Tổng tài sản của Fed giảm 382 tỷ USD sau 8 tháng thắt chặt, hệ lụy lan rộng khắp

Trong chiến dịch chế ngự lạm phát trên vùng cao nhất 4 thập kỷ, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vừa phải nâng lãi suất, vừa phải giảm cung tiền bằng cách thu nhỏ bảng cân đối kế toán. Liên hoàn chính sách này đã và đang gây ra nhiều tác động cho nền kinh tế, chính phủ Mỹ cũng như bản thân Fed.

Thông tin được thị trường tài chính – chứng khoán chú ý nhất sau mỗi cuộc họp Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) của Fed là sự thay đổi trong lãi suất điều hành.

Chẳng hạn, khi đại dịch COVID-19 khởi phát tại Mỹ vào đầu năm 2020, các quan chức Fed đã nhanh chóng hạ lãi suất 50 điểm cơ bản (bps) trong cuộc họp bất thường ngày 3/3. Chưa đầy hai tuần sau, Fed tiếp tục họp bất thường và hạ lãi suất thêm 100 bps vào ngày 15/3, đưa lãi suất quỹ liên bang xuống vùng thấp kỷ lục 0 – 0,25%.

Tuy nhiên, điều chỉnh lãi suất không phải là biện pháp tiền tệ duy nhất của Fed. Song song với việc hạ chi phí vay mượn qua đêm giữa các định chế tài chính, ngân hàng trung ương Mỹ còn bơm ra lượng lớn thanh khoản. Trong các tháng 3, 4, 5 và 6/2020, cung tiền M2 của Mỹ tăng thêm gần 2.700 tỷ USD do chính sách nới lỏng chưa từng có của Fed.

Cung tiền của Mỹ ngừng tăng khi Fed chấm dứt nới lỏng.

Khối tài sản khổng lồ trên bảng cân đối kế toán 

Kể từ nửa sau năm 2020 và phần lớn năm 2021, Fed tiếp tục bơm tiền bằng cách đều đặn mua 120 tỷ USD chứng khoán nợ mỗi tháng, bao gồm 80 tỷ USD trái phiếu và tín phiếu Kho bạc, cùng với 40 tỷ USD trái phiếu được đảm bảo bằng nợ thế chấp (MBS).

Số chứng khoán nợ mua mới này làm cho bảng cân đối kế toán của Fed dần phình to, lần lượt vượt các mốc 6.000, 7.000 và 8.000 tỷ USD.

Cuối năm 2021 khi giá cả leo thang, Fed vẫn cho rằng lạm phát chỉ là tạm thời và sẽ sớm tự kết thúc. Ngân hàng trung ương Mỹ giữ nguyên lãi suất quỹ liên bang ở mức gần 0 nhưng vẫn thận trọng giảm quy mô chương trình mua trái phiếu, từ 120 tỷ USD/tháng xuống còn 90 tỷ USD/tháng vào tháng 11/2021.

Đến tháng 12/2021, tốc độ bơm tiền giảm còn 60 tỷ USD/tháng. Sang năm 2022, quy mô mua trái phiếu tiếp tục giảm còn 30 tỷ USD, sau đó dừng hẳn vào cuộc họp FOMC tháng 3, đồng thời Fed bắt đầu nâng lãi suất.

Giá trị tổng tài sản của Fed lập đỉnh 8.965 tỷ USD vào ngày 13/4/2022, cao gấp hơn hai lần mức cuối tháng 2/2020 khi COVID-19 chưa đổ bộ vào đất Mỹ. Trong khối tài sản khổng lồ này, giá trị MBS và trái phiếu, tín phiếu Kho bạc lên tới 8.502 tỷ USD, chiếm 94,8% số tổng.

Tổng tài sản của Fed lập đỉnh vào giữa tháng 4/2022 rồi giảm dần.

Từ chỗ bơm tiền thông qua mua trái phiếu, Fed bắt đầu chiến dịch hút tiền bằng hai cách. Thứ nhất là để cho các trái phiếu đáo hạn, Fed thu hồi tiền gốc về và không tái đầu tư. Nếu lượng trái phiếu đáo hạn không đủ mục tiêu đề ra, Fed có thể chủ động bán bớt trái phiếu để thu tiền về.

Trong ba tháng 6, 7 và 8/2022, Fed giảm 47,5 tỷ USD chứng khoán nợ mỗi tháng. Từ tháng 9 trở đi, Fed tăng gấp đôi tốc độ hút tiền lên 95 tỷ USD mỗi tháng.

