Thế giới Di động: Kì vọng vào mùa mua sắm cuối năm và cải thiện chuỗi Bách hóa Xanh

Trong 8 tháng đầu năm, CTCP Đầu tư Thế giới Di động mới chỉ thực hiện 63% kế hoạch doanh thu cả năm. Tuy nhiên quí cuối năm là mùa mua sắm bận rộn nên công ty vẫn có nhiều khả năng đạt hoặc vượt kế hoạch đề ra. Chuỗi Bách hóa Xanh được dự báo vẫn lỗ trong năm nay nhưng triển vọng có điểm sáng.

MWG self (2)

Một cửa hàng Điện máy Xanh tại Hà Nội của CTCP Đầu tư Thế giới Di động. Ảnh: Y Vân.

Trong 8 tháng đầu năm 2019, CTCP Đầu tư Thế giới Di Động (Mã: MWG) ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất 68.855 tỉ đồng, tăng 17% so với cùng kì. Lợi nhuận sau thuế đạt 2.697 tỉ đồng, tăng 37%.

Như vậy, Thế giới Di Động đã thực hiện được 63% kế hoạch doanh thu và 76% kế hoạch lợi nhuận sau thuế cả năm.

Theo phân tích của CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), mùa cao điểm mua sắm điện thoại, điện máy thường rơi vào quí 4 hàng năm và do vậy MWG hoàn toàn có cơ hội đạt hoặc vượt kế hoạch kinh doanh đã đề ra.

Trong quá khứ, doanh thu 8 tháng năm 2018 cũng chỉ bằng 68% cả năm, con số này cho năm 2017 là 64%. Kết thúc cả hai năm này, MWG đều vượt kế hoạch doanh thu năm.

Thế giới Di động: Kì vọng vào mùa mua sắm cuối năm và cải thiện chuỗi Bách hóa Xanh - Ảnh 2.

Kết quả kinh doanh 8 tháng của MWG. Nguồn: Thế giới Di Động.

Theo VDSC, điểm đáng chú ý là tăng trưởng lợi nhuận sau thuế vượt khá xa mục tiêu ban đầu và số lượng cửa hàng cũng đã chạm mốc kế hoạch cả năm. Ngoài đà phát triển mạnh của chuỗi Bách hóa Xanh, kết quả trên còn đến từ sự cải thiện hiệu quả từ hai chuỗi Thế giới Di động (TGDĐ) và Điện máy Xanh (ĐMX).

Đẩy mạnh chuyển đổi và mở mới chuỗi Điện máy Xanh

Theo báo cáo kết quả kinh doanh 8 tháng của MWG, công ty tiếp tục chuyển đổi các cửa hàng TGDĐ có tiềm năng sang cửa hàng ĐMX mini. Từ khi công ty bắt đầu quá trình chuyển đổi này vào tháng 1/2018 đến nay đã có hơn 70 cửa hàng TGDĐ được chuyển đổi. Cùng với đó, hoạt động mở mới chuỗi ĐMX được đẩy mạnh.

Nếu loại trừ các cửa hàng ĐMX mini được chuyển đổi từ TGDĐ thì trong 8 tháng đầu năm nay, MWG đã mở mới 134 siêu thị ĐMX, cao hơn đáng kể so với con số 68 trong cả năm 2018. 

Theo VDSC, diễn biến này cho thấy MWG sẽ tiếp tục đẩy mạnh ĐMX chứ không chỉ trông chờ vào chuỗi Bách hóa Xanh để duy trì tăng trưởng của tập đoàn.

269%20v2

Cơ cấu doanh thu hàng tháng của MWG. Nguồn: VDSC, MWG.

Chiến lược đa dạng hóa ngành hàng của MWG cũng đang đem lại kết quả khả quan. Lũy kế 8 tháng, MWG đã bán gần 18 triệu sản phẩm hàng gia dụng và dụng cụ nhà bếp, thu về 5.100 tỉ đồng,  tương đương 7,4% tổng doanh thu.

Các mặt hàng đồng hồ và mắt kính mới được thử nghiệm bán tại một số cửa hàng và mang lại 250 tỉ đồng doanh thu. 

