Trung Quốc đang tạo ra siêu chu kỳ hàng hóa mới?

Giám đốc Fabrice Tayot của công ty nghiên cứu thị trường Refinitiv đã đưa ra một số lập luận để chứng minh Trung Quốc là động lực thúc đẩy cho siêu chu kỳ hàng hóa mới. Song, Financial Times đã đưa ra một số luận điểm phản bác.

Năm ngoái, đại dịch COVID-19 đè nặng lên nhu cầu hàng hóa, làm gián đoạn chuỗi cung ứng và khiến giá cả biến động dữ dội. Ảnh hưởng của dịch bệnh lên thị trường hàng hóa có thể nói là chưa từng có.

Bước sang năm 2021, đây là thời điểm phù hợp để tìm hiểu tác động lâu dài của đại dịch cũng như để giải mã các xu hướng thị trường có thể trở nên rõ nét trong vài tháng tới, trong đó đáng chú ý nhất là siêu chu kỳ hàng hóa mới.

Ông Fabrice Tayot, người đứng đầu bộ phận chiến lược hàng hóa tại thị trường mới nổi của Refinitiv, đã đưa ra một số lập luận để chứng minh tại sao ông tin Trung Quốc sẽ là động lực thúc đẩy cho siêu chu kỳ hàng hóa mới và hàm ý đối với thị trường hàng hóa toàn cầu.

Siêu chu kỳ hàng hóa gần nhất

Thuật ngữ "siêu chu kỳ hàng hóa" được nhà đầu tư gạo cội Jim Rogers phổ biến vào đầu thập niên 2000 trong cuốn sách Hot Commodities do chính ông chắp bút. Vị tỷ phú lập luận rằng vào những năm 2000, thế giới đã bước vào siêu chu kỳ hàng hóa mới kéo dài 15 năm và do đó giá hàng hóa sẽ tăng mạnh.

Thực tế, thập niên 2000 đã chứng kiến giá hàng hóa tăng ngoạn mục. Toàn lĩnh vực hàng hóa, từ nông nghiệp, năng lượng đến kim loại, đều được hưởng lợi khi nhu cầu nhảy vọt. Tăng trưởng dân số, công nghiệp hóa và đô thị hóa ở các thị trường mới nổi, đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ, chính là động lực cho xu hướng đó.

Song, kể từ năm 2014, siêu chu kỳ hàng hóa dần khép lại, thay vào đó giá hàng hóa bắt đầu đi xuống, ông Tayot nói. Một số ngân hàng đầu tư thậm chí còn cho rằng nhu cầu hàng hóa toàn cầu đã đạt đỉnh và siêu chu kỳ chỉ còn là dĩ vãng. Song, một số chuyên gia vẫn tin rằng thế giới sắp bước vào siêu chu kỳ hàng hóa mới, một lần nữa được thúc đẩy bởi Trung Quốc.

Triển vọng hàng hóa năm 2021 của Trung Quốc

Trung Quốc được cho là đầu tàu sẽ kéo thị trường hàng hóa trong tương lai vì kể từ thập niên 2000, Trung Quốc đã trở thành thị trường tiêu thụ hàng đầu của nhiều loại hàng hóa. Nhu cầu của Trung Quốc tăng, giá hàng hóa trên thị trường ắt sẽ tăng theo.

Nếu xem xét kỹ lưỡng lượng hàng hóa đi vào Trung Quốc trong năm 2020, hẳn sẽ ít ai ngạc nhiên với thực tế là nhập khẩu hàng hóa mạnh mẽ của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã giúp thị trường phục hồi.

Trung Quốc đang tạo ra siêu chu kỳ hàng hóa mới? - Ảnh 1.

Trung Quốc không chỉ là nền kinh tế lớn duy nhất có dấu hiệu phục hồi vào năm ngoái mà chính sách kích thích hậu đại dịch và nền giá thấp của nước này cũng góp phần thúc đẩy nhu cầu của nhiều mặt hàng công nghiệp.

Điều đó đã đẩy giá một số mặt hàng lên mức cao kỷ lục trong những tuần gần đây và giá dự kiến sẽ còn tăng cao hơn nữa theo nhu cầu của Trung Quốc, ông Fabric Tayot nhấn mạnh.

Trung Quốc đang tạo ra siêu chu kỳ hàng hóa mới? - Ảnh 2.

Dấu hiệu từ mặt trận tài khóa

Năm 2020, trong khi nền kinh tế toàn cầu được IMF dự báo giảm 3,5% thì kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 2,3%. Tại phiên họp thường niên của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Trung Quốc (NPC) hồi tuần trước, chính quyền Bắc Kinh đặt mục tiêu tăng trưởng năm nay trên 6%.

Mục tiêu của Trung Quốc khá khá thận trọng và thấp hơn ước tính trung vị của các nhà phân tích, song vẫn là một con số khả quan giữa lúc nền kinh tế toàn cầu còn nhiều bất ổn.

Trung Quốc đang tạo ra siêu chu kỳ hàng hóa mới? - Ảnh 3.

