Trung Quốc hả hê vì trả được mối hận 120 năm tại Alaska

Sau cuộc gặp cùng các quan chức hàng đầu chính phủ Mỹ tại bang Alaska, Bắc Kinh dường như đang hân hoan vì nỗi nhục quốc thể cách đây 120 năm đã được gỡ bỏ phần nào.

Theo Nikkei Asia, vài ngày qua, truyền thông nhà nước Trung Quốc liên tục phát lại cảnh ông Dương Khiết Trì - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại Trung ương - công kích Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ở thành phố Anchorage (bang Alaska).

"Trung Quốc có nền dân chủ kiểu Trung Quốc. Khá nhiều người Mỹ không thực sự tin tưởng nền dân chủ của Mỹ, và họ có nhiều quan điểm khác nhau về chính phủ Mỹ", ông Dương Khiết Trì đáp trả phái đoàn Washington.

Thông điệp của ông Dương "rõ như ban ngày": Chính phủ do Chủ tịch Tập Cận Bình lãnh đạo đã thành công trong kiểm soát đại dịch COVID-19. Hệ thống của chính phủ Trung Quốc vượt trội hơn so với nền dân chủ kiểu Mỹ, nơi chính phủ thất bại một cách thảm hại trước đại dịch.

Nikkei Asia nhận định dường như tuyên bố đầy tự tin của ông Dương Khiết Trì cho thấy một chuyển biến quan trọng trong quan hệ Mỹ - Trung, một thay đổi mà Trung Quốc đã kiên nhẫn chờ đợi trong 120 năm qua.

Sau cuộc họp ở Alaska, tờ People's Daily (Nhân dân Nhật báo) đã đăng một bức ảnh ghép lên mạng xã hội Weibo. Phần trên của bức ảnh ghi lại khung cảnh chính quyền nhà Thanh của Trung Quốc ký Hiệp ước Tân Sửu (hay Nghị định thư Bắc Kinh) với liên quân 8 nước năm 1901, phần dưới chính là cuộc họp tại Alaska vừa qua.

Theo Hiệp ước Tân Sửu, sau sự kiện phong trào Nghĩa Hòa Đoàn và liên quân 8 nước tấn công Bắc Kinh, nhà Thanh buộc phải bồi thường khoản chiến phí khổng lồ, cuối cùng đi đến con đường diệt vong. Trung Quốc luôn coi đây là một hiệp ước bất công, là chương nhục nhã nhất trong 5.000 năm lịch sử dựng nước.

Nikkei: Trung Quốc hân hoan vì phục thù Mỹ sau 120 năm - Ảnh 1.

Bức ảnh ghép do tờ People's Daily đăng tải trên Weibo. (Ảnh: Weibo).

Từng bị phương Tây giày xéo 120 năm về trước, Trung Quốc giờ đã phục hưng. Ông Dương Khiết Trì và Ngoại trưởng Vương Nghị đã lặn lội 6.000 km đến đất Mỹ để chứng minh sự trở lại mang tính lịch sử của đất nước và các tuyên bố hùng hồn của hai ông tuần trước hoàn toàn phù hợp cho lễ kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc trong năm nay.

Trong bối cảnh Trung Quốc đầy tự tin ứng phó với chiến lược đối ngoại mới của chính quyền ông Biden, thế đối đầu giữa hai siêu cường giờ đây đã bước sang trang mới. Cuộc cạnh tranh đã phát triển từ mâu thuẫn kinh tế bao trùm sang các quan điểm toàn cầu rộng lớn hơn.

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cố gắng gây áp lực buộc Trung Quốc phải nhượng bộ trong thương mại và mua hàng chục tỷ USD nông sản Mỹ, đồng thời đe dọa áp thuế và trừng phạt đối với các sản phẩm công nghệ cao của Trung Quốc.

Còn Tổng thống Biden tìm cách dồn ép Trung Quốc thông qua một mặt trận thống nhất cùng các đồng minh cùng chí hướng. Chính quyền ông Biden đã lên tiếng phản đối chính sách của Bắc Kinh đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Khu tự trị Tân Cương, chính sách kiểm soát phong trào dân chủ ở Hong Kong và chiến dịch gây áp lực với Đài Loan.

Hơn nữa, Washington cũng tỉ mỉ chuẩn bị cho cuộc họp tại Alaska. Đầu tiên, họ tổ chức một cuộc họp trực tuyến cùng Bộ tứ kim cương, lần đầu quy tụ các nhà lãnh đạo Nhật Bản, Australia và Ấn Độ.

Sau đó, Ngoại trưởng Blinken và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lloyd Austin đã đến gặp người đồng cấp tại Nhật Bản và Hàn Quốc - hai đồng minh quan trọng của Mỹ trong chiến lược chống lại sự trỗi dậy của Trung Quốc tại khu vực châu Á.

Ngoài ra, thành phố Anchorage đã được lựa chọn rất cẩn thận. Đây là điểm nằm giữa Washington và Bắc Kinh nhưng lại thuộc một bang của Mỹ.

Thế đối đầu Đông - Tây giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới và đặt ra thách thức nghiêm trọng cho toàn nhân loại, Nikkei nhận định. Sự đối địch này có thể cản trở quan hệ hợp tác trong các lĩnh vực mà hai bên có thể bắt tay vì lợi ích toàn cầu, chẳng hạn như đánh bại đại dịch COVID-19 và chống biến đổi khí hậu.

Ông Daniel Russel - cựu trợ lý ngoại trưởng Mỹ cho các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, nói rằng mô hình hợp tác có chọn lọc giữa hai nước từng rất tiềm năng nhưng giờ đã trở nên khó khăn hơn nhiều.

"Trung Quốc vực dậy mạnh mẽ hơn, khí thế hơn", ông Russel nhấn mạnh. "Chủ tịch Tập Cận Bình là nhà lãnh đạo mạnh bạo hơn. Và Mỹ đang ở vị thế yếu hơn so với cách đây 5 năm".

Nhật Bản cũng là một thành viên trong liên quân 8 nước từng ép Trung Quốc ký Hiệp ước Tân Sửu. Trung Quốc hẳn không quên điều đó.

Tại cuộc họp báo giữa tuần trước, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói: "Nhật Bản, với mục đích ích kỷ là thách thức sự hồi sinh của Trung Quốc, sẵn sàng hạ mình để hành động như một nước chư hầu chiến lược của Mỹ". Đây có thể là lời cảnh cáo Nhật Bản không nên bắt tay cùng phương Tây như đã từng 120 năm trước.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/trung-quoc-ha-he-vi-tra-duoc-moi-han-120-nam-tai-alaska-2021032208050973.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/