Tốt quá hoá dở: Nền kinh tế càng mạnh, Mỹ càng dễ rơi vào suy thoái

Sức bền của nền kinh tế khiến cho Fed khó kiểm soát lạm phát hơn. Điều đó buộc các nhà hoạch định chính sách phải kéo lãi suất lên cao hơn, làm tăng nguy cơ suy thoái.

 

(Hình minh họa: CNN). 

Bằng chứng đanh thép

Hai ngày sau khi tiến hành đợt tăng lãi suất mới nhất, 7 thống đốc của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã gặp gỡ một số doanh nhân. Nếu trước đó họ từng e sợ về tác động của việc thắt chặt chính sách tiền tệ, thì mọi lo lắng đã nhanh chóng bị xóa tan.

Bà Cara Walton, chuyên gia của công ty tư vấn Harbour Results, cho biết một công ty chế biến nhựa đã thuê 14 nhân viên mới, nhưng chỉ ba người xuất hiện trong ngày đầu tiên.

Bà Cheetie Kumar, chủ một nhà hàng, cho biết bà và các đồng nghiệp đang phải vật lộn để trả tiền thuê nhà trong bối cảnh giá lương thực và tiền lương đi lên.

Ông Tom Henning, đại diện của nhà phân phối Cash-Wa, nói rằng công ty ông đang đẩy chi phí sang khách hàng. Nhưng nhu cầu vẫn được giữ vững, nhờ vào lượng tiền “đang trôi nổi trong nền kinh tế”.

Nhưng phản ứng trên thị trường tài chính trong nửa tháng qua có thể khiến các nhà hoạch định chính sách e ngại. Fed vẫn còn cách xa mục tiêu đưa lạm phát về 2% và do đó họ cần tiếp tục thắt chặt chính sách. Nhận thức về điều này đang gây ra sự hỗn loạn lớn.

Chứng khoán Mỹ đã giảm ba quý liên tiếp. Giá trái phiếu lao dốc, phản ánh tác động của lãi suất trên thị trường tín dụng. Đồng USD mạnh lên, gia tăng áp lực lạm phát tại các nước khác và thúc đẩy các ngân hàng trung ương toàn thế giới theo chân Fed.

Hôm 30/9, Phó Chủ tịch Fed Lael Brainard đã phải kêu gọi các đồng nghiệp quốc tế “cân nhắc kỹ càng” khi hành động. Bà cũng nói Fed sẽ xem xét tác động quốc tế khi triển khai chính sách.

 

Mặt khác, bà Brainard thừa nhận rủi ro của chiến lược mà Fed đang áp dụng, nhưng điều này không có nghĩa là ngân hàng trung ương Mỹ sắp đổi hướng đi. Fed không thể lờ đi sức mạnh của nền kinh tế nội địa. 

Trên thị trường lao động, mỗi người thất nghiệp có đến hai vị trí trống đang chờ đợi họ. Lương đang tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ đầu thập niên 1980, cao hơn 7% so với một năm trước, Fed chi nhánh Atlanta cho biết.

Và dù giá nhà tháng 8 đã giảm so với tháng trước, doanh số bán nhà mới vẫn tăng mạnh. Lợi nhuận doanh nghiệp tính theo tỷ trọng GDP đang ở mức cao nhất trong hàng thập kỷ. Lãi suất đi lên nhưng niềm tin của người tiêu dùng vẫn trên đà tăng, tờ Economist cho biết. 

Nền kinh tế vững mạnh là thách thức nghiêm trọng với Fed bởi các nhà hoạch định chính sách sẽ càng khó kiểm soát lạm phát. Do đó, nhiều khả năng Fed sẽ cần thực hiện thêm các đợt tăng lãi suất lớn, làm tăng rủi ro mắc sai lầm chính sách tiền tệ và gây ra suy thoái.

Để thấy được vì sao Fed vẫn kiên quyết thắt chặt chính sách, chúng ta phải hiểu vì sao cho đến nay nền kinh tế Mỹ vẫn duy trì được sức mạnh.

Động cơ mạnh mẽ

Chính phủ Mỹ đã chi đậm cho các biện pháp kích thích kinh tế trong đại dịch COVID-19 hơn bất kỳ nước nào khác. Đây chính là yếu tố rõ ràng nhất và cũng là nguyên nhân thúc đẩy lạm phát tại nước này. Thâm hụt ngân sách của Mỹ trung bình đạt 10,5% GDP trong năm 2020 và 2021, gấp ba lần mức trước đại dịch.

