Tàu hàng lũ lượt đi vòng qua Mũi Hảo Vọng, tàu hút cát tụ hội về Suez

Vì nỗ lực giải cứu trên kênh Suez trong những ngày qua hầu như không đạt được tiến triển nào nên nhiều tàu vận tải hàng hóa đã quyết định đi đường vòng qua Nam Phi chứ không chờ đợi Suez được khai thông.

Tàu hàng lũ lượt đi vòng qua Mũi Hảo Vọng, tàu hút cát tụ hội về Suez - Ảnh 1.

Nhiều tàu thuyền chọn đi qua Mũi Hảo Vọng ở Nam Phi thay vì đợi kênh đào Suez được khai thông. (Nguồn: MarineTraffic.com).

Tàu hàng tìm lối đi khác

Bloomberg dẫn số liệu của công ty dịch vụ hàng hải Shipping Services cho biết hiện có 352 tàu hàng đang đợi ở hai đầu kênh Suez cũng như trong Hồ Great Bitter ở giữa kênh.

Trong 24 giờ tới, sẽ có thêm 23 tàu nữa đến khu vực kênh đào Suez để chờ được đi qua. Con kênh đào này dài 193 km, các tàu vận tải lớn phải di chuyển tương đối chậm nên thời gian để đi hết tuyến đường thủy huyết mạch này thường lên tới 12 – 15 giờ.

Tập đoàn vận tải biển lớn nhất thế giới là A.P. Moller-Maersk của Đan Mạch đã cảnh báo các khách hàng của mình rằng có thể phải mất từ 3 đến 6 ngày để các tàu đang đứng đợi hiện nay được đi hết qua kênh đào Suez. Riêng Moller-Maersk và các đối tác của hãng đã có tới 27 tàu đợi quanh khu vực Suez.

"Chúng tôi đã thay đổi hành trình của 15 tàu. Trong quá trình đánh giá tiến độ giải cứu, năng lực tiếp nhận tàu của Suez và nhiên liệu còn lại trên các tàu của mình, chúng tôi có thể sẽ chuyển hướng thêm nhiều tàu nữa", Moller-Maersk cho hay.

Theo hãng tin AP, tập đoàn vận tải biển lớn nhì thế giới là Mediterranean Shipping cũng thông báo đã chuyển hướng ít nhất 11 tàu từ Suez đi qua Mũi Hảo Vọng của Nam Phi. Hai tàu khác của hãng này phải quay trở lại cảng xuất phát. Hãng cũng dự báo "một số đơn hàng sẽ không thể được thực hiện vì sự cố ở Suez".

"Mediterranean Shipping dự báo tình trạng tắc nghẽn ở Suez sẽ có tác động rất đáng kể đối với dòng chảy hàng hóa bằng container, làm đứt gãy chuỗi cung ứng trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vốn dĩ đã tạo ra vô vàn thách thức", công ty này cho hay.

Tàu hàng lũ lượt đi vòng qua Mũi Hảo Vọng, tàu hút cát tụ hội về Suez - Ảnh 2.

Các chuyên gia ước tính quá trình giải cứu Ever Given sẽ kéo dài nhiều tuần. Kể cả sau khi Suez được khai thông trở lại thì chuỗi cung ứng và giao thương toàn cầu cũng chưa thể quay về trạng thái trước sự cố.

Lịch trình chạy tàu được sắp xếp cẩn thận từ nhiều tháng trước sẽ phải thay đổi đồng loạt do hàng trăm tàu bị mắc kẹt ở Suez hoặc tốn thêm thời gian đi đường vòng.

Hiện nay, nhiều tàu đang bị chôn chân ở Suez, nhân viên tại các cảng đang rảnh rỗi. Một khi Suez lưu thông trở lại, các tàu ùn ùn đi qua và cập bến gần như cùng lúc, các cảng lại bị quá tải và ùn tắc cục bộ.

Tàu lai dắt, nạo vét tìm về Suez

Theo Reuters, ông Osama Rabie - Chủ tịch Cơ quan quản lý kênh Suez thông tin về nỗ lực giải cứu tàu Ever Given mắc cạn như sau: "Chúng tôi đang chia một ngày thành hai nửa, 12 giờ để các tàu nạo vét hoạt động và 12 giờ để các tàu lai dắt vận hành. Nguyên nhân là không phải lúc nào điều kiện thủy triều cũng phù hợp cho tàu lai dắt".

Ông cho biết thêm là hiện có tới 14 tàu lai dắt được triển khai tại hiện trường nơi Ever Given mắc cạn. Trong đó, hai tàu Alp Guard và Carlo Magno mới đến Suez vào sáng Chủ nhật (28/3).

Tàu lai dắt có động cơ cực khỏe và được thiết kế đặc biệt để đẩy, kéo các tàu nặng và lớn hơn mình rất nhiều. Khi các siêu tàu vận tải muốn ra vào cảng, quay đầu hay chuyển hướng trong vùng nước hẹp đều nhất thiết phải có sự giúp sức của tàu lai dắt.

Các tàu nạo vét cũng có mặt để dọn bớt đất cát tích tụ quanh thân của Ever Given. Cơ quan quản lý kênh Suez cho biết đến nay các tàu nạo vét đã hút được 27.000 m3 cát và chạm được tới độ sâu 18 m.

Ever Given chắn gần như hoàn toàn chiều ngang của Suez nên các loại trầm tích ở đáy kênh tích tụ ngày càng nhiều ở mạn trái của tàu, khiến tình trạng mắc cạn thêm nghiêm trọng. Đội cứu hộ phải làm việc thật khẩn trương vì càng để lâu, nỗ lực giải cứu sẽ càng gặp khó khăn. 

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/tau-hang-lu-luot-di-vong-qua-mui-hao-vong-tau-hut-cat-tu-hoi-ve-suez-20210328231947779.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/