Thủ tướng Boris Johnson từ chức: Ai sẽ thay ông đứng đầu chính phủ Anh?

Sau cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng vừa qua, ông Boris Johnson đã từ chức Thủ tướng, mở ra một cuộc chạy đua để tìm người cầm trịch chính phủ Anh.

Trưa hôm 7/7 (theo giờ địa phương), Thủ tướng Boris Johnson đã đứng bên ngoài số 10 phố Downing và tuyên bố từ chức. Ông cho biết bản thân cảm thấy “rất buồn khi phải từ bỏ công việc tuyệt vời nhất thế giới này”.

Theo CNBC, ông Johnson sẽ tiếp tục giữ chức Thủ tướng cho đến khi người kế nhiệm được chọn trong những tuần tới. Tuy nhiên, một số người cả trong và ngoài Đảng Bảo thù đều tỏ ra băn khoăn về việc Thủ tướng Johnson tại vị thêm bất cứ giây phút nào.

Ông Boris Johnson đưa ra tuyên bố vào ngày 7/7 trước số 10 phố Dowing (văn phòng Thủ tướng Anh). (Ảnh: Phil Noble/Reuters).

Cuộc chạy đua chính trị

Bộ trưởng Bộ Kinh doanh Kwasi Kwarteng là một trong số những người bày tỏ quan ngại về việc ông Johnson vẫn còn giữ chức Thủ tướng cho đến khi một nhà lãnh đạo mới được chọn. Ông muốn Thủ tướng Johnson đi ngay bây giờ và thúc giục Đảng Bảo thủ bầu chọn một nhà lãnh đạo mới "càng sớm càng tốt."

Trong khi đó, một nghị sĩ khác của Đảng Bảo thủ đã viết trên Twitter rằng: "Việc ông Johnson có thể tại vị là điều không thể tin được". Những người khác nói rằng một Thủ tướng tạm quyền nên được đưa lên để trông coi hoạt động của chính phủ trong mùa hè, khi Quốc hội tạm nghỉ.

Lãnh đạo của Đảng Lao động đối lập, ông Keir Starmer, đã nói rằng Thủ tướng Johnson cần phải ra đi “hoàn toàn” và "thật vô nghĩa khi nhà lãnh đạo này cố bám trụ thêm vài tháng nữa”.

Nếu Đảng Bảo thủ không ủng hộ ông Johnson tiếp tục giữ chức, thì có thể đề nghị Nữ Hoàng bổ nhiệm một nhà lập pháp khác của Đảng Bảo thủ làm Thủ tướng tạm thời. Phó Thủ tướng hiện tại, ông Dominic Raab hiện là ứng cử viên sáng giá nhất.

Phó Thủ tướng Anh Dominic Raab. (Ảnh: Chris J. Ratcliffe).

Ông Allan Monks, một nhà kinh tế học tại JPMorgan, cho biết quá trình chọn lựa lãnh đạo của Đảng Bảo thủ có thể sẽ hoàn thành trong vài tuần. “Vòng đầu tiên có thể sắp bắt đầu và sẽ bao gồm một loạt phiếu bầu giữa các Nghị sĩ để lựa chọn ra hai ứng viên (mất hai tuần hoặc ít hơn)”.

“Vòng thứ hai sẽ là một cuộc bỏ phiếu giữa các Đảng viên để quyết định ai sẽ trở thành nhà lãnh đạo tiếp theo (Thủ tướng)”, ông Monks cho hay. Theo nhà kinh tế, quá trình này sẽ mất khoảng 4 tuần. Toàn bộ quy trình bầu ra lãnh đạo mới có thể được hoàn thành vào tháng 9, trước hội nghị thường niên của Đảng Bảo thủ.

Ai có thể thay thế?

