Tiêu thụ dầu thô phục hồi trái chiều: Mạnh ở mảng hóa dầu và diesel, yếu thế ở phân khúc nhiên liệu máy bay

Nhu cầu dầu thô đang phục hồi, chỉ là không đi theo hướng mà thị trường từng biết trước đại dịch COVID-19.

Tiêu thụ dầu thô phục hồi trái chiều: Mạnh ở mảng hóa dầu và diesel, yếu thế ở phân khúc nhiên liệu máy bay - Ảnh 1.

Nhu cầu dầu thô trên toàn cầu đang phục hồi nhưng lại diễn biến trái chiều. Trong khi mức tiêu thụ của naphtha (một sản phẩm hóa dầu) và nhiên liệu diesel tăng cao thì nhu cầu đối với nhiên liệu máy bay và xăng xe còn yếu. (Ảnh minh họa: Bloomberg).

Hai mảng của bức tranh lớn

Trong bối cảnh chính phủ nhiều nước trên thế giới vẫn duy trì các lệnh hạn chế đi lại hoặc phong tỏa trên diện rộng, người dân ít đi du lịch hay ăn uống bên ngoài cũng như ít sử dụng dịch vụ hơn. Thay vào đó, họ đẩy mạnh chi tiêu cho cuộc sống tại nhà.

Vì thế, hoạt động thương mại hàng hóa trên toàn cầu đang trải qua một giai đoạn bùng nổ. Nhu cầu naphtha để sản xuất nhựa và dầu diesel để chạy các phương tiện vận chuyển như xe tải và tàu hỏa đang tăng cao.

Ngoài ra, mức tiêu thụ khí hỏa lỏng (LPG), một nhiên liệu dùng phổ biến dùng trong việc nấu ăn ở khu vực châu Á, cũng đang tăng vọt.

Trong khi đó, nhu cầu nhiên liệu máy bay vẫn giảm mạnh do người dân không đi lại bằng đường hàng không nhiều như trước. Mức tiêu thụ xăng cũng chưa hoàn toàn quay trở về mức bình thường, dù người tiêu dùng đang chuyển sang lái xe cá nhân thay vì dùng phương tiện công cộng.

Tiêu thụ dầu thô phục hồi trái chiều: Mạnh ở mảng hóa dầu và diesel, yếu thế ở phân khúc nhiên liệu máy bay - Ảnh 2.

Ai hưởng lợi, ai chịu thiệt?

Xu hướng mới trong nhu cầu năng lượng của các nước có ý nghĩa đáng kể đối với ngành công nghiệp dầu mỏ. Các nhà sản xuất dầu thô chuyên về naphtha và khí hóa lỏng LPG đang hưởng lợi lớn khi giá tăng cao.

Đó là một trong những nguyên nhân tại sao dầu thô khai thác ở Biển Bắc và các mỏ dầu đá phiến ở Mỹ lại có mức chênh lệch cao hơn sản phẩm của những đối thủ đến từ Trung Đông, Bloomberg dẫn lời giới thương nhân cho hay.

Mặt hàng tăng mạnh nhất trong những tháng gần đây là naphtha - nguyên liệu chính để chế biến nhựa. Theo dữ liệu từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) tại Paris, nhu cầu naphtha trong tháng 6 năm nay nhảy vọt 11% (tương đương 660.000 thùng/ngày) so với số liệu cùng kỳ năm 2019, thời điểm đại dịch COVID-19 chưa bùng phát.

Cũng theo IEA, nhu cầu LPG của tháng 6 năm nay tăng 7,2% so với hồi tháng 6/2019, tương đương tăng 880.000 thùng/ngày.

Trái ngược, nhu cầu nhiên liệu máy báy và xăng vẫn còn đặc biệt yếu. IEA cho biết, nhu cầu của hai mặt hàng năng lượng này trong tháng 6/2021 thấp hơn cùng kỳ năm 2019 khoảng 3,96 triệu thùng/ngày.

Còn nếu tính chung nhu cầu của tất cả sản phẩm dầu mỏ thì số liệu tháng 6 năm nay hụt so với tháng 6/2019 khoảng 2,7 triệu thùng/ngày.

Theo Bloomberg, các nhà máy lọc dầu tích hợp luôn cơ sở sản xuất hóa dầu đang hái bộn tiền từ sự thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng toàn cầu. Ngành hóa chất nhờ đó mà tăng trưởng mạnh mẽ.

Công suất hóa dầu mới tại châu Á, dẫn đầu là Trung Quốc, đã tăng ổn định trong thời gian qua. Tại Hàn Quốc, GS Caltex và LG Chem đang bắt đầu chạy thử nghiệm một số nhà máy mới với tổng công suất khoảng 1,55 triệu tấn/năm.

Tại Trung Quốc, tập đoàn Sinopec nhiều khả năng sẽ triển khai một cơ sở sản xuất với công suất 800.000 tấn/năm vào tháng 8 tới. Trung Quốc cũng đang xây dựng thêm các nhà máy khử hydro propan để biến propan thành sản phẩm hóa dầu, phục vụ cho ngành công nghiệp nhựa.

Song, các cơ sở lọc dầu khác, đặc biệt là tại châu Âu, buộc phải đóng cửa vì nhu cầu của thị trường không đủ để bù đắp chi phí sản xuất của họ.

IEA ước tính, nhu cầu dầu thô trong tháng 6 năm nay hiện thấp hơn khoảng 3% so với cùng kỳ hai năm trước. Cơ quan này dự đoán rằng đến tháng 12, nhu cầu sẽ trở lại mức tương đương thời điểm đại dịch chưa xảy ra.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/tieu-thu-dau-tho-phuc-hoi-trai-chieu-manh-o-mang-hoa-dau-va-diesel-yeu-the-o-phan-khuc-nhien-lieu-may-bay-20210715175239567.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/