Trung Quốc tặng Campuchia món quà 150 triệu USD, phô diễn chiến lược 'ngoại giao sân vận động'

Trung Quốc vừa chính thức trao chìa khóa của một sân vận động mới toanh trị giá 150 triệu USD cho Campuchia. Đây là một phần trong chiến lược "ngoại giao sân vận động" của Bắc Kinh hòng gia tăng sức ảnh hưởng trên toàn cầu.

Món quà trị giá trăm triệu USD

Hôm 12/9, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã chính thức bàn giao cho Thủ tướng Campuchia Hun Sen sân vận động quốc gia Morodok Techno do Bắc Kinh tài trợ và xây dựng từ năm 2013.

Tại lễ bàn giao, Ngoại trưởng Vương cho biết Trung Quốc tài trợ cho dự án trên vì mối quan hệ giao hảo giữa hai nước. Campuchia đang muốn sử dụng sân vận động Morodok Techno, tọa lạc ở ngoại ô thủ đô Phnom Penh, để tổ chức SEA Games lần thứ 32 vào năm 2023.

Sân vận động mới được thiết kế như một chiếc thuyền, hai cấu trúc cao gần 100 m ở hai đầu công trình được ví như mũi thuyền và đuôi thuyền.

Ông Tập tặng Campuchia món quà 150 triệu USD, phô diễn chiến lược 'ngoại giao sân vận động' - Ảnh 1.

Sân vận động Morodok Techno được thiết kế như một chiếc thuyền. (Ảnh: Getty Images).

Bộ trưởng Bộ Du lịch Campuchia Thong Khon cho biết, thiết kế đặc biệt của sân vận động Morodok Techno biểu thị cho mối quan hệ giữa Trung Quốc và đất nước Đông Nam Á. Theo giải thích của vị bộ trưởng, hàng trăm năm trước, người dân Trung Quốc từng đi thuyền theo đường biển đến Campuchia.

Hình dáng mũi thuyền còn tượng trưng cho "Sampeah", một cách chào truyền thống hoặc để thể hiện sự tôn trọng của người dân Campuchia. Để thực hiện động tác này, người ta sẽ áp hai lòng bàn tay vào nhau rồi đặt trước ngực và cúi chào.

Bao quanh sân vận động cao 5 tầng là một con hào rộng với các đài phun nước. Chi tiết này được cho là để bày tỏ lòng tôn kính đối với ngôi đền Angkor Wat mang tính biểu tượng của Campuchia, theo Business Insider.

Ông Tập tặng Campuchia món quà 150 triệu USD, phô diễn chiến lược 'ngoại giao sân vận động' - Ảnh 2.

Con hào bao quanh sân vận động được cho là nhằm tỏ lòng tôn kính với ngôi đền Angkor Wat của Campuchia. (Ảnh chụp màn hình từ video của Chhon Veasna).

Một ngày trước lễ bàn giao, một nhà báo Campuchia có tên Chhon Veasna đã đăng tải một video lên kênh YouTube cá nhân về hào nước và nội thất bên trong sân vận động Morodok Techno.

Khmer Times thông tin, công trình mới có sức chứa khoảng 60.000 người và được trang bị một sân bóng đá tiêu chuẩn quốc tế, một bể bơi đạt tiêu chuẩn Olympic và một đường chạy.

Ngoài ra, sân vận động này còn có thêm một phòng huấn luyện, một phòng thể dục trong nhà và một trung tâm thể thao dưới nước, theo Ban tổ chức SEA Games Campuchia. Hơn nữa, Morodok Techno có thể tổ chức các trận đấu thể thao như cricket (bóng gậy), bóng rổ và cầu lông.

Quá trình xây dựng sân vận động cần 340 kỹ sư Trung Quốc và 240 công nhân Campuchia.

Tờ Phnom Penh Post dẫn lời Thủ tướng Hun Sen bày tỏ tại lễ bàn giao: "Đây chỉ là những thành quả ban đầu trong giai đoạn bùng nổ của mối quan hệ song phương Campuchia - Trung Quốc".

Sân vận động Morodok Techno dưới góc máy của nhà báo Chhon Veasna. (Nguồn: YouTube/Family of Explorer).

Ngoại giao sân vận động

Thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), Trung Quốc đã và đang xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng để trao tặng cho những nước đang phát triển nhằm đổi lấy tầm ảnh hưởng.

Cụ thể, trong vài thập kỷ qua, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã giúp không ít quốc gia xây dựng sân bay, đường sá,… nhưng các sân vận động nói riêng vẫn là một công cụ có giá trị hơn hết.

Theo một báo cáo năm 2019 được công bố trên tạp chí Habitat International, hơn 100 sân vận động ở châu Á, Mỹ Latin và châu Phi đã được thiết kế, tài trợ và xây dựng bởi Trung Quốc.

Một số nhà nghiên cứu gọi chiến lược trên là "ngoại giao sân vận động".

Trung Quốc đã chi hàng tỷ USD viện trợ, cho vay và đầu tư vào Campuchia, và hai nước vẫn duy trì quan hệ khắng khít trong nhiều năm.

Hồi tháng 6 năm nay, Campuchia đã phá dỡ và thay thế hai cơ sở do Mỹ tài trợ tại một trong những căn cứ hải quân của nước này. Động thái đó làm dấy lên lo ngại rằng Trung Quốc có thể đang muốn tăng cường sự hiện diện quân sự ở đất nước Đông Nam Á.

Bên cạnh chiến lược "ngoại giao sân vận động", Trung Quốc còn có các chính sách tương tự để nâng cao vị thế trên phạm vi quốc tế như "ngoại giao chiến lang", "ngoại giao vắc xin".

Khái niệm "ngoại giao chiến lang" xuất phát từ một bộ phim cùng tên được yêu thích ở Trung Quốc. Ngày nay, công chúng dùng thuật ngữ này để mô tả thái độ tự tin của các nhà ngoại giao Trung Quốc trước phương Tây khi mà họ sẵn sàng đáp trả không kiêng dè những phát biểu được cho là xâm phạm lợi ích của Bắc Kinh.

Trong khi đó, khi đại dịch COVID-19 bùng phát nghiêm trọng trên toàn cầu, Trung Quốc đã hứa hẹn sẽ cung cấp 2 tỷ liều vắc xin cho các nước trong năm 2021, đồng thời cam kết quyên góp 100 triệu USD cho cơ chế COVAX, theo đài truyền hình quốc gia CCTV. Các chuyên gia gọi đây là chiến lược "ngoại giao vắc xin".

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/trung-quoc-tang-campuchia-mon-qua-150-trieu-usd-pho-dien-chien-luoc-ngoai-giao-san-van-dong-20210915000830071.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/