Thị trường vũ khí 2022: Nhập khẩu của Ukraine tăng 67 lần, Nga tiếp tục mất thị phần xuất khẩu

Thị trường vũ khí toàn cầu trong năm 2022 tăng trưởng gần 20% so với năm trước do các căng thẳng địa chính trị bùng phát. Nhập khẩu vũ khí của Ukraine lên gần 70 lần trong khi xuất khẩu của Nga ngày càng đi xuống.

Binh sỹ Ukraine luyện tập với tên lửa chống tăng vác vai FGM-148 Javelin do Mỹ sản xuất. (Ảnh: Reuters).

Theo dữ liệu của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), xuất khẩu vũ khí toàn cầu trong năm 2022 đã tăng trưởng 19,4% so với 2021. Tuy nhiên, xét trên giai đoạn từ 2018 đến 2022, hoạt động buôn bán vũ khí đã giảm 5,1% so với thời kỳ 2013 - 2017.

Dữ liệu thống kê của SIPRI dựa trên hoạt động chuyển giao thực tế của các loại vũ khí thông thường. Tuy nhiên, việc dựa vào giá vũ khí trên hợp đồng có thể không đánh giá hết được năng lực quân sự của những lô vũ khí được nhập về.

Để phép so sánh giữa các loại vũ khí khác nhau và các quốc gia khác nhau có hiệu quả, SIPRI đã phát triển một hệ thống đo lường gọi là giá trị chỉ báo xu hướng (TIV). TIV được biểu thị bằng USD, đo lường dựa trên chi phí sản xuất của một vũ khí, và đại diện cho việc chuyển giao nguồn lực quân sự, chứ không phải giá trị tài chính.

Một vũ khí với giá thị trường 20 triệu USD có thể có giá trị TIV chỉ 15 triệu USD hoặc có thể là 22 triệu USD, tùy theo năng lực chiến đấu.

Châu Á, châu Âu chạy đua vũ trang

Cuộc xung đột Ukraine đã khiến thị trường vũ khí năm ngoái trở nên sôi động, đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất trong vòng hơn hai thập kỷ qua. 

Vào năm ngoái, Qatar, Ấn Độ và Ukraine là những quốc gia nhập khẩu nhiều vũ khí nhất thế giới. Nếu xét trên khoảng thời gian 5 năm, từ 2018 đến 2022, Ấn Độ chiếm vị trí số một về mua sắm vũ khí từ nước ngoài, tiếp theo là Arab Saudi, Qatar, Australia và Trung Quốc. Ukraine, quốc gia nhập khẩu vũ khí nhiều thứ ba thế giới vào năm ngoái, chỉ xếp hạng 14 trong toàn giai đoạn 2018 - 2022.

Việt Nam đứng thứ 27 về nhập khẩu vũ khí trong giai đoạn 2018 - 2022. Hoạt động mua bán vũ khí của nước ta trong những năm vừa qua đã giảm mạnh so với thời kỳ 2013 - 2017.

Nhập khẩu vũ khí của Ukraine năm 2022 đã tăng trưởng gấp khoảng 67 lần so với 2021. 

Trong khi nhập khẩu vũ khí toàn cầu giai đoạn 2018-2022 sụt giảm 5,1%, các nước châu Âu lại tăng cường nhập mua thêm vũ khí lên tới 47% so với thời kỳ trước. Những thành viên NATO tại châu Âu thậm chí còn tăng nhập khẩu thêm 65%, do mối lo từ Nga. 

Ông Pieter D. Wezeman, một nhà nghiên cứu cao cấp từ SIPRI cho biết: "Ngay cả khi hoạt động chuyển giao vũ khí đã giảm trên toàn cầu, khu vực châu Âu vẫn tăng trưởng mạnh do căng thẳng giữa Nga và đa số các nước châu Âu". Các quốc gia châu Âu đang muốn "nhập khẩu vũ khí nhiều hơn, nhanh hơn", ông nhận xét.

