Thủ thuật kế toán giúp các ngân hàng Mỹ đóng băng hàng tỷ USD trái phiếu thua lỗ nhưng dễ dẫn đến rủi ro vốn ảo

Khi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) tăng lãi suất khiến giá trái phiếu Kho bạc lao dốc vào năm ngoái, một số ngân hàng lớn nhất nước Mỹ đã sử dụng một thủ thuật kế toán đơn giản để hàng tỷ USD thua lỗ chỉ nằm trên sổ sách.

Thủ thuật đơn giản

Khi Fed nâng lãi suất để khống chế lạm phát vào năm ngoái, giá trái phiếu Kho bạc đã sụt giảm đáng kể, dẫn đến thua lỗ hàng tỷ USD cho các ngân hàng nắm giữ chúng.

Thay vì bán ra để bù lỗ, các nhà băng tuyên bố rằng họ có ý định giữ phần lớn các lô trái phiếu thua lỗ cho đến khi đáo hạn và sau đó họ đã thay đổi phân loại kế toán của trái phiếu cho phù hợp.

Từ đó trở đi, các lô trái phiếu nói trên sẽ bị đóng băng theo thời gian, bất kể giá trị của chúng có giảm bao nhiêu trên thị trường đi chăng nữa, tờ Wall Street Journal (WSJ) đưa tin.

WSJ xác định 6 ngân hàng lớn của Mỹ, trong đó có Charles Schwab và PNC Financial Services Group, đã cùng nhau chuyển đổi phân loại đối với hơn 500 tỷ USD trái phiếu vào năm ngoái.

Đối với một số ngân hàng, việc loại trừ các khoản lỗ chưa thực hiện khỏi bảng cân đối kế toán cho phép họ báo cáo mức vốn cao hơn trong khi trên thực tế, tài sản của họ có giá trị thấp hơn nhiều.

Sự sụp đổ của Silicon Valley Bank (SVB) đã khiến công chúng lần nữa chú ý đến cuộc tranh luận kéo dài hàng thập kỷ về các thủ thuật kế toán trên.

Các quy tắc hiện hành thường cho phép doanh nghiệp đưa ra nhiều giá trị khác nhau cho cùng một tài sản, tuỳ thuộc vào việc họ dự tính sẽ làm gì với chúng.

Ngoài ra, các quy tắc kế toán cũng cho phép các công ty thay đổi ý định đã công bố giữa chừng. Điều này có thể có tác động lớn đến sự lành mạnh của bảng cân đối kế toán doanh nghiệp.

6 ngân hàng mà WSJ đề cập có thể thổi phồng bảng cân đối kế toán của họ chỉ bằng một số thủ thuật đơn giản. Nhà băng có thể nắm giữ các tài sản thua lỗ ở dạng “sẵn sàng để bán” (giá tài sản được định theo giá thị trường) hoặc “giữ cho đến ngày đáo hạn” (tài sản sẽ không được bán ra).

Tính đến ngày 31/12/2022, trái phiếu giữ đến ngày đáo hạn của các ngân hàng trên có tổng giá trị trên bảng cân đối kế toán là 1,14 nghìn tỷ USD, tăng so với con số 681 tỷ USD một năm trước. Mức tăng này chủ yếu là do 6 ngân hàng đã tái phân loại các lô trái phiếu thua lỗ.

Từ phần chú thích trong BCTC của các ngân hàng, WSJ nhận thấy giá trị trái phiếu trên bảng cân đối kế toán đang cao hơn 118 tỷ USD - tương đương 12% - so với giá trị thị trường hợp lý của chúng. Con số 118 tỷ USD này còn tương đương 18% vốn chủ sở hữu của các ngân hàng đó.

Một năm trước, chênh lệch giữa giá trị thị trường của trái phiếu giữ đến ngày đáo hạn và giá trị trên bảng cân đối kế toán là không đáng kể.

Vụ sụp đổ của Silicon Valley Bank (SVB) đã lần nữa khiến công chúng để ý đến thủ thuật kế toán của các ngân hàng. (Ảnh minh hoạ: Financial Times/Reuters).

Quy mô toàn ngành

Việc tái phân loại tài sản như tại 6 ngân hàng nói trên là một hiện tượng đã diễn ra trên toàn ngành vào năm ngoái, khi giá trái phiếu sụt giảm.

Tính đến cuối năm 2022, khoảng 48% chứng khoán nợ do các ngân hàng Mỹ nắm giữ được phân loại là giữ đến ngày đáo hạn, tăng từ mức 34% vào một năm trước, theo Tổ chức Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC).

Cũng theo FDIC, các ngân hàng có khoản lỗ chưa thực hiện đối với chứng khoán nợ là 620 tỷ USD, trong đó 341 tỷ USD là liên quan đến trái phiếu được giữ đến ngày đáo hạn.

