Thị trường hàng hóa quay cuồng khi mắt xích trọng yếu Nga bị cô lập

Nga là một cường quốc hàng hóa của thế giới. Nước này sản xuất và xuất khẩu một lượng lớn nguyên vật liệu thô mà chúng ta cần để chế tạo ô tô, vận chuyển hàng hóa, chế biến bánh mì, sưởi ấm,…

Cuộc tấn công của Điện Kremlin vào Ukraine đang đè nặng lên nguồn cung của rất nhiều hàng hóa, trong bối cảnh Nga ngày càng bị cô lập khỏi nền kinh tế toàn cầu và giá cả tăng chóng mặt như một hệ lụy của các lệnh cấm vận.

Theo Bloomberg, Nga "cá kiếm" được hơn 1 tỷ USD mỗi ngày từ việc xuất khẩu dầu thô và khí đốt, phần lớn sang châu Âu. Nhôm và nickel của Nga được đóng thành lon đồ uống, ô tô và pin xe điện, trong khi palladium là vật liệu cần thiết để hạn chế khí thải xe cộ.

Ngoài ra, Nga cũng là gã khổng lồ trong "làng" xuất khẩu lúa mì và là nhà cung ứng giá rẻ hàng đầu cho mọi loại phân bón cây trồng.

ssss - Ảnh 1.

 

Bloomberg đã tổng hợp một số mặt hàng xuất khẩu chính của Nga, các thị trường phụ thuộc vào nguồn hàng của nước này và ảnh hưởng đến giá cả khi nguồn cung gặp trục trặc:

Năng lượng

Dầu thô

Mỹ, Anh và Canada đã cấm nhập khẩu dầu thô của Nga và nhiều công ty trong ngành đang tự tách mình khỏi Moscow, một phần vì sợ bị tổn hại danh tiếng.

 

Đức, Ba Lan và Hà Lan là ba trong các nước châu Âu chịu thiệt hại nặng nề nhất khi mất nguồn cung dầu thô của Nga, vì các nhà máy lọc dầu địa phương phụ thuộc nặng nề vào nguồn cung từ đất nước của ông Putin và rất khó để tìm ra giải pháp thay thế.

 

Tất cả các nhà sản xuất dầu mỏ đều được hưởng lợi khi giá dầu lên cao hơn, nhưng người tiêu dùng khắp mọi ngóc ngách lại phải đối mặt với hóa đơn nhiên liệu đắt đỏ hơn.

Câu hỏi quan trọng đặt ra bây giờ là liệu các cơ sở lọc dầu của châu Âu có cắt giảm tỷ lệ chế biến khi chính họ đang rất khó nhọc tìm kiếm nguồn cung thay thế và liệu Nga sẽ chuyển bao nhiêu dầu thô từ châu Âu sang châu Á để tránh các lệnh cấm vận.

Sản phẩm tinh chế

Thị trường châu Âu sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất nếu tụt tay nguồn dầu diesel của Nga, trong khi nhiên liệu đốt lò (fuel oil) của xứ sở Bạch Dương lại đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với các nhà máy lọc dầu của Mỹ.

 

Tình trạng thiếu hụt dầu diesel ở châu Âu đang làm lợi cho các cơ sở lọc dầu ở Trung Đông và châu Á; giới thương nhân đã bắt đầu vận chuyển hàng đến châu Âu để lấp đầy khoảng trống.

Theo Bloomberg, các nhà sản xuất dầu thô hạng nặng cũng sẽ là những người thắng lớn sau cú sốc nguồn cung từ Nga.

Một số chuyên gia cho rằng Mỹ có thể tìm tới Venezuela để bổ sung nguồn cung còn trống, đồng nghĩa rằng Washington phải tháo gỡ bớt lệnh cấm vận đối với dầu mỏ của quốc gia Nam Mỹ này.

Ngoài ra, nếu thỏa thuận hạt nhân Iran được tái ký, thị trường có thể tiếp nhận thêm một lượng dầu nhất định từ quốc gia Vùng Vịnh.