Hơn nữa, phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Lý Khắc Cường còn cho biết chính phủ Trung Quốc sẽ thu hẹp thâm hụt ngân sách xuống còn 3,2% GDP - thấp hơn con số 3,6% GDP của năm ngoái song vẫn cao hơn dự đoán 3% GDP của nhiều nhà phân tích. Bloomberg cho rằng điều này báo hiệu Bắc Kinh vẫn cần tăng cường chính sách tài khóa để hỗ trợ tăng trưởng trong nă 2021.

Do đó, Giám đốc Tayot của Refinitiv kỳ vọng nhu cầu hàng hóa của Trung Quốc sẽ tăng mạnh ở các thị trường như khí hóa lỏng (LNG), sản phẩm tinh chế, kim loại chiến lược và nông sản.

Trung Quốc đang tạo ra siêu chu kỳ hàng hóa mới? - Ảnh 4.

Chính sách tiền tệ

Ngoài chính sách tài khóa, một yếu tố khác cần xem xét là chính sách tiền tệ. Trái với lập trường chính sách tiền tệ lỏng lẻo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) nhiều khả năng sẽ tăng lãi suất trong năm nay. Điều này có thể tạo điều kiện thuận lợi để đồng nhân dân tệ tăng giá.

Trong cuộc họp trước phiên họp của NPC, Chủ tịch Ủy ban Điều tiết Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc Quách Thụ Thành cũng dự đoán lãi suất cho vay của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể tăng trong năm nay. Theo ước tính trung vị của các nhà kinh tế do Bloomberg tổng hợp, đồng nhân dân tệ có thể tăng lên 6,38 CNY/USD vào cuối năm.

Với nền tảng kinh tế vững chắc và sức mạnh tiền tệ trong năm nay, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Trung Quốc sẽ duy trì ở mức cao, thúc đẩy giá cả tăng theo chu kỳ mới, ông Tayot kết luận.

4 luận điểm phản bác

Song, lịch sử lâu đời của thị trường hàng hóa cho thấy siêu chu kỳ thường mất 20 - 70 năm để đi từ đỉnh cũ sang đỉnh mới, Financial Times (FT) nhận định. Hãng tin nước Anh nhận định siêu chu kỳ bắt đầu từ thập niên 2000 hiện chưa kết thúc.

Siêu chu kỳ hàng hóa không dễ phân biệt và cần được đem ra phân tích kỹ lưỡng. Theo FT, đà tăng của thị trường hàng hóa thời gian qua được hỗ trợ bởi nhiều yếu tố nhưng chúng chỉ mang tính tạm thời và không đủ lực để tạo ra siêu chu kỳ hàng hóa.

Động lực đầu tiên và rõ ràng nhất là sự phục hồi mạnh mẽ của Trung Quốc, một phần nhờ gói kích thích tài khóa trị giá 6.000 tỷ nhân dân tệ. 

Phần nhiều của gói kích thích này được rót vào lĩnh vực xây dựng vốn thâm dụng hàng hóa công nghiệp. Song, Bắc Kinh đã hạ mục tiêu thâm hụt tài khóa năm 2021 nên kích thích tài khóa đổ vào nền kinh tế có thể sẽ không nhiều như năm ngoái.

Hơn nữa, chiến lược lưu thông kép mới của Trung Quốc đặt mục tiêu giảm phụ thuộc vào thị trường nước ngoài và lấy lĩnh vực tiêu dùng làm trọng tâm. Kết hợp hai yếu tố, nhu cầu hàng hóa của Trung Quốc có thể sẽ tăng chậm lại.

Thứ hai, tâm lý lạc quan bắt nguồn từ vắc xin ngừa COVID-19 cũng đang hỗ trợ thị trường hàng hóa. Song, triển vọng phục hồi của các nền kinh tế ngoài Trung Quốc là chưa chắc chắn. Do đó, tâm lý lạc quan quá độ không thể thúc đẩy siêu chu kỳ mới.

Thứ ba, các nhà đầu tư lo ngại lạm phát tăng cao đang chuyển tài sản sang vàng và đồng. Thị trường cũng dự đoán gói cứu trợ trị giá 1.900 tỷ USD của Tổng thống Biden, khi được thông qua, sẽ làm tăng áp lực lạm phát. 

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen tin tưởng Fed có đủ công cụ để ghìm cương lạm phát. FT nhận định, nỗi lo lạm phát là quá sớm và không đủ để kích thích siêu chu kỳ hàng hóa mới.

Cuối cùng, giá kim loại còn được củng cố khi chính sách năng lượng xanh ngày càng trở thành chương trình nghị sự quan trọng trên phạm vi thế giới. Chính sách này có thể giúp nhu cầu đối với các kim loại quan trọng như đồng, niken, liti và coban tăng lên.

Đó là những vật liệu cần để chế tạo tấm pin mặt trời, turbin gió, xe điện,...Dù vậy, trừ khi chính phủ các nước đưa ra chính sách cụ thể thì FT chưa thể tự tin rằng nhu cầu hàng hóa sẽ nhảy vọt.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/trung-quoc-dang-tao-ra-sieu-chu-ky-hang-hoa-moi-2021031016554659.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/