Khoản lỗ chưa thực hiện đối với trái phiếu giữ đến ngày đáo hạn của 6 ngân hàng mà WSJ nêu tên chiếm 35% tổng lỗ của toàn ngành ngân hàng.

Charles Schwab, hiện do Fed quản lý, là công ty đi đầu trong việc phân loại loại các trái phiếu thua lỗ. Họ đã chuyển 188,6 tỷ USD chứng khoán nợ từ danh mục sẵn sàng để bán sang giữ đến ngày đáo hạn. Schwab không thực hiện động thái tương tự vào cuối năm 2021.

PNC đã chuyển 82,7 tỷ USD trái phiếu từ trạng thái sẵn sàng để bán sang giữ đến ngày đáo hạn. JPMorgan Chase, ngân hàng lớn nhất nước Mỹ, chuyển 78,3 tỷ USD. Truist Financial, Wells Fargo và U.S. Bancorp chuyển lần lượt 59,4, 50,1 và 45,1 tỷ USD.

Lo ngại vốn ảo

Cách biệt lớn giữa giá trị được công bố và giá trị thực tế của tài sản ở nhiều ngân hàng đã làm dấy lên lo ngại ngày càng lớn rằng liệu một phần đáng kể vốn của các nhà băng có phải là vốn ảo hay không.

Vốn được coi là tấm đệm tài chính mà một doanh nghiệp có sẵn để bù đắp các khoản lỗ tiềm tàng trong tương lai, WSJ nhấn mạnh.

Chia sẻ với WSJ, bà Sandy Peters, trưởng bộ phận chính sách báo cáo tài chính của Viện CFA, nhận xét: “Đây là một thủ thuật kế toán nhân tạo, không phải thước đo kinh tế về giá trị của tài sản. Giá trị trái phiếu trên sổ sách đáng lẽ phải tương đương với giá trị thực”.

SVB không tái phân loại bất kỳ chứng khoán nợ nào vào năm ngoái và hầu hết các trái phiếu của ngân hàng này đều được phân loại là giữ đến ngày đáo hạn ngay từ đầu.

Điều đó có nghĩa là SVB đã đặt cược dài hạn rằng lãi suất sẽ duy trì ở mức thấp. Khoản lỗ chưa thực hiện đối với các trái phiếu đó vào cuối năm ngoái gần bằng tổng vốn chủ sở hữu 16,3 tỷ USD. Bởi vậy, nhà băng này không thể bán trái phiếu mà không chịu lỗ và bị ảnh hưởng đến vốn.

Tính đến cuối năm 2022, giá trị thị trường hợp lý của trái phiếu nắm giữ đến ngày đáo hạn của Schwab thấp hơn 14,1 tỷ USD so với giá trị trên bảng cân đối kế toán. Khoản lỗ chưa thực hiện tương đương 39% tổng vốn chủ sở hữu.

Phát ngôn viên của Schwab đã đề cập đến bức thư ngỏ mới đây của đồng Chủ tịch Charles Schwab và Walt Bettinger. Người này nói: “Việc tập trung vào các khoản lỗ chưa thực hiện đối với trái phiếu nắm giữ đến ngày đáo hạn là rất sai lầm”.

Đồng thời, vị phát ngôn viên còn nhấn mạnh “gần như không có khả năng chúng tôi cần phải bán bất kỳ lô trái phiếu nắm giữ đến ngày đáo hạn nào trước khi chúng đáo hạn”.

Tại Wells Fargo, khoản lỗ chưa thực hiện với chứng khoán giữ đến ngày đáo hạn là 41,5 tỷ USD, tương đương 23% vốn chủ sở hữu. Tại U.S. Bancorp, khoản lỗ là 10,9 tỷ USD, tương đương 21% vốn chủ sở hữu. Tại Truist là 9,9 tỷ USD, tương 16%. Tỷ lệ phần trăm tương ứng tại JPMorgan và PNC lần lượt là 13% và 11%.

Wells Fargo cho biết họ thực hiện việc chuyển đổi để “định vị lại danh mục đầu tư tổng thể cho mục đích quản lý vốn”. JPMorgan cũng đưa ra lời giải thích tương tự.

Phát ngôn viên của U.S. Bancorp thì cho hay: “Chúng tôi luôn điều chỉnh bảng cân đối kế toán để đảm bảo tính thanh khoản, giảm thiểu sự biến động liên quan đến lãi suất”.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/thu-thuat-ke-toan-giup-cac-ngan-hang-my-dong-bang-hang-ty-usd-trai-phieu-thua-lo-nhung-de-dan-den-rui-ro-von-ao-202333082928802.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/