Thiếu hụt chuyên gia AI, Trung Quốc kêu gọi các nhân tài hồi hương

Sự thiếu hụt nhân sự trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo đã khiến các công ty Trung Quốc phải tìm cách thu hút những nhân sự gốc Trung ở nước ngoài về làm việc.

(Ảnh: Reuters).

Các công ty công nghệ Trung Quốc tìm cách để thu hút các chuyên gia trí tuệ nhân tạo (AI) gốc Trung từ nước ngoài, đặc biệt là những nhân sự của OpenAI để giúp họ trong cuộc đua chatbot AI tạo, tờ SCMP dẫn nguồn tin từ những người trong ngành và các đơn vị tuyển dụng.

Trước cơn sốt toàn cầu của ChatGPT, một cuộc chạy đua trí tuệ nhân tạo đã diễn ra giữa các ông lớn công nghệ nhằm sở hữu một chatbot của riêng họ.

Trong bối cảnh đó, thiếu hụt các nhà khoa học AI ở Trung Quốc đang trở thành bài toán đau đầu với các nhà tuyển dụng. Các nhà tuyển dụng đánh giá rằng sự lan truyền như vũ bão của các chatbot AI đã làm trầm trọng thêm khoảng cách tài năng ở nước này.

Để bù lấp khoảng trống đó, các công ty hàng đầu hay hạng hai trong ngành công nghệ của Trung Quốc đều đang tìm cách thuê các chuyên gia AI có gốc Trung Quốc từ nước ngoài để hỗ trợ họ tích hợp các công nghệ tương tự như ChatGPT vào các dịch vụ sản phẩm.

Theo Liang Hongjing, đối tác tại công ty săn đầu người CGL Consulting có trụ sở tại Thâm Quyến, các thành viên từ đội ngũ OpenAI ban đầu là những người được săn lùng nhiều nhất.

“Tôi đã giúp các cơ sở nghiên cứu địa phương và các công ty internet hàng đầu tuyển dụng những người đứng đầu nghiên cứu và các nhà khoa học… Bây giờ tôi đang tìm cách [giúp các công ty công nghệ Trung Quốc] tuyển dụng những người có kinh nghiệm về các mô hình ngôn ngữ lớn,” Liang nói.

Người này cho biết thêm rằng khách hàng của anh ấy muốn thuê từ nước ngoài vì rất khó tìm chuyên gia trong lĩnh vực này ở Trung Quốc. “Các mô hình ngôn ngữ lớn không phải là một khái niệm mới ở Trung Quốc, nhưng có quá ít công ty đã đi theo con đường đó", anh nói.

Theo Liu Jingfeng, một nhà nghiên cứu cấp cao tại tổ chức tư vấn công nghệ Jazzyear có trụ sở tại Bắc Kinh, nguồn cung nhân tài AI ở Trung Quốc đã biến động trong vài năm qua.

Vào năm 2017, các công ty AI ở Trung Quốc – bao gồm 4 “con rồng AI” là CloudWalk Technology, Yitu Technology, SenseTime và Megvii, đã châm ngòi cho sự bùng nổ tuyển dụng, tạo động lực cho việc sử dụng công nghệ thị giác máy tính trong các tình huống công nghiệp.

Khi xu hướng này hạ nhiệt, lĩnh vực AI đã chứng kiến ​​​​sự sụt giảm nhân tài, kéo theo nhiều nhân sự rời đi trong bối cảnh thu nhập không còn cao. Cơn sốt bất ngờ của ChatGPT đã khơi lại mối quan tâm đầu tư vào lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Tuy nhiên, theo Liang, việc các công ty và cơ quan tuyển dụng Trung Quốc săn đón các chuyên gia gốc Trung đã rời quê hương có thể là một yêu cầu khó khăn.

“Trở về Trung Quốc sẽ là quyết định không dễ dàng đối với những người này. Họ sẽ phải bỏ lại mọi thứ, từ xe hơi, nhà cửa và thậm chí cả gia đình”, ông Liang nói, mặc dù các công ty sẵn sàng đưa ra các gói thu nhập từ hàng trăm nghìn USD để thu hút nhân tài phù hợp.

Theo Liang, bất chấp những hạn chế, một số nhà nghiên cứu Trung Quốc đang làm việc ở các nước phương Tây có thể thấy việc thiếu hụt nhân sự AI ở quê nhà là một điểm hấp dẫn lớn.

Ông nói thêm rằng cơ hội việc làm vẫn còn trong lĩnh vực internet của Trung Quốc cũng có thể là một sức hút lớn. “Thị trường internet Trung Quốc, bất chấp những vấn đề của nó, vẫn rất hấp dẫn. Tốc độ phát triển của lĩnh vực công nghệ và nền kinh tế Trung Quốc trong thập kỷ qua đã tạo ra nhiều bất ngờ hơn những gì thị trường nước ngoài có thể mang lại", Liang nói.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/thieu-hut-chuyen-gia-ai-trung-quoc-keu-goi-cac-nhan-tai-hoi-huong-20233975833223.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/