Quy mô bảng cân đối kế toán của Fed giảm đi cùng với chương trình thắt chặt tiền tệ. Tính đến ngày 14/12, giá trị tổng tài sản của Fed là 8.583 tỷ USD, thấp hơn 382 tỷ USD so với mức đỉnh 8 tháng trước. Trong đó, giá trị các chứng khoán Kho bạc và MBS là 8.172 tỷ, chiếm 95,2%.

Bên phía nguồn vốn, tiền gửi của Bộ Tài chính Mỹ giảm đi rõ rệt so với đỉnh điểm hồi đầu dịch, một phần là do hàng nghìn tỷ USD đã được dùng trong các đợt kích thích kinh tế hộ gia đình và doanh nghiệp.

Ngoài ra, Washington cũng không còn phát hành được nhiều trái phiếu Kho bạc như trước để có tiền gửi vào Fed. Nguyên nhân là thanh khoản khan hiếm do các đợt hút tiền của Fed khiến cho các ngân hàng thương mại không còn sẵn lòng cho chính phủ vay.

Tổng nguồn vốn của Fed đi xuống cùng với tổng tài sản.

Lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm hiện nay là khoảng 3,5%, trong khi lãi suất cho Fed vay thông qua chương trình repo nghịch đảo (reverse repo) lên tới 4,3%.

Việc cho Fed vay hoàn toàn không có rủi ro, mà lợi nhuận thu về còn cao hơn khi cho chính phủ vay. Vậy nên không có gì đáng ngạc nhiên khi các ngân hàng thích gửi tiền vào Fed hơn là mua trái phiếu Kho bạc. Tiền ở trong tay Fed sẽ không được dùng cho việc mua sắm hay đầu tư, giúp giảm áp lực lạm phát.

Fed thua lỗ, chính phủ Mỹ mất chỗ dựa

Tại ngày 16/12 vừa qua, giá trị các hợp đồng repo nghịch đảo của Fed là 2.126 tỷ USD. Với lãi suất 4,3/năm, mỗi năm Fed phải trả lãi khoảng 91 tỷ USD cho các ngân hàng thương mại.

Ngoài ra, Fed còn đang nắm giữ 3.171 tỷ USD tiền gửi dự trữ của các ngân hàng với lãi suất hiện nay là 4,4%. Như vậy, mỗi năm Fed phải trả lãi khoảng 140 tỷ USD vì tiếp nhận số dự trữ bắt buộc cũng như không bắt buộc kể trên.

Nếu Fed tiếp tục nâng lãi suất thêm 0,75 điểm % trong năm 2023 để kiềm chế lạm phát như dự kiến trong cuộc họp ngày 13 – 14/12 vừa qua, số tiền lãi phải trả có thể lên tới 300 tỷ USD/năm.

Chưa hết, việc Fed nâng lãi suất 7 lần liên tiếp trong năm 2022 đã khiến cho giá trị chứng khoán trên bảng cân đối kế toán sụt giảm khi hạch toán theo giá trị trường (giá chứng khoán biến động ngược chiều với lãi suất).

Tất cả những nhân tố trên đã khiến ngân hàng trung ương Mỹ thua lỗ, như thể hiện trong biểu đồ bên dưới.

 Fed thua lỗ, không có lợi nhuận để chuyển về cho Bộ Tài chính Mỹ.

Hàng năm, Fed đều chuyển lợi nhuận hoạt động về cho Bộ Tài chính, con số của năm 2021 là 109 tỷ USD.

Tại ngày 14/12 vừa qua, khoản mục “lợi nhuận chờ chuyển về Bộ Tài chính” trên bảng cân đối kế toán của Fed đang có giá trị âm 14,3 tỷ USD, cho thấy Fed sẽ không có lãi để gửi tới chính phủ Mỹ năm nay.

Mục tiêu của Fed không phải là tạo ra lợi nhuận, nhưng việc Fed tăng lãi suất và tự làm mình thua lỗ vẫn là vấn đề đáng ngại.

Thứ nhất, chính phủ Mỹ không còn nhận được nguồn thu khoảng 100 tỷ USD/năm như trong giai đoạn Fed có lãi.

Thứ hai, quan trọng hơn, Fed thắt chặt tiền tệ khiến cho hệ thống ngân hàng không còn thanh khoản để mua trái phiếu Kho bạc phát hành mới, ngân sách chính phủ Mỹ sẽ gặp khó khăn khi cần kích thích kinh tế nếu suy thoái xảy ra như nhiều chuyên gia đang dự báo.

 

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/tong-tai-san-cua-fed-giam-382-ty-usd-sau-8-thang-that-chat-he-luy-lan-rong-khap-nen-kinh-te-20221218191027774.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/