Trung Quốc siết vòi bơm tiền ngay lúc nền kinh tế cần kích thích tài khóa nhất

Sự chững lại của nền kinh tế Trung Quốc khiến công chúng đổ dồn sự chú ý vào các kích thích tài khóa, nhưng ngay lúc này Bắc Kinh lại siết vòi, chưa cho thấy ý định "bơm thêm máu" cho nền kinh tế.

Trong khi Mỹ phải kêu gọi tăng trần nợ công và các nước khác cố duy trì chính sách tài khóa lỏng lẻo để hỗ trợ nền kinh tế bầm dập vì đại dịch COVID-19, Trung Quốc lại có thể ghi nhận thâm hụt ngân sách khiêm tốn hơn so với dự trù, hoặc thậm chí là đạt cân bằng ngân sách lần đầu tiên trong 4 thập kỷ.

Bloomberg cho rằng, việc Bắc Kinh thu hẹp các biện pháp kích thích tài khóa không phải là vấn đề lớn vào đầu năm nay, khi nền kinh tế trên đà phục hồi mạnh mẽ. Tuy nhiên, ngay tại thời điểm nền kinh tế tỷ dân bị tấn công tứ phía, việc thiếu hỗ trợ tài khóa sẽ trở thành chuyện lớn.

Chính sách tài khóa bị siết chặt hơn một phần là do Bắc Kinh đang dốc sức cắt giảm chi tiêu lãng phí và giảm khối nợ giữa chính quyền các địa phương nhằm hạ thấp rủi ro tài chính trên toàn nền kinh tế.

Hơn nữa, căng thẳng trên thị trường bất động sản đang tác động đến việc bán đất, một nguồn thu ngân sách quan trọng của chính quyền các tỉnh thành tại Trung Quốc, Bloomberg thông tin thêm.

Dưới đây là một cái nhìn sâu hơn về tình hình tài khóa của Trung Quốc và những tác động đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới:

Hụt mục tiêu

Theo số liệu của Bộ Tài chính Trung Quốc, chi tiêu của chính quyền trung ương và địa phương đến cuối tháng 8 năm nay là khoảng 21,5 nghìn tỷ nhân dân tệ (tương đương 3,3 nghìn tỷ USD), tương đương khoảng 56% mục tiêu cả năm và không biến động so với cùng kỳ năm ngoái.

Trung Quốc rút phích ngay lúc nền kinh tế cần kích thích tài khóa nhất - Ảnh 1.

Bắc Kinh dự báo thâm hụt ngân sách sẽ giảm nhẹ trong năm 2021 xuống còn 3,6 nghìn tỷ nhân dân tệ. Hồi tháng 3, Bắc Kinh còn khẳng định rằng điều này chứng tỏ Trung Quốc "đang theo đuổi sự phát triển chất lượng cao hơn là áp dụng một loạt các kích thích tài khóa mạnh bạo".

Ông Ding Shuang, chuyên gia kinh tế tại Standard Chartered, cho biết mục tiêu thâm hụt ngân sách được quyết định vào thời điểm đầu năm khi nền kinh tế tăng trưởng gần với tốc độ tiềm năng và thời điểm đó là phù hợp để các nhà hoạch định xem xét bình thường hóa chính sách.

"Song, những gì xảy ra tiếp theo không nằm trong tính toán của các quan chức chính phủ Trung Quốc thời điểm đó, từ việc siết kiểm soát thị trường bất động sản đến những thiên tai gần đây", ông Ding nhấn mạnh.

"Các biện pháp kích thích tài khóa sẽ trở nên cần thiết hơn trong những tháng tới, nhưng chính phủ không thể ban hành chỉ thị ngay hôm nay và tiền không thể được chi ngay trong đêm", nhà phân tích của Standard Chartered lưu ý.

Theo Bloomberg, nếu không tính các lô trái phiếu đặc biệt của chính quyền địa phương và số dư từ năm ngoái mang sang năm nay, thâm hụt ngân sách trong 8 tháng đầu năm của Trung Quốc chỉ là khoảng 1 nghìn tỷ nhân dân tệ, trong khi mục tiêu cả năm là gần 9 nghìn tỷ nhân dân tệ.

Bán trái phiếu

Trong năm 2021, tốc độ phát hành trái phiếu của chính quyền các địa phương tại Trung Quốc đã chững lại so với năm ngoái, với tổng lượng trái phiếu loại thường và đặc biệt bán ra tính đến cuối tháng 9 thấp hơn cùng kỳ năm 2020.

Trái phiếu đặc biệt được dùng để thanh toán chi tiêu cho cơ sở hạ tầng, nhưng trong vài năm qua, các tỉnh thành ở Trung Quốc phải rất chật vật khi tìm những dự án giá trị để rót vốn.

Trung Quốc rút phích ngay lúc nền kinh tế cần kích thích tài khóa nhất - Ảnh 2.

Tháng trước, các nhà kinh tế của Goldman Sachs bình luận: "Việc phát hành trái phiếu đặc biệt tại Trung Quốc đã tăng tốc phần nào nhưng vẫn chưa đạt tốc độ cần thiết để sử dụng hết hạn ngạch cả năm".

Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC) đã khởi động lại việc phê duyệt các dự án cơ sở hạ tầng vào tháng 8 sau nửa năm gián đoạn. Hơn nữa, cơ quan này còn thúc giục chính quyền các địa phương phân bổ thêm nhân lực và vật lực để đẩy nhanh việc chuẩn bị cho các dự án đầu tư mới.

Dù vậy, chính quyền địa phương phải đảm bảo ngăn ngừa rủi ro nợ nần, một quan chức của NDRC nhấn mạnh tại cuộc họp báo hồi tháng 9.

Rắc rối trên thị trường bất động sản

Gần đây, cuộc khủng hoảng nợ của tập đoàn địa ốc Evergrande và việc Bắc Kinh tăng cường kiểm soát giá đất đã gây ra một số khó khăn trên thị trường bất động sản, khiến các tỉnh thành trên cả nước khó bán đất để kiếm ngân sách hơn.

Dữ liệu mới nhất cho thấy, nguồn thu của chính quyền các địa phương từ việc bán đất trong tháng 8 đã giảm so với cùng kỳ năm trước.

Trung Quốc rút phích ngay lúc nền kinh tế cần kích thích tài khóa nhất - Ảnh 3.

Nếu xu hướng trên tiếp tục trong những tháng còn lại của năm 2021, tình hình tài chính của các tỉnh có thể lâm nguy, vì doanh thu bán đất trong 4 tháng cuối năm thường chiếm khoảng 50% tổng doanh thu từ nguồn này trong cả một năm.

Tuy nhiên, có một số tín hiệu chứng tỏ chi tiêu ngân sách của chính quyền các địa phương có thể tăng lên. Tháng trước, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc đã kêu gọi các cơ quan phối hợp tốt hơn giữa chính sách tài khóa, tài chính và việc làm để ổn định thị trường.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/trung-quoc-siet-voi-bom-tien-ngay-luc-nen-kinh-te-can-kich-thich-tai-khoa-nhat-20211013082843359.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/