Mọi con mắt hiện đang đổ dồn vào người kế nhiệm Thủ tướng Johnson. Những người thuộc phe Bảo thủ nổi bật được coi là ứng cử viên tiềm năng bao gồm cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính Rishi Sunak, cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Sajid Javid, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ben Wallace và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao đương nhiệm Liz Truss.

Ngoài ra còn có các quan chức kém nổi bật khác bao gồm Bộ trưởng Bộ Thương mại Penny Mordaunt và cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Jeremy Hunt.

Không ai trong số họ tuyên bố quan tâm đến việc tranh cử vị trí cao nhất trong chính phủ Anh, chỉ có Bộ trưởng Bộ Tư pháp Suella Braverman tuyên bố chắc chắn rằng sẽ tranh cử cho đến nay.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Anh Ben Wallace. (Ảnh: Andrew Milligan/PA).

Nền tảng YouGov đã khảo sát 716 thành viên Đảng Bảo thủ về việc muốn ai kế nhiệm Thủ tướng Johnson. Kết quả cho thấy ông Wallace và ông Mordaunt đối đầu trực diện, cùng được 13% những người được thăm dò ủng hộ. Ông Sunak đứng sau với 10% và bà Truss với 8%.

Tuy nhiên, đáng chú ý, một cuộc thăm dò khác của YouGov so sánh các ứng cử viên riêng lẻ cho thấy ông Wallace là người được các thành viên Đảng Bảo thủ yêu thích nhất để trở thành lãnh đạo đảng tiếp theo.

Tác động đến thị trường

Vì tương lai chính trị của Anh vẫn chưa chắc chắn, tác động đến đồng bảng Anh và thị trường tài chính đang được theo dõi chặt chẽ. 

Cả đồng bảng Anh và FTSE 100 đều tăng khi có tin tức rằng Thủ tướng Johnson sẽ từ chức và duy trì sắc xanh tốt trong suốt ngày 7/7.

 

Ông Kallum Pickering, nhà kinh tế cao cấp tại Ngân hàng Berenberg, cho biết thị trường tài chính có thể sẽ xáo trộn trong vài tháng tới và rơi vào tình trạng khó khăn.

“Nếu cuộc chiến lật đổ ông Johnson thậm chí còn trở nên lộn xộn hơn và kéo theo một cuộc tranh cử ồn ào, thì sự bất ổn gia tăng trong tương lai gần có thể gây thêm áp lực đi xuống đối với các thị trường rủi ro và đồng bảng Anh”, ông nói.

Vì đâu nên nỗi?

Cơn bão chính trị này được châm ngòi bởi cuộc từ chức của hai Bộ trưởng Sunak và Javid vào hôm 5/7. Nhiều quan chức tuyên bố công khai rằng không còn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Thủ tướng Johnson và ông nên ra đi vì lợi ích của Đảng và đất nước.

Các vụ từ chức trong Đảng Bảo thủ, từ các bộ trưởng đến các quan chức hàng đầu, tiếp tục diễn ra vào ngày 7/7. Ít nhất 50 người đã rút lui cho đến nay.

Tuy nhiên, ông Johnson, một nhà lãnh đạo đang vướng vào khá nhiều tranh cãi và đối mặt với nguy cơ chính phủ sụp đổ, đã kịch liệt từ chối từ chức. Ông tuyên bố bản thân có "trách nhiệm lớn" để điều hành đất nước sau chiến thắng ngoạn mục trong cuộc bầu cử năm 2019.

Phe chỉ trích ông Johnson cho rằng, trong những năm kể từ cuộc bỏ phiếu đó, công chúng đã quá mệt mỏi với những cáo buộc về hành vi sai trái của chính quyền này: từ tiệc tùng trong thời gian phong tỏa COVID, đến những hành vi thiếu chuẩn mực đã khiến chính phủ và Đảng Bảo thủ bị ảnh hưởng trong những tháng gần đây.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/thu-tuong-anh-da-tu-chuc-ai-se-thay-ong-dung-dau-chinh-phu-anh-2022788625546.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/