Tiềm năng của Masan MEATLife sau khi tái cấu trúc

Với kế hoạch tái cấu trúc và thúc đẩy hợp tác với De Heus – doanh nghiệp nước ngoài giàu kinh nghiệm trong mảng thức ăn chăn nuôi, Masan MEATLife (UPCoM: MML) cho biết sẽ tập trung phát triển mảng thịt mát có thương hiệu. Cùng với triển vọng tích cực của doanh nghiệp, thị giá cổ phiếu MML đã tăng gần 90% so với đầu năm, dao động quanh vùng giá 96.000 đồng / cổ phiếu

Năm 2017, quỹ đầu tư hàng đầu thế giới KKR đã đầu tư 250 triệu USD vào Masan Group và Masan Nutri-Science (tên trước đây của Masan MEATLife) khi nhìn thấy những tiềm năng của ngành hàng tiêu dùng có thương hiệu, trong đó nền tảng thịt và các sản phẩm từ thịt của tập đoàn.

Khoản đầu tư của KKR bao gồm 100 triệu USD mua lại cổ phần Masan Group từ PENM Partners, công ty quản lý quỹ đầu tư tư nhân của Đan Mạch và 150 triệu USD đầu tư vào Masan Nutri-Science để sở hữu 7,5% cổ phần.

Mới đây, cổ đông VN Consumer Meat II PTE trực thuộc công ty quản lý quỹ đầu tư KKR đã đăng ký bán 7,1% cổ phần của Masan MEATLife. Đây được xem là động thái tái cơ cấu danh mục của quỹ đầu tư này.

Mặt khác, việc KKR bán cổ phần cũng tạo điều kiện để MML "đón sóng" các nhà đầu tư mới. Không chỉ thoái vốn khỏi Masan MEATLife, gần đây KKR đã hoàn tất bán ra gần 32 triệu cổ phần Vinhomes (VHM) và không còn là cổ đông lớn tại công ty bất động sản Việt Nam.

Tiềm năng của thịt mát và thịt mát chế biến

Chỉ trong vòng 4 năm, Công ty Masan Nutri-Science (tên trước đây của Masan MEATLife) đã chuyển đổi mô hình kinh doanh sản phẩm nông nghiệp sang mô hình kinh doanh thịt đóng gói có thương hiệu.

Cuối năm 2018, công ty tung ra thị trường sản phẩm thịt mát được chế biến theo công nghệ châu Âu và nhận được các phản ứng vô cùng tích cực của người tiêu dùng. Một khảo sát của Nielsen cho biết 97% người tiêu dùng đồng ý rằng sản phẩm thịt MEATDeli tươi ngon.

Tháng 7/2019, Masan Nutri-Science đã chính thức đổi tên thành Masan MEATLife (MML), khẳng định chiến lược "đặt trọng tâm vào ngành thịt". Thịt heo là thị trường giàu tiềm năng tại Việt Nam với giá trị hơn 10 tỷ USD, tuy nhiên đây cũng chính là thị trường còn phân mảnh và chưa đáp ứng kịp nhu cầu tiêu dùng hiện đại.

Với dân số gần 100 triệu người, thu nhập bình quân liên tục cải thiện khiến nhu cầu tiêu thụ thịt sạch, truy xuất được nguồn gốc tại Việt Nam tăng cao. Điều này tạo điều kiện cho thương hiệu thịt sạch MEATDeli của MML tăng trưởng mạnh mẽ.

Tiềm năng của Masan MEATLife sau khi tái cấu trúc - Ảnh 1.

Khách hàng lựa chọn thương hiệu thịt heo của MML. (Ảnh: MSN).

MML hiện sở hữu trang trại chăn nuôi lợn kỹ thuật cao tại Nghệ An với tổng diện tích trên 223 ha, vốn đầu tư lên đến 1.400 tỷ đồng, có khả năng cung cấp cho 250.000 con mỗi năm. Tại đây, từ con giống đến nguồn thức ăn được các chuyên gia giàu kinh nghiệm theo sát quản lý chất lượng đến từng cá thể lợn.

