Tổng thống Trump vướng vào cuộc điều tra luận tội, thị trường và các nền kinh tế châu Á đối mặt 8 nguy cơ lớn

Tổng thống Trump đang rơi vào tình huống khó khăn khi cận kề thời điểm đàm phán thương mại với Trung Quốc lại bị Hạ viện điều tra luận tội. Hiện tại, không thể loại trừ bất kì động thái nào từ ông Trump cũng như ảnh hưởng của chúng đến các nền kinh tế châu Á.

1

Tổng thống Trump rõ ràng đang rất khốn đốn. (Ảnh: AP)

Chủ tịch Tập Cận Bình hẳn phải quay cuồng khi Tổng thống Donald Trump kéo Trung Quốc vào mớ hỗn độn điều tra luận tội của ông.

Tuy nhiên, việc Tổng thống Mỹ mở lời kêu gọi Bắc Kinh điều tra cựu Phó Tổng thống Joe Biden, đối thủ chính của ông Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2020 là điều ít đáng lo nhất đối với ông Tập Cận Bình.

Rõ ràng, Tổng thống Trump đang đối mặt với nhiều khó khăn và khi nguy cơ pháp lí tăng lên, ông ngày càng có khả năng phản ứng dữ dội hơn. Các nền kinh tế phụ thuộc vào thương mại trên khắp châu Á sẽ chịu tổn hại.

Phí tổn của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang tăng nhanh. Chẳng hạn như Singapore, nền kinh tế mở thường đóng vai trò như một hệ thống cảnh báo sớm cho thương mại toàn cầu, ghi nhận mức giảm 9,8% trong hoạt động xuất khẩu vào tháng 8. Đây là tháng sụt giảm thứ 6 liên tiếp so với cùng kì năm ngoái, ngay sau mức sụt 11% trong tháng 7.

Nhật Bản và Hàn Quốc đang cận kề suy thoái kinh tế khi thuế quan của ông Trump gây thiệt hại cho cả nhu cầu và chuỗi cung ứng tại Trung Quốc. Ngân hàng trung ương từ Ấn Độ, Indonesia đến Australia đều phải chịu áp lực hạ lãi suất để ứng phó với thách thức kinh tế.

Trên thực tế, đây có thể là thời điểm bình yên trước khi "cơn bão" Donald Trump mạnh lên thành bão cấp 5 (cấp cao nhất). Nguy cơ về pháp lí của ông Trump gia tăng vào tuần trước khi Đảng Dân chủ Hạ viện cáo buộc ông gây áp lực buộc Ukraine bôi nhọ ứng viên Joe Biden bằng cách đe dọa ngừng cung cấp viện trợ quân sự cho nước này.

Theo Nikkei Asian Review, Tổng thống Mỹ cũng thực hiện động thái tương tự với Anh và Australia.

Chưa rõ trong hoàn cảnh cùng quẫn, Nhà Trắng có thể làm gì, tuy nhiên Nikkei đã tổng hợp 8 trường hợp có khả năng xảy ra đối với các nền kinh tế và thị trường châu Á.

Một: Tăng thuế quan lên hàng hóa Trung Quốc

Trong bối cảnh khả năng thông qua các đạo luật của ông Trump giảm dần, ông sẽ sử dụng bất kì quyền lực hành pháp nào có thể để thay đổi tin tức trên mặt báo và trấn an lực lượng cử tri ủng hộ mình.

Lựa chọn dễ dàng nhất là tăng thuế đối với 500 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc. Hiện tại, mức thuế dao động từ 10% đến 25%, nhưng ông Trump có thể đe dọa tăng thuế lên 30% hoặc cao hơn.

Hai: Ngăn chặn tầm ảnh hưởng đang lên của Trung Quốc

Chính quyền Tổng thống Trump từng nhắc tới việc cấm vốn đầu tư của Mỹ vào các công ty Trung Quốc cũng như hủy niêm yết các doanh nghiệp Trung Quốc đang giao dịch trên sàn chứng khoán Mỹ.

