Triển vọng ngành hàng không tươi sáng: Doanh nghiệp trên trời hay dưới đất sẽ hồi phục trước?

Bộ Giao thông vận tải vừa đồng ý khôi phục toàn bộ đường bay quốc tế như thời điểm trước dịch. Các hãng hàng không như Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways cũng như các công ty mặt đất sẽ được hưởng lợi ra sao?

Triển vọng ngành hàng không tươi sáng: Doanh nghiệp trên trời hay dưới đất sẽ hồi phục trước? - Ảnh 1.

Khu vực tự làm thủ tục của Vietnam Airlines tại Nội Bài. (Ảnh: Song Ngọc).

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn vừa giao Cục Hàng không tổ chức trao đổi với cơ quan quản lý các nước đối tác để quyết định nối lại các chuyến bay quốc tế chở khách thường lệ với các thị trường đã có đường bay trực tiếp đến Việt Nam thời điểm trước dịch COVID-19, ngoài các thị trường đã được triển khai trong tháng 1 vừa qua.

Đến thời điểm này, ngoại trừ Trung Quốc, tất cả quốc gia mà Việt Nam đề nghị khôi phục đường hàng không đều đã đồng ý. Các hãng hàng không Việt Nam đã nối lại đường bay tới châu Âu, Australia, Mỹ…

Theo lãnh đạo Cục Hàng không, sắp tới sẽ có những đường bay quốc tế tới các thị trường mới như Trung Đông, Thổ Nhĩ Kỳ, … được tổ chức, TTXVN cho hay. Cục Hàng không dự tính sẽ dỡ bỏ tất cả hạn chế về số chuyến bay quốc tế từ ngày 15/2.

Quyết định này được đưa ra sớm hơn nhiều so với phương án mà Cục Hàng không dự tính trước đó là từ đầu quý III (tức 1/7/2022) mới khai thác hàng không quốc tế theo tần suất bình thường, như thể hiện trong bảng dưới đây. Cũng cần lưu ý rằng tần suất có thể quay lại như trước dịch nhưng hành khách vẫn phải thực hiện loạt biện pháp phòng chống COVID-19 theo khuyến cáo của cơ quan y tế.

Triển vọng ngành hàng không tươi sáng: Doanh nghiệp trên trời hay dưới đất sẽ hồi phục trước? - Ảnh 2.

Trong bối cảnh gần như toàn bộ người Việt Nam trên 18 tuổi đều đã được tiêm đủ 2-3 mũi vắc xin, việc khôi phục hoạt động hàng không là hợp lý và khả thi.

Trong báo cáo phân tích mới đây, Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng các hãng hàng không giá rẻ như Vietjet Air sẽ có khả năng hồi phục tốt hơn do đội bay trẻ, tiết kiệm nhiên liệu cùng ưu thế trên thị trường trong nước và quốc tế ở các chặng ngắn. Bên cạnh đó, với kế hoạch tiếp tục mở rộng đội bay thêm khoảng 8 chiếc vào năm nay, Vietjet sẽ nắm bắt được sự hồi phục của ngành giai đoạn hậu đại dịch.

Các doanh nghiệp phục vụ hàng hóa sẽ có tốc độ tăng trưởng tốt nhất khi tần suất các chuyến bay được tăng lên, sau đó là các doanh nghiệp phục vụ mặt đất, dịch vụ hàng không và suất ăn hàng không. Các doanh nghiệp vận tải hàng không sẽ hồi phục sau cùng, BVSC dự đoán.

Triển vọng ngành hàng không tươi sáng: Doanh nghiệp trên trời hay dưới đất sẽ hồi phục trước? - Ảnh 3.

Số chuyến bay của Việt Nam hồi phục mạnh trong tháng 1/2022.

Tiềm năng các hãng hàng không: Vietjet Air, Vietnam Airlines và Bamboo Airways

Trước dịch, thị trường quốc tế đóng góp khoảng 65% doanh thu của Vietnam Airlines và 50% doanh thu của Vietjet, đồng thời là một mảng hoạt động quan trọng của các doanh nghiệp dịch vụ hàng không. BVSC cho rằng lợi nhuận của ngành chắc chắn hồi phục trong năm 2022, nhưng 6 tháng đầu năm có thể không quá khả quan vì việc nối lại các chuyến bay quốc tế vẫn cần thời gian để thử nghiệm.

