Trung Nguyên tiến vào Hàn Quốc: Nơi mức tiêu thụ cà phê đứng thứ hai thế giới, chuỗi Starbucks có doanh thu lớn nhất

Tập đoàn Trung Nguyên Legend đã chính thức mở cửa văn phòng đại diện tại Hàn Quốc, qua đó tiếp tục tiến vào một thị trường lớn khác ở châu Á sau khi đã mở chuỗi cửa hàng tại Trung Quốc.

Mới đây, Tập đoàn Trung Nguyên Legend đã chính thức mở văn phòng đại diện tại Gangnam, Seoul, Hàn Quốc nhân kỷ niệm 20 năm công bố tầm nhìn và sứ mạng của Tập đoàn (28/3/2003 – 28/3/2023).  

Như vậy, sau Trung Quốc, Trung Nguyên đã tiếp tục tiến vào một thị trường tiềm năng khác ở châu Á, qua đó mở ra cơ hội để đưa thương hiệu cà phê Trung Nguyên đi xa hơn trên bản đồ thế giới.

Quy mô ngang ngửa Trung Quốc

Theo đánh giá của Trung Nguyên, Hàn Quốc là một thị trường cà phê giàu tiềm năng có mức tiêu thụ cà phê bình quân 367 cốc cà phê/người/năm, cũng như nổi tiếng sành cà phê, luôn dẫn dắt các xu hướng tiêu dùng, thưởng lãm cà phê của thế giới (theo Hội đồng Quốc gia Tổ chức tiêu dùng Hàn Quốc-năm 2022).

Theo số liệu từ Statista, doanh thu của thị trường cà phê Hàn Quốc trong năm 2023 ước đạt mức 16,08 tỷ USD. Thị trường cà phê Hàn Quốc trong giai đoạn 2023 – 2025 dự kiến tăng trưởng với tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 5,57%. Trước đó, trong giai đoạn 2017 – 2021, thị trường cà phê Hàn Quốc đạt giá trị gần 11,36 tỷ USD, theo Expert Market Research.

Thị trường cà phê Hàn Quốc có quy mô khá tương đồng với thị trường cà phê Trung Quốc. (Ảnh: Comunicaffe International).

So sánh với thị trường Trung Quốc, nơi mà Trung Nguyên trước đó đã mở chuỗi cà phê, doanh thu từ phân khúc cà phê dự kiến đạt mức 17,79 tỷ USD trong năm 2023, theo Statista. Thị trường dự kiến tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 6,58% trong cùng giai đoạn 2023 – 2025.

Có thể thấy, thị trường cà phê Hàn Quốc và Trung Quốc có doanh thu dự kiến trong năm 2023 ở mức khá tương đương nhau.

Mức tiêu thụ cà phê đứng thứ hai toàn cầu

Hội đồng Quốc gia Tổ chức tiêu dùng Hàn Quốc (The Korea National Council of Consumer Organizations) gần đây cho biết mức tiêu thụ cà phê hàng ngày và chi phí cà phê hàng tháng của 70% người trưởng thành Hàn Quốc đạt mức trung bình ít nhất là một cốc và 103.978 won (80,54 USD), theo Business Korea.

Trong cuộc khảo sát của mình, 12,2% số người Hàn Quốc được hỏi cho biết họ uống cà phê từ 5 đến 6 lần một tuần; 8% khác cho biết họ uống ít nhất ba lần mỗi tuần và 4% đề cập tới việc họ uống cà phê ít nhất hai lần trong tuần.

Mức tiêu thụ cà phê trung bình của người Hàn Quốc là 367 cốc một năm, đứng thứ hai thế giới và hơn gấp đôi mức trung bình toàn cầu. Tại Hàn Quốc, số lượng quán cà phê trên một triệu dân là 1.384 quán, trong khi quốc gia láng giềng là Nhật Bản chỉ là 529 quán. Quy mô thị trường cà phê Hàn Quốc đã tăng từ 0,3 tỷ USD lên hơn 4,3 tỷ USD từ năm 2007 đến năm 2021.

Ngày càng có nhiều công ty trong thị trường này tăng giá sản phẩm của họ. Điều này là do giá hạt cà phê tăng vọt vào năm 2021 và chi phí đang tăng nhanh trong năm 2022. Ví dụ, năm ngoái, giá tương lai (futures price) của hạt cà phê Arabica đã tăng 76% lên mức cao nhất trong 10 năm do điều kiện thời tiết bất lợi ở Brazil,…

Các chuỗi cà phê tại Hàn Quốc cũng ghi nhận doanh thu tăng cao. Đầu năm ngoái, chuỗi cà phê Starbucks đã tăng giá 23 loại đồ uống lên 400 won và 15 loại khác lên 300 won. Nhiều công ty khác trên thị trường đã làm theo trong năm 2022. Từ tháng 1 đến tháng 6/2022, doanh thu của Starbucks đạt tổng cộng 2.390 tỷ won và doanh thu của những công ty khác cũng đạt mức tổng cộng 1.500 tỷ won.

Doanh thu của chuỗi Starbucks tại Hàn Quốc đã tăng đáng kể trong năm 2022. (Ảnh: Culture-Inc).

Thị trường cà phê trên sàn thương mại điện tử lớn

Ngoài ra, thị trường thương mại điện tử (TMĐT) Cà phê của Hàn Quốc được dự đoán sẽ đạt mức 1,7 tỷ USD vào năm 2023 và chiếm 93,6% thị trường thương mại điện tử đồ uống nóng ở Hàn Quốc. Thị trường này được dự đoán sẽ còn phát triển trong những năm tới với tốc độ tăng trưởng kép giai đoạn 2023 – 2027 là 3,9%, dẫn đến quy mô thị trường dự kiến là hơn 2 tỷ USD vào năm 2027, theo Knowledge-Sourcing.