Đây là những ý tưởng có thể khiến Thượng nghị sĩ Bernie Sanders, một người có tư tưởng chủ nghĩa xã hội phải đỏ mặt. Gã khổng lồ công nghệ Huawei có thể chỉ đơn thuần là lựa chọn đầu tiên trong cuộc tấn công của ông Trump vào các công ty châu Á.

Ba: Đánh thuế 25% đối với xe ô tô và phụ tùng ô tô nhập khẩu

Ông Trump đang giận "tím gan" khi thỏa thuận thương mại của ông với Nhật Bản lại bị nhấn chìm bởi cuộc điều tra luận tội. Ông cũng có thể phật ý trước loạt tin tức cho thấy Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nhận được "món hời" từ thỏa thuận với ông.

Trong khi đánh thuế lên xe ô tô có thể làm vui lòng những người ủng hộ ông Trump, nó sẽ hủy hoại động lực sản xuất của châu Á và khiến mức sống của người dân đi xuống.

Bốn: Mở rộng cuộc chiến thương mại sang các mặt trận mới

Ông Trump có kế hoạch áp thuế lên 7,5 tỉ USD hàng hóa châu Âu kể từ ngày 18/10. Mặc dù động thái này liên quan đến việc Liên minh châu Âu (EU) trợ cấp cho hãng chế tạo máy bay Airbus, không thể loại trừ những bước đi khác từ chính quyền Tổng thống Trump.

Liệu ông Trump có đe dọa gây xung đột thương mại nghiêm trọng hơn để giúp Thủ tướng Anh Boris Johnson, bạn thân của ông, có được lợi thế trong đàm phán Brexit? Bất kì phương án nào cũng đều có khả năng.

Năm: Phá giá đồng USD

Ông Trump đang vô cùng lo sợ rằng suy thoái kinh tế sẽ ngáng đường chiến dịch tái tranh cử của ông. Tin tức tiêu cực về hoạt động sản xuất và dịch vụ của Mỹ trong tháng 9 đã khiến đồng USD rơi xuống mức thấp trong 4 tuần vào tuần trước.

Khả năng Tổng thống Mỹ thực hiện lời đe dọa làm suy yếu tỷ giá hối đoái có thể đang gia tăng ngay lúc này.

Sáu: Sa thải Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed)

Ông Trump đã gọi Fed dưới thời Chủ tịch Jerome Powell, người do chính ông lựa chọn, là "điên rồ" và "là mối đe dọa lớn hơn cả Trung Quốc". Việc Hạ viện điều tra luận tội ông có thể đang tạo ra một lí do để Nhà Trắng sa thải Chủ tịch Powell.

Thay thế ông Powell bằng một người khác với chính sách tiền tệ dễ dãi sẽ khiến thị trường thế giới bất an và đe dọa đến giá trị khối nợ chính phủ Mỹ trị giá 2,2 nghìn tỉ USD mà Nhật Bản và Trung Quốc nắm giữ.

Bảy: Từ bỏ nhiều tổ chức toàn cầu

Ông Trump đã làm hài lòng lực lượng cử tri ủng hộ mình bằng cách rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), hiệp định khí hậu Paris và thỏa thuận hạt nhân Iran.

Người ta không thể loại trừ khả năng ông sẽ tiếp tục rời khỏi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Quĩ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Liên Hợp quốc hoặc nhóm G7. Đồng thời, ông cũng có thể ngưng hỗ trợ Ngân hàng Phát triển châu Á.

Tám: Thịnh nộ trên Twitter

Khi loạt rắc rối trên làm tổn hại đến tầm ảnh hưởng của ông Trump trên toàn cầu, Trung Quốc có lí do gì để kí kết thỏa thuận với một Tổng thống Mỹ đang bị điều tra luận tội?

Ông Trump vì thế sẽ rất giận dữ và không ai biết chắc chiếc smartphone của ông sẽ gửi đi những dòng tweet làm rung chuyển thị trường tới mức nào.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/tong-thong-trump-vuong-vao-cuoc-dieu-tra-luan-toi-thi-truong-va-cac-nen-kinh-te-chau-a-doi-mat-8-nguy-co-lon-20191007084152358.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/