 

Khí tự nhiên

Moscow đã đe dọa sẽ cắt nguồn cung khí đốt cho châu Âu qua đường ống Nord Stream 1 nhằm đáp trả các lệnh trừng phạt. Để giảm thiểu rủi ro an ninh năng lượng, Liên minh châu Âu (EU) có kế hoạch hạn chế 2/3 nhu cầu nhập khẩu khí đốt từ Nga trong năm nay.

 

Hiện nay, các quốc gia như Đức đang đặc biệt phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên của Nga. Đó có thể là cơ hội để các nhà sản xuất khí hóa lỏng như Mỹ và Qatar xuất thêm hàng sang châu Âu.

Giá khí đốt tăng chóng mặt không chỉ kéo hóa đơn năng lượng của người dân đi lên mà còn khiến lạm phát phình to. Một số quốc gia như Đức và Italy đang cân nhắc tăng cường sử dụng các nhà máy điện than, nhưng phương án này sẽ cản trở các mục tiêu môi trường của khối kinh tế chung trong ngắn hạn.

 

Than đá

Châu Âu là khách hàng mua than nhiệt hàng đầu của Nga. Loại than này chủ yếu được sử dụng trong các nhà máy điện lớn ở Trung và Đông Âu.

Để giải quyết "cơn đói" than đá, châu Âu đang tìm tới các nhà cung ứng ở Colombia, Nam Phi và Mỹ. Thậm chí, lục địa già còn liên hệ với các nhà sản xuất xa xôi hơn như Australia và Indonesia.

 

Tương tự khí đốt, giá than lên cao đồng nghĩa rằng chi phí năng lượng cho người tiêu dùng và doanh nghiệp (đặc biệt là trong lĩnh vực luyện thép) sẽ tăng mạnh. Dường như than đá vẫn còn hấp dẫn với châu Âu vì giá rẻ hơn khí đốt.

 

Thực phẩm

Lúa mì

Nga và Ukraine đều là các mắt xích trọng yếu trong chuỗi cung ứng lúa mì toàn cầu. Các cảng biển lớn của Ukraine đang tạm đóng cửa và tàu chở hàng cũng tránh đến khu vực có giao chiến.

 

Châu Phi và châu Á là hai trong các khách hàng lớn nhất của lúa mì khu vực Biển Đen. Dù doanh nghiệp từ hai châu lục đang tìm kiếm nguồn cung từ nơi khác, chi phí có thể bị đội thêm do vận chuyển tốn kém hơn.

Ngược lại, việc các nhà nhập khẩu săn lùng nguồn lúa mì thay thế cho sản phẩm của Nga và Ukraine lại là tin tốt cho EU, Australia và Bắc Mỹ. Ngoài ra, các đơn hàng từ Ấn Độ - một nước không phải là nhà xuất khẩu lớn trên thị trường, đang tăng lên khi giá toàn cầu cao hơn, giúp ngũ cốc của Ấn Độ trở nên cạnh tranh hơn.

Giá lúa mì tăng đột biến cùng với nguy cơ thiếu hụt nguồn cung sẽ kéo giá bánh mì lên cao, ngay tại thời điểm lương thực đang cực kỳ đắt đỏ và thế giới đứng trước nguy cơ xảy ra nạn đói trầm trọng.

Dầu hướng dương

Chiến sự tại Đông Âu cũng đang làm chao đảo nguồn cung dầu hạt hướng dương trên toàn cầu, khi các cảng biển của Ukraine đóng cửa và cắt đứt dòng chảy từ đất nước đang chiếm gần 50% tổng kim ngạch xuất khẩu loại dầu ăn này.

 

Bản thân Nga là nước xuất khẩu dầu hướng dương lớn thứ hai thế giới. Tình hình bất ổn hiện nay cho thấy các cửa hàng tạp hóa ở châu Âu có thể cạn nguồn cung và giá dầu thực vật sẽ neo vững gần mức đỉnh lịch sử.

Phân bón

Thị trường phân bón vốn đã bị siết chặt từ trước khi xung đột quân sự tại Đông Âu nổ ra, do các nhà máy chế biến phải đóng cửa, thuế quan thương mại cao hơn và phương Tây trừng phạt Belarus - một nhà sản xuất phân bón lớn.

