Trực thăng rơi khiến Bộ trưởng Ukraine thiệt mạng; Mỹ xem xét viện trợ Kiev vũ khí có thể đe dọa Crimea

Trực thăng chở Bộ trưởng Nội vụ Ukraine đã bị rơi, khiến ông cùng 13 người khác thiệt mạng. Trong khi đó, Mỹ dự kiến sẽ gửi cho Ukraine loại vũ khí có tầm bắn lên tới hơn 150 km.

Theo Reuters, ông Denys Monastyrskyi - Bộ trưởng Nội vụ Ukraine - là một trong số ít nhất 14 người thiệt mạng hôm 18/1, sau khi một chiếc trực thăng đâm vào nhà trẻ và bốc cháy ở ngoại ô Kiev.

Các quan chức Ukraine cho biết còn quá sớm để xác định nguyên nhân của vụ tai nạn máy bay. Hàng chục người, bao gồm cả trẻ em, đã bị thương sau khi chiếc trực thăng Super Puma do Pháp sản xuất rơi xuống một khu nhà trẻ tại vùng Brovary, ngoại ô Kiev.

Cơ quan dịch vụ khẩn cấp Ukraine cho biết hiện đã có 14 người thiệt mạng. Trước đó, các cơ quan chính phủ báo cáo con số người chết lên tới 18 người. Theo Reuters, ông Monastyrskyi là quan chức cấp cao nhất của Ukraine thiệt mạng kể từ khi xung đột với Nga bắt đầu.

Toàn cảnh hiện trường vụ rơi máy bay. (Ảnh: Viacheslav Ratynskyi/Reuters).

Gấp rút giải cứu

Anh Hlib, một cư dân địa phương, 17 tuổi, nói với Reuters: "Chúng tôi nhìn thấy những người bị thương, và có cả trẻ em. Ở đây có rất nhiều sương mù. Chúng tôi có thể nghe thấy tiếng la hét, chúng tôi chạy về phía họ. Chúng tôi đưa bọn trẻ qua hàng rào, cách xa nhà trẻ khi nó đang bốc cháy”.

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy đã ra lệnh điều tra vụ việc. Ông gọi vụ tai nạn là "thảm kịch khủng khiếp" và "nỗi đau không thể nói thành lời".

Bộ trưởng Monastyrskyi đã qua đời cùng với cấp phó của mình, ông Yevheniy Yenin, và các quan chức khác thuộc Bộ Nội vụ Ukraine.

Cơ quan An ninh Nhà nước Ukraine (SBU) đang xem xét các nguyên nhân của vụ tai nạn, bao gồm vi phạm quy tắc bay, trục trặc kỹ thuật hoặc cố ý phá hoại.

Các nhà lãnh đạo phương Tây đã gửi lời chia buồn và tỏ lòng kính trọng tới Bộ trưởng Monastyrskyi (42 tuổi). Tổng thống Joe Biden đã gửi lời chia buồn tới gia đình các nạn nhân vụ tai nạn và cho biết Mỹ sẽ tôn vinh ông Monastyrskyi bằng cam kết tiếp tục bảo vệ nền dân chủ của Ukraine.

Vũ khí tầm xa

Theo New York Times, sau nhiều tháng thảo luận với các quan chức Ukraine, chính quyền Tổng thống Biden cuối cùng cũng bắt đầu thừa nhận rằng Kiev có thể sẽ cần đến năng lực tấn công vào bán đảo Crimea, kể cả khi động thái này có nguy cơ leo thang căng thẳng.

Crimea là bán đảo nằm giữa Biển Đen và Biển Azov, có cảng biển nước ấm chiến lược Sevastopol, nơi đóng quân của Hạm đội Biển Đen cũng như nhiều căn cứ quân sự của Nga.

Mỹ và NATO ngày càng sẵn sàng cung cấp nhiều vũ khí cho Ukraine. Khi xung đột mới bắt đầu, các đồng minh của Ukraine chỉ viện trợ những vũ khí bộ binh như tên lửa Javelin và Stinger. Những gói viện trợ về sau bao gồm cả lựu pháo M777, hệ thống tên lửa HIMARS, hệ thống phòng không Patriot và cả xe tăng chủ lực (MBT).

Giờ đây, chính quyền Tổng thống Biden đang xem xét một trong những động thái táo bạo nhất: giúp Ukraine tấn công bán đảo Crimea, nơi được các nhà lãnh đạo Moscow coi như một phần không thể tách rời của nước Nga.

Bom đường kính nhỏ phóng từ mặt đất GLSDB sử dụng động cơ tên lửa M26, mang theo đầu đạn chứa hơn 20 kg thuốc nổ, và có khả năng xuyên phá 1,8 m bê tông. (Ảnh: Saab).

Theo Politico, Mỹ dự kiến sẽ công bố một gói viện trợ vũ khí mới cho Ukraine, bao gồm xe chiến đấu bọc thép 8 bánh Stryker, cũng như bom đường kính nhỏ phóng từ mặt đất (GLSDB) với tầm bắn lên tới hơn 150 km, có thể đe dọa Bán đảo Crimea.

Bomb GLSDB có thể được phóng từ bệ phóng HIMARS hoặc M270. Tuy nhiên, Mỹ vẫn từ chối viện trợ tên lửa MGM-140 ATACMS, có tầm bắn khoảng 300 km. Lầu Năm Góc cũng sẽ không chuyển giao xe tăng M1 Abrams cho Ukraine, do những thách thức về logistics và bảo trì của dòng tăng chủ lực này. 

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/truc-thang-cho-bo-truong-ukraine-roi-my-xem-xet-vien-tro-kiev-vu-khi-co-the-de-doa-crimea-202311972646801.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/