Thị trường dầu thô châu Á sẽ ra sao nếu các cơ sở khai thác ở Iraq bị tấn công?

Một số chuyên gia lạc quan rằng nguồn cung dầu thô trên thế giới vẫn đang rất dồi dào. Ngay cả khi đứt gãy nguồn cung ở một nơi nào đó ở Trung Đông thì thị trường cũng không bị ảnh hưởng quá lớn như 5 năm trước.

Rủi ro nguồn cung gián đoạn vẫn đang hiện hữu

Theo CNBC, giới đầu tư đang lo ngại khả năng các cơ sở khai thác dầu thô miền nam Iraq bị tấn công, ảnh hưởng đến nguồn cung tới thị trường châu Á. 

Iraq là nhà sản xuất cà phê lớn thứ hai OPEC. Ông Henning Gloystein, giám đốc tại công ty năng lượng Eurasia Group nhận định nếu nguồn cung của Iraq bị gián đoạn, OPEC sẽ khó lòng bù đắp lượng thiếu hụt. 

“Trong giai đoạn này, khu vực khai thác phía nam Iraq nằm ngay tâm điểm của rủi ro về địa chính trị. Đây cũng là nơi nhà đầu tư đang quan ngại nếu trường hợp bị tấn công, thị trường sẽ gặp rắc rối, đặc biệt là tại châu Á”. 

Các mỏ dầu tại tỉnh Basra chiếm 85% tổng sản lượng của Iraq, theo hãng tin AP. Căng thẳng ở khu vực Trung Đông leo thang sau khi Iran phòng hơn 12 quả tên lửa vào căn cứ quân sự của Mỹ tại Iraq. 

Đây là động thái trả đũa của Iran đối với Mỹ sau cái chết của tướng Qasem Soleimani. Tuy nhiên, vụ tấn công này không làm hư hại đến cơ sở hạ tầng khai thác năng lượng tại khu vực này.

Ngay sau khi vụ trả đũa xảy ra, giá dầu tăng hơn 4% nhưng lại giảm dần gần 5% qua các phiên sau khi tổng thống Donald Trump cho biết Washington sẽ áp lệnh trừng phạt kinh tế thay vì biện pháp quân sự. 

Mặc dù vậy, rùi ro về việc xảy ra các vụ tấn công vào các cơ sở khai thác dầu thô vẫn còn hiện hữu.

Mức độ ảnh hưởng sẽ không lớn như 5 năm trước

Ông Henning Gloystein tỏ ra lạc quan rằng nguồn cung dầu thô trên thế giới vẫn đang rất dồi dào. Ngay cả khi  đứt gãy nguồn cung ở một nơi nào đó ở Trung Đông thì thị trường cũng không bị ảnh hưởng quá lớn như 5 năm trước.

Một số quốc gia lớn ở châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Ấn Độ phụ thuộc nhiều vào dầu thô ở Trung Đông. 

Nhật Bản và Hàn Quốc đều có kho dự trữ dầu mỏ chiến lược và Trung Quốc cũng đang xây dựng kho này. “Có lẽ Ấn Độ mới là nước đáng lo nhất bởi 40% dầu mỏ nhập khẩu của nước này đến từ Trung Đông. 

Trong thời gian Mỹ áp lệnh trừng phạt đối với Iran và Venezuela, họ phải chuyển sang nhập khẩu từ Iraq”, ông Gloystein nhận định.

Mặc dù vậy thị trường vẫn đang dồi dào nguồn cung dầu thô nhờ sản lượng từ Mỹ tăng mạnh. 

“Họ khai thác khoảng 13 triệu thùng dầu thô/ngày và có thể tăng lên 14 triệu thùng vào cuối năm 2020 hoặc đầu năm 2021”, ông nói thêm. 

Ông Gloystein chỉ ra rằng vụ tấn công vào hai mỏ khai thác dầu thô của tập đoàn Aramco năm ngoái buộc Arab Saudi, quốc gia khai thác lớn nhất OPEC, phải giảm một nửa sản lượng. Giá dầu thô đã phản ứng ngay tức thì sau vụ tấn công khi đã tăng mạnh.

“Thị trường đang rất nhiều dầu thô nhờ sản lượng dầu đá phiến của Mỹ lớn và lượng khai thác của Brazil cũng đang tăng. Ngay cả khi có gián đoạn nguồn cung ở một nơi nào đó cũng không ảnh hưởng lớn như 5 năm trước đó", giám đốc tại công ty năng lượng Eurasia Group nhận định.

Ông nói thêm trong khi sản lượng dầu thô tăng mạnh, tăng trưởng nhu cầu bị chững lại. Theo đó, cách đây 3 năm, tốc độ tăng trưởng nhu cầu tăng 3%. Nhưng những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng chỉ còn 1% - 1.5%.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/thi-truong-dau-tho-chau-a-se-ra-sao-neu-cac-co-so-khai-thac-o-iraq-bi-tan-cong-20200112140546956.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/