Trung Quốc lo ngại Apple và các công ty công nghệ khác có thể tạo ra làn sóng 'tháo chạy' như những gì đã làm tại Nga

Nhiều người tiêu dùng Trung Quốc đang đặt ra giả thuyết nếu nước này xảy ra xung đột như Nga và Ukraine, liệu các công ty công nghệ lớn như Apple có còn bám trụ ở lại.

Kể từ thời điểm cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine nổ ra, hàng loạt công ty công nghệ lớn nói riêng cùng các doanh nghiệp trong những lĩnh vực khác nói chung đã lần lượt rút khỏi thị trường Nga.

Những nỗ lực rút lui khỏi thị trường xứ Bạch Dương của gã khổng lồ Apple cùng các công ty khác bất ngờ đặt ra vấn đề khiến Trung Quốc phải lo lắng: Liệu những diễn biến tương tự có xảy ra ở thị trường tỷ dân?

Người dân Trung Quốc lo ngại Apple sẽ rời đi nếu Trung Quốc xảy ra xung đột trong tương lai. (Ảnh: Getty Images).

Theo CNBC, phần lớn mối quan tâm của người tiêu dùng Trung Quốc tập trung vào các ông lớn công nghệ như Apple, hoặc các đối thủ khác như Google, Microsoft và các gã khổng lồ công nghệ khác đã nhanh chóng hạn chế hoạt động kinh doanh tại Nga sau khi Tổng thống Vladimir Putin mở “chiến dịch đặc biệt” nhằm vào Ukraine vào ngày 24/2.

Kể từ đó, “táo khuyết” đã ngừng bán và xuất khẩu sản phẩm sang Nga, đồng thời hạn chế một số dịch vụ tại quốc gia này như Apple Pay. Thậm chí, gã khổng lồ công nghệ nước Mỹ còn xóa ứng dụng của các trang tin tức được nhà nước Nga hậu thuẫn, chẳng hạn như RT News và Sputnik News, khỏi Apple Store bên ngoài lãnh thổ nước Nga.

Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, cũng như một loạt phản ứng nối tiếp trên toàn cầu, đã được theo dõi chặt chẽ ở châu Á, nơi có sự căng thẳng lâu dài giữa Trung Quốc và một số khu vực khác.

Trên Zihu, một trang mạng xã hội tương tự Quora của Trung Quốc, nhiều người dùng đã đặt ra những câu hỏi về việc liệu có một ngày nào đó Apple cũng sẽ làm điều tương tự tại Trung Quốc, trong trường hợp quốc gia này xảy ra xung đột với một số khu vực khác.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng sẽ rất khó để Apple rời khỏi Trung Quốc vì nơi đây vốn là trung tâm sản xuất quan trọng bậc nhất của công ty. Ngoài ra, Trung Quốc cũng như thị trường lớn thứ ba của Apple sau Mỹ và châu Âu.

Kendra Schaefer, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu công nghệ tại Trivium, một nhóm nghiên cứu chính sách có trụ sở tại Bắc Kinh, cho biết: “Câu chuyện ở Trung Quốc là một thứ gì đó rất khác so với những gì đã và đang xảy ra tại Nga”.

Bà Schaefer chỉ ra rằng các quy định của Trung Quốc yêu cầu Apple và các công ty khác phải lưu trữ thông tin của khách hàng Trung Quốc trên các máy chủ bên trong nước này.

“Câu hỏi đặt ra là, việc rút khỏi Trung Quốc có đồng nghĩa với việc Apple không chỉ mất khách hàng mà còn toàn bộ dữ liệu khách hàng của mình không?”, bà Schaefer chia sẻ.

Trước đó, Apple công bố quyết định nói trên cùng một số hành động khác tại thị trường Nga trong bối cảnh Nga đang tiến hành các chiến dịch quân sự tại Ukraine. Tất cả các sản phẩm của Apple trên cửa hàng trực tuyến của Apple tại Nga đều hiển thị thông báo "không khả dụng" để mua hoặc giao hàng tại quốc gia này. Apple hiện chưa có các cửa hàng Apple Store trực tiếp tại Nga.

Tính đến tháng 3, iPhone chiếm khoảng 15% thị phần smartphone ở Nga, theo Counterpoint Research. Năm ngoái, doanh số của hãng này tại Nga được ước tính rơi vào khoảng 32 triệu máy. Ông Ben Wood, một nhà phân tích tại CCS Insight cho biết Nga không phải một thị trường lớn của Apple và vì thế quyết định dừng bán sẽ không ảnh hưởng lớn tới hãng này. "Quy mô kinh doanh của Apple lớn đến mức nó sẽ rất ổn định", ông nhận định. "Mất khoản doanh thu từ Nga sẽ không để lại các tác động lớn về khía cạnh kinh doanh".

Nhiều công ty trên thế giới đang nhanh chóng rút khỏi Nga trong bối cảnh nhiều chính phủ áp dụng các lệnh trừng phạt đối với quốc gia này. CNBC dự đoán khi các quốc gia Phương Tây rút khỏi Nga, các công ty Trung Quốc như Huawei và Xiaomi có thể đẩy mạnh thêm ở thị trường này.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/trung-quoc-lo-ngai-apple-va-cac-cong-ty-cong-nghe-khac-co-the-tao-ra-lan-song-thao-chay-nhu-nhung-gi-da-lam-tai-nga-202274112048309.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/