Giờ đây, thị trường đang sắp sửa rơi vào hỗn loạn. Nga, quốc gia chiếm gần 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của ba loại phân bón chính, đã thúc giục doanh nghiệp trong nước tạm dừng đưa hàng ra nước ngoài.

 

Điều đó đang khiến không ít quốc gia, từ những gã khổng lồ ngành nông nghiệp như Brazil và Mỹ đến Nam Phi và Ấn Độ, phải tìm kiếm nguồn cung thay thế. Giá hàng tạp hóa có thể tăng cao hơn nữa nếu sản lượng lương thực giảm hoặc nông dân sang tay một phần chi phí cho người tiêu dùng.

Dù vậy, các ông lớn như CF Industries của Mỹ, Nutrien của Canada và Yara International của Na Uy có thể được hưởng lợi nếu họ lấp đầy khoảng trống mà Nga để lại.

Kim loại

Nickel

Thị trường nickel đã bất ổn từ đầu tháng 3, khi những lo ngại về nguồn cung từ Nga khiến giá tăng vọt. Sàn giao dịch kim loại London buộc phải thực hiện một số chính sách bất thường như tạm ngừng giao dịch nickel.

 

Nga là nhà cung ứng nickel hàng đầu. Đây là nguyên liệu để sản xuất thép và pin xe điện. Tỷ phú Elon Musk từng cho biết nickel là thứ khiến ông băn khoăn nhất và bản thân vị CEO đang tìm cách cắt giảm lượng nickel trong pin xe điện của Tesla.

Nhôm

Nguồn cung nhôm đã có dấu hiệu khan hiếm từ trước khi các cảng biển của Nga khiến tình trạng thiếu hụt trở nên trầm trọng hơn. Vấn đề này đang khiến các nhà sản xuất trong lĩnh vực hàng không vũ trụ, ô tô và xây dựng - đặc biệt là ở châu Âu, điêu đứng.

 

Giá nhôm đang tăng chóng mặt, nguy cơ kéo giá nhiều mặt hàng tiêu dùng như bao bì, ô tô và điện thoại di động đi lên cùng. Một số chuyên gia lo ngại rằng áp lực giá cả có thể trở nên quá lớn và làm nhu cầu sụp đổ.

Palladium và platinum

Còn quá sớm để kết luận liệu nguồn cung palladium và platinum của Nga có bị ảnh hưởng hay không. Hiện, xứ sở Bạch Dương đang xuất khẩu phần lớn sản lượng của hai kim loại này ra nước ngoài.

Bất kỳ sự gián đoạn nào cũng sẽ gây tác động to lớn, ngay tại thời điểm nhu cầu ô tô đang đi lên. Các khách hàng mua xe ở Bắc Mỹ và châu Âu sẽ là những người bị thiệt hại nặng nề nhất.

 

Ở diễn biến khác, các nhà khai thác kim loại ở Nam Phi, Zimbabwe và một số khu vực tại Bắc Mỹ lại có thể tranh thủ để ngoạm lấy một phần miếng bánh nếu nguồn cung từ Nga bị đứt gãy.

Ngoài ra, ngành công nghiệp trang sức và một số lĩnh vực công nghiệp khác có thể bị liên lụy bởi các vấn đề cung ứng liên quan tới platinum. Song, tổn thất được cho là không quá lớn.

 

Thép

Theo Bloomberg, các nhà sản xuất thép của Nga đang gặp khó khi xuất khẩu hàng sang châu Âu, vì khách hàng quay lưng và EU đã cấm nhập khẩu một số sản phẩm nhất định từ Nga.

 

Lĩnh vực xây dựng sẽ chịu thiệt hại nặng nề nhất khi giá thép cao đột biến, trong khi người tiêu dùng có thể ít bị ảnh hưởng hơn vì thép chỉ chiếm một phần nhỏ trong chi phí sản xuất mọi thứ từ đồ gia dụng đến ô tô.

Ở chiều hướng khác, các tập đoàn châu Âu như ArcelorMittal và Thyssenkrupp sẽ được hưởng lợi đáng kể khi giá thép tăng cao vì nguồn cung từ Nga sụt giảm.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/thi-truong-hang-hoa-quay-cuong-khi-mat-xich-trong-yeu-nga-bi-co-lap-2022032018081266.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/