Thăng hoa rồi suýt sạt nghiệp vì thương lái Trung Quốc, nữ giám đốc công ty đồ gỗ mĩ nghệ rút ra bài học quý

Từng mải miết sản xuất đồ gỗ kiểu "hàng chợ" để phục vụ nhu cầu của thương lái Trung Quốc, một nữ doanh nhân ở làng nghề Đồng Kị suýt phá sản khi thương lái Trung Quốc ngừng mua hàng.

Sinh ra và lớn lên tại làng đồ gỗ mĩ nghệ Đồng Kị ở huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, Vũ Thị Mai thành lập công ty TNHH Đồ gỗ Mĩ nghệ Hướng Mai vào năm 2002. Ban đầu công ty chuyên sản xuất "hàng kĩ" (đồ gỗ có độ tinh xảo cao, mất nhiều thời gian và công sức). Đến năm 2003, công việc kinh doanh đã phát triển khá ổn định.

Vu Thi Mai

Bà Vũ Thị Mai, tổng giám đốc công ty TNHH Đồ gỗ Mĩ nghệ Hướng Mai. Ảnh: Công ty Hướng Mai.

Thuận lợi ban đầu

Năm 2005, nhiều thương lái Trung Quốc tới làng Đồng Kị để mua buôn đồ gỗ mĩ nghệ. Yêu cầu của họ về sản phẩm rất đơn giản và họ trả tiền ngay. Vì thế, cả làng bỏ "hàng kĩ" để chuyển sang sản xuất "hàng dễ" cho thương lái Trung Quốc. Trong hai năm 2006 và 2008, để chuẩn bị cho Thế vận hội Bắc Kinh 2008, sức mua của thương lái Trung Quốc tăng vọt vì họ muốn đầu cơ nhân sự kiện thể thao tầm cỡ quốc tế này. Cả làng đua nhau vay ngân hàng hoặc vay các tổ chức tín dụng để mua gỗ.

"Hôm nay chúng tôi xẻ cây gỗ, ngày mai nó đã trở thành sản phẩm và lên xe để giao cho khách. Chúng tôi gần như không có hàng để mà bán. Hồi ấy chúng tôi kiếm tiền dễ lắm", ông Chử Văn Hướng, chồng bà Vũ Thu Mai, kể.

Vì cung lớn hơn cầu, các cơ sở sản xuất trong làng Đồng Kị đều sản xuất tràn lan, không cần kế hoạch. Nhiều lúc, lượng sản phẩm mà công ty Hướng Mai sản xuất gấp tới 15 lần so với yêu cầu của khách hàng. 

Cơn bĩ cực ập xuống bất ngờ

Công việc kinh doanh đang suôn sẻ bỗng trở nên ảm đạm bởi khủng hoảng tài chính năm 2008. 

"Đang giao dịch tấp nập, bỗng dưng chỉ trong thời gian ngắn, thương lái Trung Quốc không sang nữa và cũng ngừng mọi giao dịch. Hàng tồn chất đống khiến cả làng lao đao vì nhiều người vay rất số tiền rất lớn để sản xuất", ông Hướng nói.

Giá mọi sản phẩm đồ gỗ đều giảm ít nhất một nửa. Các xưởng sản xuất ở làng Đồng Kị đồng loạt ngừng hoạt động hoặc đổi nghề. Thậm chí một số chủ cơ sở còn phá sản.

Nợ, lãi ngân hàng lên tới hàng chục tỉ đồng, trong khi ông Hướng, bà Mai vẫn phải trả lương cho thợ. Nếu không tiếp tục sản xuất đồ gỗ mĩ nghệ, họ không biết làm gì để mưu sinh. Ông Hướng và bà Mai thảo luận với nhau nhiều lần, nhưng không tìm ra giải pháp khiến không khí trong gia đình luôn nặng nề. Trong cơn bĩ cực, nhiều khách hàng "ruột" còn quay lưng với hai vợ chồng vì họ không thích những sản phẩm "hàng chợ" mà công ty sản xuất.

huong mai 2

Đồ gỗ của công ty Hướng Mai có độ tinh xảo cao, khiến mọi khách hàng coi đó là tài sản có giá trị. Ảnh: Công ty Hướng Mai.

Những lời chê của khách hàng thân thiết khiến bà Mai bừng tỉnh. Bà nhận thấy rằng, khi thuận lợi, người ta hiếm khi suy ngẫm về những việc cần làm. Khi lâm hoạn nạn và trả giá, người ta mới tỉnh ngộ và nhận ra rất nhiều điều.

"Lúc ấy tôi nhận ra công ty phải quay lại giá trị cốt lõi của nghề. Đó là sản xuất hàng thực sự đẹp, chất lượng", bà Mai hồi tưởng.

Quyết tâm quay lại với sản phẩm đẹp và tinh xảo

Dù không còn vốn, bà Mai vẫn thuyết phục ông Hướng quay lại chiến lược kinh doanh trước đây: Sản xuất hàng chất lượng. Bà yêu cầu thợ dành hết tâm huyết cho từng sản phẩm, không cần quan tâm tới thời gian, miễn là sản phẩm phải đẹp.

"Thay vì chế tác 3 bộ đồ gỗ trong một tháng như trước đây, chúng tôi sẵn sàng dành tới 3 tháng chỉ để sản xuất một bộ. Thậm chí nhiều sản phẩm cần tới một năm để hoàn thành. Bù lại, mọi sản phẩm đều hội tụ những đường nét tinh tế, trau chuốt", bà nói.

Sau khoảng một năm, những khách hàng cũ trong nước mới quay trở lại và họ hưởng ứng sự chuyển hướng chiến lược của công ty Hướng Mai. Đơn hàng tăng dần và đến nay, doanh thu và lợi nhuận đã trở lại mức vượt cả thời kỳ hoàng kim.

"Ngẫm lại, tôi thấy cuộc khủng hoảng năm 2008 là sự may mắn. Bởi nếu nó không xảy ra, công ty sẽ không dừng lại và chắc vẫn đang đối mặt tương lai bấp bênh vào thời điểm hiện tại. Giờ đây, sản phẩm của chúng tôi đủ chất lượng để mọi khách hàng coi chúng là tài sản giá trị", bà Mai thổ lộ.

Hiện tại, công ty Hướng Mai sở hữu 5 xưởng sản xuất nhỏ, một nhà máy có diện tích 3.000 m2, một showroom có diện tích 9.000 m2, một showroom 7 tầng có diện tích 2.100 m2. Số lượng nhân sự của nhà máy vào khoảng 300 người và đa số họ có gốc gác nông dân.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/thang-hoa-roi-suyt-sat-nghiep-vi-thuong-lai-trung-quoc-nu-giam-doc-cong-ty-do-go-mi-nghe-rut-ra-bai-hoc-quy-20190614143858749.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/