Các hãng giá rẻ như Vietjet sẽ hồi phục tốt hơn sau dịch nhờ hai yếu tố. Thứ nhất là đội bay trẻ tiết kiệm nhiên liệu và thứ hai là ưu thế trên các chặng bay ngắn ở trong nước cũng như quốc tế. Ngoài ra, lượng khách du lịch giảm mạnh hơn nhóm khách doanh nhân trong thời gian dịch nên đà hồi phục cũng mạnh mẽ hơn, mà khách du lịch thường ưa thích các hãng giá rẻ.

Theo BVSC, Vietjet có tỷ lệ nợ/tổng tài sản thấp hơn nhiều so với Vietnam Airlines nên còn nhiều dư địa để tăng tín dụng nhằm tài trợ cho việc mở rộng đội bay khi các đường quốc tế được nối lại.

Vietjet có kế hoạch nhận thêm 8 tàu bay trong năm 2022 và 11 chiếc trong năm 2023 nên được kỳ vọng sẽ tận dụng tốt đà phục hồi của ngành hàng không hậu đại dịch. Năm 2021, Vietjet đã tiếp nhận một chiếc Airbus A330 – tàu bay thân rộng đầu tiên của hãng.

BVSC ước tính doanh thu và lãi sau thuế của Vietjet trong năm 2022 đạt tương ứng 35.600 tỷ và 1.660 tỷ đồng.

Như thể hiện trong biểu đồ dưới đây, tỷ lệ nợ/tổng tài sản của Vietnam Airlines luôn cao hơn Vietjet, thể hiện qua đường màu xanh luôn nằm trên đường màu đỏ. Có thời điểm tỷ lệ này của Vietnam Airlines vượt 100%, tức là vốn chủ sở hữu bị âm.

Triển vọng ngành hàng không tươi sáng: Doanh nghiệp trên trời hay dưới đất sẽ hồi phục trước? - Ảnh 4.

Cả Vietjet và Vietnam Airlines đều xin hoãn nộp báo cáo tài chính quý IV nên số liệu mới nhất là quý III/2021.

Vietnam Airlines đã được các cổ đông bơm thêm gần 8.000 tỷ đồng vốn chủ nhưng tổng nợ phải trả vẫn chiếm tới 98% tổng tài sản tại ngày cuối quý III. Vì vậy, hãng hàng không quốc gia sẽ gặp khó khăn trong việc mở rộng đội bay khi dịch bệnh được kiểm soát, BVSC nhận định.

Ngoài ra, Vietnam Airlines còn đang rao bán 11 tàu bay để giải quyết nhu cầu thanh khoản ngắn hạn. Về lâu dài, việc đội tàu bay nhỏ đi có thể sẽ ảnh hưởng tới tiềm năng tăng trưởng của hãng.

Đối với Bamboo Airways, sau khi đi vào hoạt động từ tháng 1/2019, hãng đã tăng thị phần số chuyến bay tại Việt Nam từ 6% lên gần 20% như thể hiện trong biểu đồ dưới đây.

Tuy nhiên đại dịch bùng phát đã ảnh hưởng đến khả năng mở rộng của hãng, đề xuất nâng quy mô đội tàu bay từ 30 lên 100 chiếc của hãng chưa được cơ quan chức năng chấp thuận.

Do đó, BVSC cho rằng cạnh tranh có sẽ sẽ bớt gay gắt hơn trong giai đoạn đầu của quá trình hồi phục. Thị phần của Bamboo có thể tăng lên khoảng 25%, phần còn lại vẫn sẽ là sự cạnh tranh của hai đối thủ chính là Vietjet Air và Vietnam Airlines.

Triển vọng ngành hàng không tươi sáng: Doanh nghiệp trên trời hay dưới đất sẽ hồi phục trước? - Ảnh 6.

Triển vọng các cổ phiếu dịch vụ mặt đất

CTCP Dịch vụ hàng hóa Sài Gòn (Mã: SCS)

BVSC cho biết dư địa tăng trưởng của ngành vận tải hàng hóa còn rất lớn, có thể đạt trung bình trên 12%/năm trong 5 năm tiếp theo, và ước đạt 15% trong năm 2022 nhờ các yếu tố:

Thứ nhất, các sân bay được nâng cấp và sửa chữa kịp thời trong thời gian dịch bệnh diễn ra, giúp nâng cao năng lực khai thác của các hãng hàng không, từ đó gia tăng sản lượng hàng hóa qua các cảng.

Thứ hai, tần suất chuyến bay gia tăng giúp lượng hàng hóa phục vụ tăng mạnh.