Cùng với đó, MML đầu tư gần 3.000 tỷ đồng xây dựng hai tổ hợp chế biến thịt mát và thịt mát chế biến là MEAT Hà Nam và MEATDeli Sài Gòn. Hai tổ hợp có tổng công suất chế biến 2,8 triệu con heo/năm. Tính đến thời điểm hiện nay, MEAT Hà Nam và MEATDeli Sài Gòn được xem hai tổ hợp chế biến thịt mát tiêu chuẩn châu Âu đầu tiên tại Việt Nam.

Nửa đầu năm 2021, doanh thu thuần của MML đạt 10.232 tỷ đồng, tăng 42,1% so với 7.202 tỷ đồng nửa đầu năm 2020. Thịt đã trở thành một mảng kinh doanh độc lập có quy mô đáng kể của MML khi đóng góp 2.068 tỷ đồng doanh thu và 163 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao (EBITDA), bao gồm 3F Việt, chiếm 20,5% tổng doanh thu của công ty.

Doanh thu mảng thịt tăng trưởng mạnh và đóng góp ngày càng lớn vào kết quả kinh doanh của MML. Nhưng điều đáng chú ý nằm ở việc mảng thịt và trang trại của MML đã bắt đầu có lãi. Masan MEATLife đặt mục tiêu đưa mảng kinh doanh thịt có lãi ròng vào cuối năm nay khi tổ hợp chế biến thịt đạt từ 25% - 30% công suất sử dụng vào quý IV/2021, so với công suất sử dụng hiện tại là gần 11%.

Gia tăng độ phủ, đa dạng hóa sản phẩm

Theo ghi nhận, đến cuối tháng 6/2021, thương hiệu MEATDeli đã có mặt tại hơn 2.700 điểm bán, hiện diện tại hơn 2.300 cửa hàng VinMart/VinMart+ trên toàn quốc. Dịch COVID-19 đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến việc thay đổi thói quen tiêu dùng khi một bộ phận người dân, đặc biệt tại các thành phố lớn, đã chuyển sang mua sắm tại siêu thị, cửa hàng tiện lợi trong thời gian nhiều chợ truyền thống tạm đóng cửa.

Mặt khác, người dẫn đã quen thuộc hơn với việc đặt hàng online và giao hàng tận nhà. Vì vậy, việc thịt mát MEATDeli có mặt trên nhiều kênh mua hàng online, hệ thống cửa hàng, siêu thị rộng khắp trên cả nước sẽ là lợi thế lớn.

Ngoài thịt mát MEATDeli chuẩn ngon, MEATDeli còn có nhiều dòng sản phẩm theo xu hướng cao cấp hóa và bữa ăn tiện lợi như MEATDeli Premium, thịt mát tẩm ướp…

Không chỉ phát triển mảng kinh doanh thịt heo, MML đã đầu tư góp vốn 51% cổ phần vào 3F Việt để đa dạng hóa các sản phẩm thịt đưa ra thị trường. Việc tích hợp với hệ sinh thái Masan Group đang diễn ra theo chiều dọc: MML cung cấp thức ăn gia cầm cho 3F Việt, sản phẩm gà tươi MEATDeli được ra mắt tại các điểm bán VinMart/VinMart+ vào tháng 12/2020.

Tính đến cuối tháng 6/2021, các sản phẩm gà tươi đã có mặt tại hơn 2.180 điểm bán thuộc VCM. Bên cạnh đó, 3F Việt dự kiến đạt doanh thu cả năm 1.500 tỷ đồng và EBITDA 150 tỷ đồng.

Tháng 9/2021, sản phẩm "Gà Thảo Dược" hợp tác giữa MEATDeli và 3F Việt đã có mặt tại VinMart và VinMart+ trên toàn quốc. Sản phẩm được người tiêu dùng hưởng ứng tích cực nhờ giá trị dinh dưỡng cao, thịt dai ngọt đậm đà và cảm quan hấp dẫn.

Gà nuôi thả vườn tại Bến Tre, Vĩnh Long và Thái Nguyên, được cho ăn thức ăn dinh dưỡng, bổ sung 4 loại thảo dược quý giúp gà phát triển khỏe mạnh tự nhiên, không sử dụng bất kỳ chất kháng sinh hay tăng trọng nào.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/tiem-nang-cua-masan-meatlife-sau-khi-tai-cau-truc-20211008112804095.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/