Thuận lợi đi kèm rủi ro đối với xuất khẩu xi măng khi Trung Quốc thắt chặt nguồn cung

Theo Công ty CP Chứng khoán Bảo Việt, ngành xi măng Việt Nam đang được giải tỏa áp lực cạnh tranh trong nước nhờ hoạt động cơ cấu lại sản xuất của Trung Quốc. Tuy nhiên, sự hỗ trợ này được cho chỉ là tạm thời, không bền vững và rủi ro đối với doanh nghiệp Việt Nam.

Xuất khẩu xi măng Việt Nam tăng ấn tượng

Theo báo cáo phân tích về ngành xi măng của Công ty CP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC),  năm 2018 ngành xi măng Việt Nam ghi nhận một năm xuất khẩu ấn tượng với sản lượng xi măng và clinker xuất khẩu lần lượt là 9,1 triệu tấn, tăng 82% và 23 triệu tấn, tăng gần 43% so với năm 2017.

Trong đó, xuất khẩu xi măng và clinker của Việt Nam sang Trung Quốc tăng vọt 596% so với năm trước lên 9,8 triệu tấn. Trung Quốc vượt Bangladesh và trở thành nước nhập khẩu xi măng lớn nhất của Việt Nam trong năm 2018. Các thị trường nhập khẩu khác như Philippines, Đài Loan, Peru có tỉ trọng khá ổn định.

Trong khi đó, tính đến cuối năm 2018, ngành xi măng Trung Quốc đã giảm khoảng 153 triệu tấn, tương đương 38,9% mục tiêu cắt giảm và ứng với 1,6 lần công suất sản xuất xi măng tại Việt Nam cuối 2018.

18

Sản lượng xuất khẩu xi măng và clinker năm 2018 của Việt Nam tăng vọt sau khi Chính phủ Trung Quốc đưa ra lộ trình quản lý nguồn cung chặt chẽ. Nguồn: Bloomberg, BVSC

"Chúng tôi nhận thấy với "khoảng trống" hơn 100 triệu tấn này đã giúp giảm áp lực cạnh tranh, tăng thị phần xuất khẩu cho Việt Nam và sụt giảm xuất khẩu xi măng giá rẻ Trung Quốc cũng góp phần gia tăng sản xuất và tính cạnh tranh và giá xuất khẩu của xi măng Việt Nam trên các thị trường xuất khẩu", chuyên viên phân tích Trần Đăng Mạnh của BVSC nhận định.

Ngoài ra, theo BVSC, việc nới lỏng chính sách trong xuất khẩu xi măng và clinker từ Chính phủ Việt Nam cũng đã góp phần thúc đẩy xi măng trong năm 2018.

Cụ thể, Nghị định 125 quy định thuế xuất khẩu xi măng là 0% có hiệu lực từ tháng 1/2018 từ mức 5% cuối 2016, theo đó lợi nhuận xuất khẩu xi măng có thể gia tăng 3 - 4 USD/tấn. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng áp dụng chương trình hoàn thuế VAT cho xuất khẩu xi măng giúp doanh nghiệp trong nước cải thiện năng lực cạnh tranh. 

Giải tỏa áp lực cạnh tranh thị trường nội địa

Theo BVSC, nhờ gia tăng xuất khẩu, cạnh tranh ngành xi măng trong nước cũng được giải tỏa phần nào trong năm 2018, với sản lượng tiêu thụ phục hồi đạt mức 65 triệu tấn, tăng 8% so với năm trước, đánh dấu tốc độ tăng trưởng kép 5 năm giai đoạn 2013 - 2018 ở mức 10%/năm. 

Về khía cạnh sản xuất, tổng năng lực sản xuất ngành xi măng năm 2018 đạt khoảng 98 triệu tấn so với tổng lượng sản xuất của ngành năm 2018 là khoảng 90 triệu tấn, tăng 5,7%. 

Theo đó, hiệu suất huy động chung của ngành là 91% năm 2018, khả quan hơn so với mức 87% năm 2017.

"Với hiệu suất sản xuất gia tăng, chúng tôi nhận thấy các công ty đã cải thiện lợi nhuận của mình do hiệu quả hoạt động nâng cao tối ưu hóa các chi phí cố định trong khi giá bán trung bình cải thiện", BVSC ước tính.

Cụ thể, lợi nhuận sau thuế của Công ty CP Xi măng Hà Tiên 1 (Mã: HT1) tăng trưởng mạnh mẽ đạt 1.680 tỉ, tăng 31,6% hay Công ty CP Xi măng Bỉm Sơn (Mã: BCC) đã chuyển mình ghi nhận lãi đạt 94 tỉ năm 2018 từ mức 3 tỉ năm 2017.

Xu hướng chuyển dịch từ xi măng bao sang xi măng dạng rời nhanh hơn tại thị trường xi măng Việt Nam.

Cụ thể, tỉ trọng tiêu thụ của xi măng rời của HT1 tính đến quí 1/2019 là 35% trên tổng sản lượng tiêu thụ trong quí so với mức 24% năm 2015 và mức 25% năm 2018. 

