩu sang các quốc gia khác là những người được hưởng lợi nhiều nhất trong môi trường thiếu hụt năng lượng hiện nay. Các tập đoàn xăng dầu của Mỹ thường xuất khẩu nhiều hơn đáng kể so với doanh nghiệp Trung Quốc.

Nguồn cung xăng dầu eo hẹp đã đẩy biên lợi nhuận của các nhà máy lọc dầu lên cao kỷ lục, gần chạm 60 USD/thùng. Lợi nhuận của tập đoàn Valero (Mỹ) và Reliance (Ấn Độ) nhờ vậy mà tăng trưởng mạnh mẽ.

Theo EIA, Ấn Độ tinh chế khoảng 5 triệu thùng dầu mỗi ngày. Những tháng gần đây, đất nước châu Á này đã nhập khẩu nhiều dầu giá rẻ từ Nga để lọc cho nhu cầu sử dụng trong nước cũng như xuất khẩu. Năng lực lọc dầu của Ấn Độ vào cuối năm nay được dự báo sẽ tăng thêm 450.000 thùng, IEA cho hay.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/tu-viet-nam-den-phap-duc-gia-xang-cao-ky-luc-de-nang-len-tui-tien-nguoi-dan-202262322449792.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/