Trung Quốc với bài toán nhân sự chất lượng cao cho ngành chip

Trung Quốc đang tăng cường những nỗ lực nuôi dưỡng nhân tài trong nước cho ngành bán dẫn, nhằm nhanh chóng giải quyết tình trạng thiếu chuyên môn trong lĩnh vực này.

(Ảnh minh hoạ: China Daily).

Trung Quốc đang tăng cường những nỗ lực nuôi dưỡng nhân tài trong nước cho ngành bán dẫn, nhằm nhanh chóng giải quyết tình trạng thiếu chuyên môn trong lĩnh vực này, nhất là khi Mỹ đang tìm cách hạn chế khả năng tiếp cận công nghệ chip tiên tiến của Trung Quốc.

Số đơn đăng ký các khóa học đại học và sau đại học đã tăng mạnh trong 5 năm qua, khi các trường đại học hàng đầu được cấp thêm kinh phí và số trường tư nhỏ tập trung vào các khóa học ngắn hạn tăng bùng nổ.

Nhiều sinh viên đại học các ngành khác cũng đang bị thu hút vào lĩnh vực tăng trưởng cao này, ở thời điểm mà mức lương khởi điểm đã tăng gấp đôi kể từ năm 2018 do sự mất cân bằng cung-cầu nhân sự, từ khoảng 200.000 NDT (28.722,43 USD) lên 400.000 NDT.

Theo ước tính của Trung tâm phát triển ngành thông tin Trung Quốc và Hiệp hội ngành bán dẫn Trung Quốc, nước này đang thiếu 200.000 nhân lực trong ngành bán dẫn trong năm nay.

Việc lấp chỗ trống này giờ đây còn trở nên quan trọng hơn khi Mỹ đang tìm cách tách Trung Quốc khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu trong ngành này vì lo ngại an ninh quốc gia.

Ông Liu Zhongfan, một thành viên của Học viện khoa học Trung Quốc, cho rằng Trung Quốc cần ưu tiên đào tạo nhân tài hơn cả việc tìm kiếm giải pháp trước mắt cho các vấn đề về chuỗi cung ứng.

Tuy nhiên, sinh viên và các chuyên gia cho biết chương trình đào tạo về chip của Trung Quốc không cung cấp các kinh nghiệm “thực chiến” như các trường ở Đài Loan (Trung Quốc) và Mỹ.

Một khảo sát gần đây từ công ty nghiên cứu ICWise cho thấy hơn 60% sinh viên chuyên ngành chip ở Trung Quốc tốt nghiệp mà không có kinh nghiệp thực tập trong lĩnh vực này.

Tại Đài Loan, công ty sản xuất chip hàng đầu là Taiwan Semiconductor Manufacturing Co. (TSMC) đã thành lập các trung tâm nghiên cứu tại bốn trường đại học. Đã có những bước đi theo hướng này tại Trung Quốc.

Công ty sản xuất chip lớn nhất nước này là Semiconductor Manufacturing International Corp. (SMIC), năm 2021 đã cùng Đại học công nghệ Thâm Quyến thành lập trường chuyên đào tạo nhân sự cho ngành chip School of Integrated Circuits.

Số đơn đăng ký học thạc sỹ trong ngành kỹ thuật chip tại 10 trường đại học hàng đầu Trung Quốc đã tăng gần gấp đôi từ năm 2018-2022 lên tổng cộng 2.893 sinh viên.

Xu hướng gia tăng này cũng được ghi nhận tại cấp đại học. Tuy nhiên, việc giải quyết tình trạng thiếu hụt nhân sự chất lượng cao trong ngành này sẽ là một chiến dịch dài hơi.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/trung-quoc-voi-bai-toan-nhan-su-chat-luong-cao-cho-nganh-chip-2023329214536724.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/