Câu chuyện đối với doanh nghiệp cũng tương tự. Đầu quý III, doanh nghiệp có khoảng 2.800 tỷ USD trong tay, thấp hơn đầu năm nhưng vẫn cao hơn khoảng 25% so với mức trước đại dịch. Các công ty tận dụng nhu cầu mạnh mẽ để chuyển chi phí đầu vào gia tăng sang khách hàng, bảo vệ biên lợi nhuận và thậm chí còn nâng cao khoản mục này.

Lợi nhuận doanh nghiệp sau thuế tương đương 12% GDP trong quý II, mức cao nhất trong gần 80 năm. Miễn là doanh nghiệp còn có lãi thì họ sẽ tuyển thêm nhân viên thay vì sa thải.

Tăng trưởng kinh tế Mỹ cũng không bị cản trở bởi giá năng lượng phi mã như châu Âu. Xét theo một số khía cạnh, Mỹ còn được hưởng lợi từ tình huống này. Xuất khẩu dầu thô và sản lượng dầu của Mỹ đang ở mức cao nhất trong lịch sử. Mỹ xuất khẩu ròng khoảng 1 triệu thùng dầu thô và sản phẩm dầu mỗi ngày sau khi Nga tấn công Ukraine.

Thu nhập bùng nổ từ việc xuất khẩu dầu góp phần giúp Mỹ thu hẹp thâm hụt thương mại.Tại châu Âu, quá trình thắt chặt tiền tệ trở nên phức tạp hơn bởi cú sốc giá năng lượng. Còn ở Mỹ, Fed không cần quá bận tâm đến các sự kiện trên thị trường năng lượng.

 

Sớm hay muộn, các đợt tăng lãi suất sẽ đè nặng lên nền kinh tế Mỹ. Dẫu vậy, cuộc phục hồi ổn định hậu COVID sẽ trở thành bộ đệm giúp nền kinh tế lớn nhất thế giới chống lại những mối nguy. 

Ví dụ, tiêu thụ hàng hóa của Mỹ tăng vọt trong đại dịch khi mọi người mua đồ nội thất mới, đổi sang TV lớn hơn và sắm xe đạp đắt tiền. Giờ người tiêu dùng đang quay trở lại với các biểu diễn âm nhạc và du lịch trên thuyền.

Sự chuyển biến này có ý nghĩa lớn đối với thị trường lao động vì dịch vụ thường đòi hỏi nhiều lao động hơn. Ngay cả khi tổng chi tiêu giảm, việc người tiêu dùng sử dụng những dịch vụ cần nhiều lao động hơn vẫn sẽ giúp thị trường lao động trụ vững.

Do đó, nếu tăng trưởng giảm tốc, tỷ lệ thất nghiệp có thể sẽ tăng ít hơn nhiều người tưởng. Vấn đề của các doanh nghiệp thiếu lao động sẽ không dễ dàng được giải quyết.

Tốt quá hóa dở

Xét theo một khía cạnh, sự bền bỉ của nền kinh tế là điều đáng mừng. Nếu suy thoái xảy ra thật thì nhiều khả năng đó cũng chỉ là cuộc suy thoái nhẹ. Nhưng Fed quyết tâm kéo lạm phát xuống, và tập trung coi tăng trưởng tiền lương là đại diện cho các áp lực giá căn bản. Do đó, sức mạnh của thị trường lao động sẽ khuyến khích Fed thắt chặt chính sách lâu hơn và mạnh hơn.

Khi các đợt tăng lãi suất đẩy thị trường tài chính vào cảnh hỗn loạn, một số nhà kinh tế đã chỉ trích Fed vì đi quá xa, quá nhanh. Một số quan chức Fed cũng có vẻ đang lo ngại. Nhưng phe chủ trương thắt chặt chính sách tại Fed có ưu thế hơn sau một năm lạm phát tăng không ngừng nghỉ.

Dự đoán chính của các nhà đầu tư là Fed sẽ tăng lãi suất thêm ít nhất 100 điểm cơ bản vào cuối năm. Con số đó có thể quá lạc quan. Sau nửa năm thắt chặt tiền tệ và tăng trưởng giảm tốc, nền kinh tế Mỹ vẫn thiếu cung và dư cầu – đặc biệt là với lao động. Khi Fed chứng kiến sự chênh lệch này, lãi suất chỉ có thể tiến chứ không lùi.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/tot-qua-hoa-do-nen-kinh-te-cang-manh-my-cang-de-roi-vao-suy-thoai-202210617317441.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/