Đây là một kênh quan trọng và mở ra cơ hội cho Trung Nguyên bởi theo doanh nghiệp, các sản phẩm của Tập đoàn Trung Nguyên Legend đang được phân phối chính thức trên các kênh bán hàng trực tuyến, trang Coupang – Nhà bán lẻ trên nền tảng thương mại điện tử hàng đầu Hàn Quốc.

Ngoài ra, thương hiệu G7 của Trung Nguyên Legend cũng thuộc lọt top 5 thương hiệu cà phê được yêu thích và mua sắm nhiều nhất trên kênh online (theo Nielsen năm 2020). Vì vậy, việc thị trường cà phê nói chung và thương mại điện tử cà phê nói riêng của Hàn Quốc liên tục phát triển cũng mở ra cơ hội cho những “người chơi mới” như Trung Nguyên.

Các đối thủ lớn

Theo Expert Market Research, một số tên tuổi đang thống lĩnh thị trường Hàn Quốc hiện có thể kể tới như Dong Suh Companies Inc., Namyang Dairy Products Co. Ltd, LOTTE-Nestlé Korea Co., Ltd, Starbucks Corporation, Ediya Co., Ltd., và LUIGI LAVAZZA SPA.

Trong đó, Dongsuh Companies Inc., được coi là một trong những công ty nổi tiếng nhất tham gia vào các ngành kinh doanh khác nhau, cung cấp các loại cà phê khác nhau trong danh mục sản phẩm của mình, bao gồm các loại cà phê pha sẵn và cà phê hòa tan.

Công ty này cũng cung cấp các sản phẩm của mình dưới thương hiệu Maxim. Các sản phẩm này được gọi là “Maxim Mocha Gold Mild Coffee Mix” và “Maxim White Gold Coffee Mix”.

Thương hiệu Maxim của Dongsuh Companies Inc. là một trong những thương hiệu cà phê được yêu thích nhất Hàn Quốc. (Ảnh: Amazon).

Trong khi đó, Namyang Dairy Products Co. Ltd cũng được coi là một trong những công ty có ảnh hưởng trong ngành kinh doanh các sản phẩm từ sữa, cung cấp cà phê hòa tan và cà phê dưới dạng đồ uống pha sẵn dưới thương hiệu Namyang French Cafe. Một số sản phẩm uống liền mà doanh nghiệp này cung cấp là “Cafe au Lait”, “Cappuccino”, “Hazlenut”, “Mocha Choco” và “Caramel Macchiato”.

Hiện chưa có số liệu cụ thể về số ly cà phê bán ra cũng như thị phần của một số thương hiệu của Trung Nguyên, chẳng hạn như G7 tại Hàn Quốc. Trước đó, theo xếp hạng từ Chnbrand (Trung Quốc), thương hiệu cà phê G7 của Trung Nguyên Legend đã trở thành thương hiệu cà phê hòa tan được ưa chuộng tại thị trường Trung Quốc, giữ thị phần lớn thứ hai trên thị trường thương mại điện tử.

Mặt khác, theo số liệu từ Tập đoàn Trung Nguyên, tính từ đầu năm 2022 đến tháng 9/2022, đã có 800 triệu ly cà phê Trung Nguyên Legend được bán ra tại Trung Quốc, và trung bình cứ mỗi 18 ly cà phê được bán ra trên toàn Trung Quốc thì có 1 ly cà phê đến từ thương hiệu Trung Nguyên Legend. 

Rõ ràng không dễ để Trung Nguyên có thể làm được điều tương tự tại Hàn Quốc, bởi Trung Quốc xưa nay vốn được biết đến là “thủ phủ” của thị trường trà, và cà phê mới chỉ nổi lên trong vài năm qua, vì vậy cơ hội cho các doanh nghiệp rộng mở hơn so với Hàn Quốc, nơi mà những doanh nghiệp như Dongsuh Companies Inc hay Namyang Dairy Products Co. Ltd đều đã đã có tuổi đời hơn 40 năm, đồng thời cũng đã tham gia thị trường cà phê từ sớm.

Tuy vậy, sự kiện khai trương văn phòng đại diện Trung Nguyên Legend tại 145 Dosan-daero, khu Gangnam, thủ đô Seoul, Hàn Quốc cũng đánh dấu bước phát triển tiếp theo của thương hiệu cà phê Việt Nam tại Hàn Quốc, tiếp tục hiện thực hóa hành trình quảng bá hạt cà phê Robusta Buôn Ma Thuột đến toàn cầu. 

Ngoài ra, văn phòng đại diện của Trung Nguyên Legend tọa lạc tại khu Gangnam, nơi được biết đến là tổ hợp thương mại – mua sắm – giải trí sầm uất thuộc thủ đô Seoul, đồng thời cũng là trung tâm văn hóa – âm nhạc – nghệ thuật đậm bản sắc của quốc gia này, nên Trung Nguyên có thể tận dụng vị trí thuận lợi để mở rộng thương hiệu, qua đó gia nhập cuộc chơi trên thị trường cà phê Hàn Quốc.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/trung-nguyen-tien-vao-han-quoc-noi-muc-tieu-thu-ca-phe-dung-thu-hai-the-gioi-chuoi-starbucks-co-doanh-thu-lon-nhat-2023331104447354.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/