Thái Lan có động thái củng cố ngôi vương sau khi Việt Nam được phép xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc

Sau khi Việt Nam chính thức gia nhập đường đua xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc, Thái Lan đã tăng cường kiểm tra chất lượng sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc, đồng thời nâng tỷ lệ chín của sầu riêng để tăng sức cạnh tranh, đáp ứng với thị hiếu người tiêu dùng.

Sau khi Việt Nam chính thức gia nhập đường đua xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc vào ngày 19/9 vừa qua, phía Thái Lan đã có một số động thái củng cố vị thế nhà xuất khẩu sầu riêng số 1 tại thị trường tỷ dân này.

Cụ thể, tờ Bangkok Post đưa tin đầu tháng 9, một trạm kiểm dịch thực vật Mukdahan (Thái Lan) yêu cầu xe chở 38 tấn sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc qua Lào phải quay đầu vì không đủ tiêu chuẩn, sầu riêng chưa chín và bị nhiễm sinh vật gây hại. Ngoài ra, chính quyền Thái Lan cũng phát hiện và xử phạt nặng với một số thương nhân gian dối trong xuất xứ hàng hóa.

Trong bối cảnh nhiều quốc gia châu Á như Việt Nam, Malaysia, Lào, Campuchia và Philippines đang tiếp cận thị trường Trung Quốc thì những vụ việc trên có thể đe dọa đến uy tín và vị trí ngôi vương về sầu riêng của Thái Lan.

Thái Lan tăng cường kiểm tra đối với sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc. (Ảnh: The Phuket News

Trao đổi với người viết, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) khẳng định ở mảng sầu riêng, Thái Lan hiện đã không còn độc quyền ở thị trường Trung Quốc.

Gần đây nước này có động thái kiểm tra gắt gao hơn với những lô hàng xuất khẩu sang Trung Quốc về cả chất lượng, mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói… không để sản phẩm kém chất lượng ảnh hưởng đến uy tín của sầu riêng Thái Lan.

Ngoài ra, Thái Lan cũng bắt đầu khuyến cáo và hướng dẫn người dân thu hoạch sầu riêng đúng thời điểm để làm sao khi đến tay người tiêu dùng Trung Quốc quả sẽ chín mềm, dậy mùi, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng nước này.

“Những ai cắt sầu riêng non quá sẽ bị phạt, thậm chí truy tố trách nhiệm hình sự. Họ làm rất gắt để bảo vệ thương hiệu sầu riêng Thái Lan”, ông Nguyên nói.

Theo đại diện Vinafruit, trước đây sầu riêng Thái Lan xuất khẩu sang Trung Quốc chỉ chín 75-80% vì phải vận chuyển xa nên múi sầu hơi sượng. Trong khi đó, sầu riêng Việt Nam thu hoạch khi chín 85-90% cộng với quãng đường gần, vận chuyển nhanh nên múi mềm và thơm, được lòng người tiêu dùng Trung Quốc.

“Việc Thái Lan nâng tỷ lệ chín của sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc là tự tạo ra thách thức cho Việt Nam ở khía cạnh logistics. Tuy nhiên, nước này lại có công nghệ bảo quản hiện đại, cấp đông cả quả hoặc múi sầu riêng bằng nitơ lỏng, kỹ thuật này giúp cấp đông nhanh, giữ được hương vị”, ông Nguyên cho biết.

Sở dĩ, chính quyền Thái Lan phải có những động thái mạnh tay và kịp thời khi phát hiện hàng kém chất lượng bởi ngành hàng sầu riêng mang lại cho nước này kim ngạch xuất khẩu khủng.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, năm 2021 nước này nhập khẩu 821.600 tấn sầu riêng, tương đương 4,2 tỷ USD, tăng 42,7% về lượng và tăng 82,4% về giá trị so với năm 2020. Với con số này, kim ngạch nhập khẩu sầu riêng của Trung Quốc năm 2021 đã gấp 4 lần năm 2017 và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong năm 2022, theo Global Times.

Trong đó, kim ngạch nhập khẩu sầu riêng từ Thái Lan khoảng 3,14 tỷ USD, chiếm gần 75% tổng kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của Trung Quốc. Dự kiến năm 2022, xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc có thể mang lại cho Thái Lan kim ngạch lên tới 3,5 tỷ USD.

