Thêm một đề xuất vô nghĩa của phương Tây: Cấm nhập khẩu vàng của Nga?

Mới đây, nhóm các nền kinh tế tiên tiến G7 đã đề xuất cấm nhập khẩu vàng của Nga, một cách trừng phạt tương tự những gì phương Tây đã làm với dầu thô của xứ sở Bạch Dương. Tuy nhiên, hiệu quả của đề xuất này có thể không cao.

Một đề xuất vô nghĩa

Tháng trước, các lệnh trừng phạt mà phương Tây giáng xuống nền kinh tế Nga đã gây náo loạn thị trường dầu mỏ - mảng giao dịch hàng hoá lớn nhất thế giới hiện nay.

Bây giờ, các nhà lãnh đạo của nhóm G7 đang đề xuất lặp lại các cấm vận đó đối với thị trường giao dịch lớn thứ hai - vàng. Tuy nhiên, Bloomberg cho rằng phản ứng tương tự rất khó xảy ra.

Đầu tháng 5, Chủ tịch Uỷ ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen lần đầu gợi ý trừng phạt dầu thô của Nga. Một tháng sau, gói trừng phạt mới chính thức được ban hành. Trong giai đoạn này, giá dầu Brent đã tăng khoảng 14% - cao hơn cả con số 8,4% tính từ thời điểm quân Nga động binh với Ukraine.

Trái ngược với dầu thô, vàng lại có một năm trầm lắng hơn. Tính từ cuối tháng 2, giá kim loại quý này đã mất 3,9%. Dù Nga là nhà sản xuất vàng lớn thứ ba thế giới, các lệnh cấm nhập khẩu dự kiến được G7 công bố trong tuần này khó có thể đảo ngược diễn biến trên thị trường vàng.

 

Trong một năm bình thường, Nga chiếm khoảng 12% lượng dầu thô xuất khẩu của thế giới. Hầu hết mọi thùng dầu được khai thác đều được tiêu thụ hết trong một năm, nhà nhập khẩu khó có thể tác động đến dự trữ dầu thô từ ba tháng trở lên, và dĩ nhiên là cả giá dầu.

Trong khi đó, vàng - vì giá cả và độ đậm đặc của nó, có thể dễ dàng tích trữ hơn. Người ta có thể đặt đủ lượng vàng thỏi để mua 1 triệu thùng dầu thô trên một chiếc bàn ăn 6 ghế ngồi điển hình.

Do đó, tồn kho của kim loại quý này là rất lớn. Hiện, dự trữ vàng trên toàn cầu đạt khoảng 205.000 tấn và mỗi năm các nhà khai thác có thể bổ sung thêm 3.500 tấn khác, hãng tin Bloomberg ước tính.

Trong một năm bình thường, khoảng 25% lượng vàng tiêu thụ trên thế giới đến từ việc bán hoặc nấu chảy trang sức, tiền xu,.... Con số này có thể tăng lên khi nguy cơ thiếu hụt nguồn cung bổ sung từ các mỏ khai thác gây áp lực lên giá vàng.

Nga chắc chắn là một tay chơi lớn trên thị trường kim loại quý. Sản lượng vàng của nước này vào năm ngoái là 300 tấn, chỉ xếp sau Trung Quốc và Australia, và chiếm khoảng 10% tổng sản lượng toàn cầu.

Tuy nhiên, đối với thương mại toàn cầu, sản lượng không phải yếu tố quyết định mà là xuất khẩu ròng. Trên cơ sở này, Nga chỉ là “hạt cát trên sa mạc” và một lệnh cấm vận đối với vàng của Nga nhiều khả năng sẽ không làm rung chuyển thị trường.

 

Thặng dư thương mại vàng cộng dồn của Nga trong 10 năm qua lên tới 60,38 tỷ USD nhưng vẫn thấp hơn so với 60,65 tỷ USD mà Nhật Bản kiếm được bằng cách bán bớt lượng vàng do tư nhân và nhà nước nắm giữ, dù quốc gia châu Á này chỉ có duy nhất một mỏ khai thác đang hoạt động.

Tương tự, Hong Kong cũng là nhà xuất khẩu vàng ròng lớn hơn so với Trung Quốc - quốc gia đang là nhà sản xuất vàng số một thế giới. Tất cả là nhờ vào vai trò “đường dẫn” dòng vốn nước ngoài vào đại lục của Hong Kong.

Thêm một vài lý do khác

Ở một nền kinh tế ngày càng “hướng nội” như Nga thì nhu cầu của người dân trong nước cũng đã đủ để tiêu thụ hết lượng vàng khai thác mỗi năm.

Sau vụ Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine năm 2014, các nhà khai thác vàng của Nga đã bị cấm xuất khẩu, do đó ngân hàng trung ương nước này (RCB) chính là đơn vị duy nhất có thể bán vàng thỏi ra nước ngoài, theo Bloomberg.

Mặt khác, hầu như vàng được sản xuất trong nước đều được RCB thu mua để phòng hờ kịch bản Nga bị cô lập hơn nữa khỏi thị trường tài chính quốc tế. Từ con số 1.035 tấn trước vụ Crimea, dự trữ vàng của RCB hiện đã tăng hơn hai lần lên 2.302 tấn.

Một cơ sở đúc vàng. (Ảnh: Reuters).

Đến năm 2020, lệnh cấm xuất khẩu vàng mà phương Tây áp đặt cho Nga mới được gỡ bỏ. Kể từ đó, nguồn cung vàng của Nga chắc chắn đã gia tăng đáng kể ảnh hưởng trên thị trường toàn cầu.

Tuy nhiên, dù vàng là một hàng hoá tương đối đặc biệt, yếu tố quyết định diễn biến của thị trường kim loại quý này không phải là nguồn cung vàng thỏi mới chế biến mà là bối cảnh kinh tế vĩ mô.

Tuy trong tương lai nguồn vàng từ Nga có thể ít hơn, nhưng chi phí cơ hội của việc mua một tài sản trú ẩn (không có lợi suất) như vàng cũng rất cao, đặc biệt là ngay tại thời điểm lạm phát giá tiêu dùng ở Mỹ đã tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước và lãi suất đang hướng tới mức cao so với năm 2008.

Ngoài ra, trong một năm bình thường, các quỹ ETF sẽ giao dịch khoảng 500 tấn vàng, qua đó tác động tới giá vàng. Con số này hẳn sẽ có ảnh hưởng đến thị trường kim loại quý hơn là 300 tấn vàng của Nga mà G7 dự tính sẽ cấm vận.

 

Chưa kể, các nhà nhập khẩu ròng lớn nhất - gồm Trung Quốc, Ấn Độ và UAE, sẽ không ký tên vào các biện pháp trừng phạt của G7. Vì lẽ đó, đề xuất mới nhất của nhóm các nền kinh tế phát triển nhất thế giới có lẽ sẽ không khiến Nga hề hấn gì.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/them-mot-de-xuat-vo-nghia-cua-phuong-tay-cam-nhap-khau-vang-cua-nga-2022629174018440.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/