Tranh luận để hay cấm dịch vụ đòi nợ thuê

Chủ tịch Quốc hội đề nghị duy trì dịch vụ đòi nợ nhưng có các thiết chế quản lí chặt, không để xảy ra biến tướng.

Sáng 23-3, tại phiên họp thứ 43, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) đã cho ý kiến về một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Đầu tư (sửa đổi). Một trong số đó là việc có nên cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê.

Hai quan điểm trái ngược

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho hay có hai loại ý kiến liên quan đến nội dung này. Loại ý kiến thứ nhất, tiếp thu ý kiến đại biểu QH không quy định cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ tại dự thảo luật, mà quy định tại danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện như luật hiện hành.

Ý kiến này cho rằng việc thuê một đơn vị trung gian đứng ra thu hồi nợ xuất phát từ nhu cầu thực tế của cuộc sống, đáp ứng nhu cầu của khách hàng khi các công ty kinh doanh dịch vụ đòi nợ sử dụng các công cụ, biện pháp đạt kết quả, phù hợp với các quy định của pháp luật.

“Để hạn chế tiêu cực phát sinh, đề nghị bổ sung quy định về điều kiện chặt chẽ đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ, bảo đảm quản lý nhà nước chặt chẽ đối với loại hình kinh doanh này” - ông Thanh nói và cho biết đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Kinh tế thống nhất với loại ý kiến này.

Trong khi đó, loại ý kiến thứ hai đề nghị giữ nguyên như dự thảo luật đã trình QH tại kỳ họp thứ 8 là cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

Những người theo quan điểm này lý giải thời gian qua, mặc dù đã có quy định về hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ nhưng nhiều doanh nghiệp, cá nhân lợi dụng để biến tướng thành các băng nhóm xã hội, tội phạm nhằm cưỡng đoạt tài sản, gây áp lực đối với con nợ, cho vay nặng lãi, hoạt động tín dụng đen, gây mất trật tự, an toàn xã hội, dẫn tới nhiều hệ quả xấu đối với xã hội.

Tranh luận để hay cấm dịch vụ đòi nợ thuê - Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải đề xuất nâng mức xử phạt với doanh nghiệp đòi nợ thuê gây mất trật tự xã hội. Ảnh: Hoàng Hải

Biến tướng vì quản lý kém, quy định chưa chặt

Phát biểu thảo luận, Tổng thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc băn khoăn: Việt Nam lâu nay vận động các nước công nhận là nền kinh tế thị trường và đây là kinh tế thị trường thì tại sao lại cấm?

Thị trường phải sinh ra những chuyện như thế này, thay vì cấm thì cần đưa ra chế tài tốt hơn để hạn chế mặt xấu của nó.

“Nghiên cứu chế tài tốt hơn là thấy cái gì khó thì cấm kinh doanh” - ông Phúc nói và đề nghị giữ loại hình kinh doanh này, tăng chế tài quản lý.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc và ông Hà Ngọc Chiến, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, đề nghị không quy định cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ nhưng để hạn chế tiêu cực phát sinh cần bổ sung quy định về điều kiện chặt chẽ đối với doanh nghiệp, bảo đảm quản lý nhà nước hoặc có thể xem xét thay tên “dịch vụ đòi nợ thuê” thành tên gọi “dịch vụ xử lý nợ”.

Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đề xuất nâng mức xử phạt hành chính với trường hợp lợi dụng đòi nợ thuê trục lợi, gây mất trật tự xã hội.

Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân thừa nhận thực tế có trường hợp lợi dụng việc pháp luật không cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ để biến tướng thành các băng nhóm tội phạm, cưỡng đoạt tài sản. 

Tuy nhiên, theo bà, nguyên nhân biến tướng là do chưa thực hiện tốt loại hình kinh doanh này, do quản lý kém và chưa quy định chặt chẽ điều kiện kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

Cho rằng đây là “cơ chế thị trường”, là “yêu cầu thực tế”, chủ tịch QH đồng ý với nhiều ý kiến không nên cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Thay vào đó, cần đưa ra các quy định, thiết chế quản lý chặt chẽ, đồng thời nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước đối với loại hình kinh doanh này, khắc phục những biến tướng. “Không phải không quản được là cấm” - bà Ngân nói.


217 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê, chủ yếu ở Hà Nội, TP.HCM gây ra tình hình an ninh trật tự phức tạp và đóng góp của lĩnh vực này với nền kinh tế không đáng bao nhiêu so với những gì phải bỏ ra khắc phục.

Bộ trưởng KH&ĐT NGUYỄN CHÍ DŨNG

Rất khó quản lý dịch vụ đòi nợ

Trong khi đó, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu lại ủng hộ đề xuất của Chính phủ cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ như Chính phủ nêu trong tờ trình sẽ thuyết phục hơn việc giữ lại ngành nghề này.

“Hiện đòi nợ, vay mượn là hợp đồng dân sự, đã có thiết chế xử lý khi có tranh chấp như trọng tài, tòa án, hòa giải… Sao không dùng các thiết chế này để đòi quyền lợi, mà lại qua tổ chức đòi nợ thuê giải quyết?” - ông Lưu đặt vấn đề và lưu ý tình trạng biến tướng, lạm dụng việc kinh doanh dịch vụ đòi nợ để gây ra những phức tạp về an ninh trật tự.

“Không nên tiếp tục duy trì hình thức đòi nợ thuê” - Phó Chủ tịch QH bày tỏ quan điểm.

Nêu tình huống đã có công ty đòi nợ thuê được thành lập, các hợp đồng đã ký thì giải quyết thế nào, ông Lưu đề xuất dự thảo luật bổ sung quy định chuyển tiếp, cho phép những công ty đã thành lập thu xếp, chấm dứt hoạt động trong thời hạn một năm. Với những hợp đồng đã ký thì cho phép thực hiện hết thời hạn hợp đồng.

Giải trình thêm sau đó, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nói cơ quan soạn thảo cầu thị tiếp thu các ý kiến nhưng “không ít băn khoăn”. Ông Dũng tán thành ý kiến của Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu: Đây là quan hệ dân sự được điều chỉnh theo nhiều cơ chế và đề nghị Ủy ban Thường vụ QH cân nhắc vấn đề này vì thiết kế thiết chế quản lý chặt chẽ rất khó, là thách thức lớn cho cơ quan soạn thảo.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/tranh-luan-de-hay-cam-dich-vu-doi-no-thue-202003242159272.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/