Cơn sốt ở Trung Quốc trong 5 năm qua đã giúp thủ phủ sầu riêng Thái Lan hưởng lợi, kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng mạnh, từ 32,2 tỷ bath (khoảng 849 triệu USD) vào năm 2017 lên 187 tỷ bath (khoảng 4,9 tỷ USD) vào năm 2021.

Do vậy, sự gia nhập của Việt Nam vào thị trương sầu riêng khiến nước này phải dè chừng, nâng cao chất lượng để tăng sức cạnh tranh và đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng Trung Quốc.

“Người Thái đang rất lo lắng miếng bánh 3,5 tỷ USD sẽ bị chia nhỏ, lọt vào tay Việt Nam. Hiện nay, thị phần sầu riêng của Việt Nam ở Trung Quốc còn khá khiêm tốn song với sản lượng, chất lượng thì chúng ta hoàn toàn có thể cạnh tranh với Thái Lan.

Điều quan trọng là doanh nghiệp và người trồng phải uy tín và đảm bảo quy định của Trung Quốc về an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật…”, đại diện Vinafruit nhận định.

 Người tiêu dùng Trung Quốc ưa thích sầu riêng chín mềm, dậy mùi thơm. (Ảnh: Asia Times)

Ông Nguyên cho rằng Việt Nam cần học hỏi Thái Lan ở cách xây dựng, bảo vệ thương hiệu sầu riêng, từng doanh nghiệp sẽ phải xây dựng thương hiệu cho riêng mình, từ đó sẽ hình thành thương hiệu quốc gia.

Ngoài ra, các cơ quan chức năng từ Sở NN&PTNT, Cục kiểm dịch Thực vật, Hải quan cần phối hợp giám sát chặt khâu kiểm tra hàng hóa xuất khẩu thì mới có thể đảm bảo chất lượng như cam kết. Đồng thời, xử lý nghiêm các trường hợp giả mạo, gian lận mã số vùng trồng, tạo uy tín với thị trường.

Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết Việt Nam có hơn 85.000 ha trồng sầu riêng (50% đã cho thu hoạch), trong đó diện tích sầu riêng được Trung Quốc phê duyệt mới chỉ chiếm hơn 3,5%.

Nếu tính thêm phần diện tích sầu riêng đã nộp hồ sơ mã số vùng trồng chờ Trung Quốc phê duyệt lần 2 thì tổng diện tích cũng chỉ mới đạt khoảng 7%, rất nhỏ so với toàn bộ diện tích ngành hàng sầu riêng Việt Nam.

Trong 25 nhà đóng gói sầu riêng được Trung Quốc phê duyệt, 20 doanh nghiệp đã có hợp đồng xuất khẩu sang Trung Quốc với lượng xuất khẩu hằng năm lên đến 1,3 triệu tấn, gấp nhiều lần sản lượng mà các vùng trồng có thể cung cấp.

Như vậy, thị trường Trung Quốc đang khá rộng mở với sầu riêng Việt Nam. Dự kiến vào thời điểm chính vụ vào tháng 3-7/2022, sản lượng sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ cao hơn, đặc biệt khi hạn hán ở Trung Quốc ảnh hưởng đến vùng trồng cây ăn trái của nước này.

Với những diễn biến tích cực ở phía thị trường Trung Quốc, đại diện Vinafruit cho rằng xuất khẩu sầu riêng và rau quả sẽ bùng nổ trong năm 2023.

Theo Tổng cục Hải quan Việt Nam, 6 tháng đầu năm xuất khẩu sầu riêng đạt 84 triệu USD, tăng 90% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 2,8 triệu USD, tăng 123%. 

Hiện, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã phê duyệt cho 25 mã số cơ sở đóng gói, 51 mã số vùng trồng đủ điều kiện xuất khẩu vào quốc gia này. 

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/thai-lan-co-dong-thai-cung-co-ngoi-vuong-sau-khi-viet-nam-duoc-phep-xuat-khau-sau-rieng-sang-trung-quoc-202292716530542.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/