Thứ ba, đối thủ cạnh tranh của SCS tại Tân Sơn Nhất là CTCP Dịch vụ Hàng hóa Tân Sơn Nhất (TCS) đang hoạt động 136% công suất và không còn nhiều dư địa có thể mở rộng thêm, điều này giúp SCS có thể nhận phần lớn lượng hàng hóa tăng thêm tại đây.

Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho biết SCS hiện đang hoạt động với 85% công suất giai đoạn 1 là 200.000 tấn hàng hóa/năm và có thể dễ dàng mở rộng công suất giai đoạn 2 đạt 350.000 tấn/năm.

SCS có thể sẽ được hưởng lợi từ chi phí vận chuyển hàng hải cao trong năm 2022 khi phí vận chuyển hàng không trên mỗi kg hiện chỉ cao gấp 2-3 lần so với phí vận chuyển container đường biển - thấp hơn đáng kể so với mức trước dịch COVID-19 là khoảng 12 lần, VCSC cho hay.

BVSC ước tính doanh thu và lợi nhuận năm 2022 của SCS lần lượt là 894 tỷ đồng và 600,5 tỷ đồng, tăng tương ứng 11% và 9% so với năm trước. Trong dài hạn, với 15.000 m2 đất chưa sử dụng (tương ứng với 72% công suất tăng thêm), SCS có thể nhanh chóng đạt được 55% thị phần tại Tân Sơn Nhất.

Triển vọng ngành hàng không tươi sáng: Doanh nghiệp trên trời hay dưới đất sẽ hồi phục trước? - Ảnh 8.

CTCP Phục vụ mặt đất Sài Gòn (Mã: SGN)

SGN cung cấp dịch vụ mặt đất cho các hãng hàng không (phục vụ hành khách làm thủ tục, soát vé, dịch vụ sân đỗ, dịch vụ hành lý, cân bằng trọng tải, ...) tại sân bay Tân Sơn Nhất, sân bay Cam Ranh và sân bay Đà Nẵng. Trong năm 2022, SGN có khả năng hồi phục tốt nhờ ba nhân tố:

Thứ nhất, các chuyến bay nội địa được nối lại hoàn toàn, đặc biệt là đường bay đến TP HCM, trong khi các chuyến bay quốc tế sẽ tăng dần.

Thứ hai, tận dụng thời điểm sản lượng bay thấp do đại dịch, Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) đã nâng cấp các đường băng tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất và Nội Bài, giúp tăng công suất khai thác cho các sân bay, qua đó cải thiện năng lực phục vụ của SGN.

Bên cạnh đó, ACV cũng chuẩn bị khởi công dự án nhà ga số 3 sân bay Tân Sơn Nhất với công suất tăng thêm 67%, dự kiến hoàn thành trong năm 2024. Đây là động lực giúp SGN có thể tăng trưởng trong dài hạn, BVSC cho biết.

Thứ ba, SGN có cơ cấu tài chính an toàn với 82,5% nguồn vốn là vốn chủ, không sử dụng nợ vay. Biên lãi gộp trong giai đoạn bình thường cao khoảng 35%, trong đại dịch vẫn đạt trên 20% như thể hiện trong biểu đồ sau.

Triển vọng ngành hàng không tươi sáng: Doanh nghiệp trên trời hay dưới đất sẽ hồi phục trước? - Ảnh 8.

CTCP Dịch vụ hàng không Taseco (Mã: AST)

Taseco chuyên phục vụ ăn uống trong sân bay, bán hàng lưu niệm, bán hàng miễn thuế, phục vụ Vip Lounge tại tất cả sân bay lớn như Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, Tân Sơn Nhất, Phú Quốc. BVSC cho rằng Taseco có động lực hồi phục rất lớn trong năm 2022 nhờ các yếu tố:

Thứ nhất, lượng hành khách nội địa tăng trở lại, đặc biệt là nhu cầu du lịch tăng cao giữa các tỉnh thành.

Thứ hai, số lượng điểm kinh doanh tiếp tục được đầu tư và mở mới. Trong năm 2022, Taseco mở thêm 2 cửa hàng đồ ăn nhanh tại sân bay Tân Sơn Nhất và 4 cửa hàng mới, nâng tổng số điểm kinh doanh của công ty lên 104 điểm. Cuối tháng 1 vừa qua, Taseco đưa vào vận hành thêm một phòng chờ thương gia Vietcombank, nâng cao năng lực khai thác.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/trien-vong-nganh-hang-khong-tuoi-sang-doanh-nghiep-tren-troi-hay-duoi-dat-se-hoi-phuc-truoc-20220213222058283.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/