Theo VDSC, đây là các mặt hàng có biên lợi nhuận cao (nhất là đồng hồ, mắt kính và hàng gia dụng private label), tương đối dễ bán và không bị lỗi mốt theo thời gian như hàng điện máy, điện thoại. Tận dụng khả năng bán chéo tại các cửa hàng hiện hữu là chiến lược hợp lí trong bối cảnh mặt hàng điện thoại đang chững lại.

Bách hóa Xanh vẫn lỗ nhưng có triển vọng khả quan

Doanh thu trung bình tháng/cửa hàng của Bách hóa Xanh duy trì ở khoảng 1,5 tỉ đồng liên tiếp trong ba tháng. VDSC nhận định doanh thu chuỗi này có thể đã đạt mức tối ưu đối với diện tích và cơ cấu hàng hóa hiện tại.

Tập trung hiện tại của MWG nằm ở việc cải thiện biên lợi nhuận qua lợi thế qui mô và tối ưu khâu mua hàng. Theo ước tính của VDSC, Bách hóa Xanh sẽ mang lại lợi nhuận cho MWG từ năm 2020, còn trong năm nay chuỗi này vẫn sẽ lỗ hơn 600 tỉ đồng, nhỉnh hơn so với con số lỗ 570 tỉ đồng năm 2018.

269%20v3

Số cửa hàng và doanh thu hàng tháng mỗi cửa hàng Bách hóa Xanh. Nguồn: MWG, VDSC.

Biên lợi nhuận ròng 8 tháng 2019 được cải thiện lên mức 3,9%, so với mức 3,35% cùng kì năm ngoái. Theo VDSC, việc biên lợi nhuận của một doanh nghiệp bán lẻ tăng gần 0,6 điểm % là rất đáng kể, tương đương với khoảng 600 tỉ đồng (doanh thu dự phóng năm 2019 gần 100.000 tỉ đồng), hay xấp xỉ 20% lợi nhuận sau thuế năm 2018.

VDSC cho rằng biên lợi nhuận của MWG nhiều khả năng sẽ tiếp tục được cải thiện trong thời gian tới nhờ 4 yếu tố.

Thứ nhất là tăng tỉ trọng đóng góp các mặt hàng có biên lãi cao như đồng hồ, mắt kính, hàng gia dụng. 

Thứ hai là doanh thu cửa hàng hiện hữu tăng nhờ chuyển đổi mô hình, trong khi định phí không tăng đáng kể. Thứ ba là tăng biên lợi nhuận của chuỗi BHX nhờ lợi thế qui mô và tối ưu chi phí. 

Và cuối cùng là thuế suất thu nhập doanh nghiệp thực tế của MWG sẽ giảm trong 2 năm 2020 và 2021 do lỗ lũy kế các năm trước của BHX sẽ được khấu trừ vào thu nhập chịu thuế trong các năm sau.

Theo VDSC, giai đoạn cổ phiếu MWG tăng giá mạnh trong quá khứ cũng là thời gian mở rộng ồ ạt chuỗi ĐMX từ năm 2016 đến đầu năm 2018. Trong một năm sau đó giá cổ phiếu chững lại khi số lượng cửa hàng ĐMX bắt đầu đi ngang, cùng với những hoài nghi về khả năng thành công của chuỗi thực phẩm Bách hóa Xanh.

269%20v4

Diễn biến giá cổ phiếu MWG và số cửa hàng theo từng chuỗi. Nguồn: MWG, VDSC.

Từ đầu năm 2019 đến nay, cả ĐMX và đặc biệt là Bách hóa Xanh bắt đầu gia tăng mạnh về số lượng, giá cổ phiếu MWG cũng tiếp tục tăng vọt. VDSC cho rằng chu kì tăng giá mới của cổ phiếu MWG đang bắt đầu bắt đầu khi Bách hóa Xanh đang trong giai đoạn tăng tốc mở mới cửa hàng.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/the-gioi-di-dong-ki-vong-vao-mua-mua-sam-cuoi-nam-va-cai-thien-chuoi-bach-hoa-xanh-20191006232350704.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/