Theo BVSC: "Xu hướng chuyển đổi nhanh hơn từ xi măng bao sang xi măng rời là do sự nổi lên của dịch vụ bê tông tươi tiện lợi và tiết kiệm chi phí hơn, trong khi có thể bán ở số lượng nhỏ như 1 - 2 khối và các dự án, công trình lớn tự xây trạm trộn bê tông gia tăng nhu cầu xi măng rời".

Tiềm năng giá xi măng tăng tại Trung Quốc không nhiều

Theo phân tích của BVSC, giá xi măng tại Trung Quốc nửa cuối năm 2019 khả năng duy trì ở mức cao. Nguyên nhân là gày 24/4 vừa qua, Cục Quản lý thị trường Trung Quốc đã tổ chức một cuộc họp các Công ty xi măng toàn quốc để cảnh báo các hành vi độc quyền trong bối cảnh gia tăng mức độ tập trung của ngành xi măng tại Trung Quốc.

18

Giá xuất khẩu trung bình xi măng và clinker quí I/2019 vẫn trên đà tăng tốt so với quí I2018. Nguồn: Hải Quan Việt Nam/BVSC. Đơn vị: USD/tấn

"Dự kiến tiềm năng tăng giá của xi măng tại Trung Quốc sẽ không nhiều, mà thay vào đó sẽ ổn định ở mức cao như năm 2018. Chính vì vậy, chúng tôi không kì vọng giá xuất khẩu xi măng sang Trung Quốc trong thời gian tới sẽ biến động mạnh", chuyên gia phân tích Trần Đăng Mạnh của BVSC cho biết trong báo cáo công bố ngày 18/6.

Tuy nhiên, môi trường cạnh tranh nội địa của Việt Nam trở nên lành mạnh nhờ hoạt động xuất khẩu sang Trung Quốc duy trì khả quan trong quí I/2019.

Cụ thể, số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan do BVSC tổng hợp cho thấy, sản lượng tiêu thụ xi măng và clinker quí I/2019 toàn ngành đạt 23,08 triệu tấn, tăng 4,5% so với cùng kì năm 2018, theo đó tiêu thụ nội địa đạt 14,52 triệu tấn tăng 7,4% và sản lượng xuất khẩu đạt 8,6 triệu tấn tăng 0,9%. 

Trong đó, sản lượng xi măng xuất khẩu quí I/2019 đạt 3,2 triệu tấn tăng 84% so với quí I/2018 trong khi sản lượng clinker xuất khẩu đạt 5,3 triệu tấn giảm 23% so với mức cơ sở cao năm ngoái. 

Trung Quốc vẫn duy trì vị thế dẫn đầu trong nhập khẩu xi măng và clinker tại Việt Nam trong quí I/2019 với tỷ trọng gia tăng từ mức 16% ở quí I/2018 lên mức 34% ở quí I/2019.

Giá xuất khẩu trung bình quí I/2019 vẫn trên đà cải thiện tốt so với cùng kì năm ngoái đạt mức 41,6 USD/tấn, tăng 19,2%.

Nhiều rủi ro, khó kì vọng tăng trưởng khả quan

Cũng theo BVSC, sự chuyển dịch mạnh mẽ hơn sang sử dụng xi măng rời có thể giúp đẩy mạnh tăng trưởng sản lượng tiêu thụ và mở rộng thị phần. Tuy nhiên, giá bán trung bình và tỉ suất lợi nhuận gộp từ xi măng rời là thấp hơn xi măng bao.

Vì thế việc gia tăng tỷ trọng xi măng rời trong cơ cấu bán hàng khả năng sẽ đè nặng lên triển vọng tăng trưởng kết quả kinh doanh của các công ty sản xuất xi măng tại Việt Nam khi giá bán trung bình và tỷ suất lợi nhuận không có nhiều tiềm năng cải thiện.

Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất xi măng tại Trung Quốc chỉ mang tính chất hỗ trợ tạm thời bởi việc nhập khẩu xi măng và clinker đột biến từ Trung Quốc là hoạt động không bền vững và mang nhiều rủi ro khi xuất khẩu gia tăng phụ thuộc vào một nước. 

xi măng 1

Ảnh minh họa.

Ngoài ra, rủi ro từ cạnh tranh ở thị trường tiêu thụ nội địa dường sẽ gay gắt hơn khi một số dây chuyền sản xuất xi măng mới sẽ đi vào hoạt động trong nửa cuối năm 2019 và 2020, theo đó tỷ lệ huy động dự kiến giảm và tình trạng dư cung sẽ nghiêm trọng hơn. 

"Chúng tôi không kì vọng hiệu quả hoạt động cao hay triển vọng tăng trưởng lợi nhuận khả quan từ các nhà sản xuất xi măng tại Việt Nam với vị thế tài chính chưa lành mạnh và đang phải đầu tư phát triển dự án mở rộng sản xuất khác trong giai đoạn tới", chuyên gia phân tích của BVSC nhận định.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/thuan-loi-di-kem-rui-ro-doi-voi-xuat-khau-xi-mang-khi-trung-quoc-that-chat-nguon-cung-20190618154526671.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/