Trong giai đoạn 2018-2022, châu Á và châu Đại Dương chiếm 41% tổng lượng vũ khí nhập khẩu của thế giới. Những quốc gia như Ấn Độ, Australia, Trung Quốc, Hàn Quốc, Pakistan và Nhật Bản nằm trong danh sách 10 nhà nhập khẩu lớn nhất.

Nhu cầu tăng cao tại châu Á do sự lo ngại về mối đe dọa ngày càng tăng từ Trung Quốc và Triều Tiên, ông Wezeman giải thích.

Ukraine vượt lên vị trí thứ ba

Do ảnh hưởng từ xung đột, Ukraine đã tăng nhập khẩu vũ khí lên gấp gần 67 lần vào năm ngoái. Theo ước tính của SIPRI, tổng số vũ khí mà Ukraine nhận được trong năm 2022 trị giá 2,64 tỷ USD (tính theo giá trị chỉ báo xu hướng TIV).

 

Mỹ và các đồng minh đã cam kết viện trợ hàng chục tỷ USD (giá trị sổ sách) vũ khí cho Ukraine trong năm qua. Tuy nhiên, theo SIPRI, những loại vũ khí này là hàng cũ, hàng loại biên và có năng lực chiến đấu không cao như những trang thiết bị mà Mỹ cung cấp cho những quốc gia khác. 

Ngoài ra, SIPRI còn xác định hoạt động xuất nhập khẩu dựa trên cơ sở chuyển giao thực tế. Trong khi đó, nhiều lô vũ khí mà đồng minh cam kết viện trợ cho Kiev vẫn đang chờ chuyển giao. Do vậy, giá trị thực tế của vũ khí tính theo TIV mà Ukraine nhận được trong năm 2022 thấp hơn nhiều so với những gì đồng minh đã hứa hẹn, chuyển giao.

Mỹ hiện đang cung cấp 30% nhu cầu vũ khí của Ukraine.

Nga mất thị phần

Kể từ năm 2021, Nga đã tụt lại phía sau Pháp, trở thành quốc gia xuất khẩu vũ khí lớn thứ ba thế giới. Trong cả giai đoạn 2018 - 2022, xuất khẩu vũ khí của Nga vẫn đứng thứ hai toàn cầu, chỉ sau Mỹ. 

Năm ngoái, Nga chỉ chiếm gần 9% thị phần xuất khẩu vũ khí toàn cầu, trong khi Mỹ là 46%. Vào năm 2013, Nga thậm chí còn từng có thị phần lên tới 29%, nhỉnh hơn Mỹ (28%). 

Xuất khẩu vũ khí của Nga đang đi xuống.

5 khách hàng lớn nhất của vũ khí Nga trong thập kỷ vừa qua lần lượt là Ấn Độ, Trung Quốc, Algeria, Việt Nam và Ai Cập. Tuy nhiên, nhiều khả năng xuất khẩu vũ khí của Moscow tới những thị trường này sẽ tiếp tục giảm trong những năm tới.

Vào năm ngoái, Ai Cập vừa hủy một đơn hàng máy bay lớn do áp lực từ Mỹ, trong khi Trung Quốc, Ấn Độ ngày càng trở nên tự chủ hơn về vũ khí. Nguồn nhập vũ khí của Việt Nam cũng trở nên đa dạng hơn, không còn phụ thuộc quá nhiều vào Nga.

Xuất khẩu tới những quốc gia khác (ngoài 5 đối tác lớn nhất) đã giảm 71% vào năm 2022 khi so với 2012.

SIPRI dự kiến cuộc xung đột Ukraine sẽ hạn chế khả năng xuất khẩu vũ khí của Nga. Các lệnh trừng phạt sâu rộng, cùng với áp lực từ Mỹ và các đồng minh lên khách hàng của Moscow sẽ ảnh hưởng tới nỗ lực bán vũ khí.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/thi-truong-vu-khi-2022-nhap-khau-cua-ukraine-tang-67-lan-nga-tiep-tuc-mat-thi-phan-xuat-khau-202331410594940.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/