Tân Hoàng Minh lập kỷ lục đấu giá đất và bỏ cọc: Góc nhìn của luật sư về xu hướng ngược trong đấu giá tài sản

Theo Luật sư Trần Minh Hải, trong trường hợp đây là một vụ đấu giá thông thường, Tân Hoàng Minh sẽ mất số tiền đã đặt cọc (khoảng 600 tỷ đồng). Tuy nhiên, nếu sự việc có dấu hiệu gây cản trở quá trình đấu giá thì cơ quan chức năng có quyền xem xét và cần phải xử lý để tạo tiền đề.

Tân Hoàng Minh bỏ cọc

Sự kiện Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt, thành viên Tập đoàn Tân Hoàng Minh, lập kỷ lục đấu giá đất Thủ Thiêm với 2,45 tỷ/m2 chưa ngừng dậy sóng dư luận trong thời gian qua thì mới đây, phía Tân Hoàng Minh bất ngờ xác nhận xin bỏ cọc.

Theo quy chế đấu giá, Tân Hoàng Minh phải hoàn tất nghĩa vụ nộp 50% số tiền trúng đấu giá sau 30 ngày, tức doanh nghiệp phải nộp hơn 12.000 tỷ đồng vào ngày 10/1. Số tiền này lớn hơn nhiều so với vốn doanh nghiệp huy động được vào năm ngoái. 

Trao đổi với người viết, Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật Basico, đánh giá có hai góc nhìn liên quan đến sự kiện lần này, trước hết là nhìn sự việc theo một vụ việc đấu giá thông thường, chỉ dừng lại ở việc doanh nghiệp tham gia đấu giá không đủ năng lực và sau đó bỏ cọc.

Ở trường hợp này, doanh nghiệp đã vi phạm quy chế đấu giá, phải chịu trách nhiệm khi không thực hiện được nghĩa vụ theo quy chế đấu giá, tức sẽ mất cọc (tương đương khoảng 600 tỷ đồng).

Mặt khác, nhóm Tân Hoàng Minh đã đưa ra kết quả trúng giá rất cao, khiến những nhà đầu tư khác không dám đặt lệnh và loại những nhà đầu tư này ra khỏi cuộc chơi. Luật sư Hải cho rằng, đến giờ phút này có thể khẳng định giá trúng của nhóm Tân Hoàng Minh không phù hợp với thị giá tại thời điểm doanh nghiệp tham gia đấu giá và chính doanh nghiệp cũng không thực hiện được lệnh mà mình đặt ra.

Ở góc nhìn thứ hai, Luật sư Trần Minh Hải cho rằng nếu ngay từ đầu doanh nghiệp tham gia đấu giá không có ý định, chủ đích tham gia đấu giá theo quy định nhưng vẫn tiến hành thì gây ảnh hưởng đến các chính sách về đất đai và ảnh hưởng đến quyền lợi của những nhà đầu tư khác cùng tham gia đấu giá. 

Trước đó tại phiên đấu giá ngày 10/12, ông Đỗ Anh Dũng, đại diện nhóm Tân Hoàng Minh, đã mạnh tay đưa ra những bước giá lớn gấp nhiều lần so với đối thủ và trúng đấu giá lô đất 3-12 (10.060 m2) với giá 24.500 tỷ đồng, tương đương hơn 2,45 tỷ đồng/m2 - một mức giá mà cả giới đầu tư và giới chuyên gia đều đưa ra nhận định là "điên rồ", "không tưởng".

Theo Luật sư Hải, "đằng sau cuộc đấu giá này có thể có tác động từ những yếu tố thiếu khách quan như năng lực tài chính của những người tham gia đấu giá, lệnh đặt vượt quá giá trị thị trường, qua đó ảnh hưởng đến các chính sách ổn định thị trường bất động sản. Thậm chí, các cơ quan chức năng vẫn có quyền xem xét nếu vụ việc này có dấu hiệu nghiêm trọng".

Xu hướng ngược trong đấu giá tài sản

Tân Hoàng Minh lập kỷ lục đấu giá và bỏ cọc: Góc nhìn của luật sư về xu hướng ngược trong đấu giá tài sản - Ảnh 2.

Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật Basico.

Cũng theo Luật sư Trần Minh Hải, từ trước đến nay, Luật đấu giá tài sản có đưa ra góc nhìn về các hành vi cấm trong đấu giá. Tuy nhiên, các hành vi nghiêm cấm tập trung quá nhiều về việc người tham gia đấu giá có hành vi dìm giá; thông đồng, móc nối để dìm giá xuống. 

Luật sư Trần Minh Hải cho rằng, "qua sự kiện trúng đấu giá và bỏ cọc của nhóm Tân Hoàng Minh lần này có thể thấy xu hướng ngược lại: Không phải dìm giá xuống mà đẩy giá lên, vượt qua giới hạn và cao bất ngờ so với thị trường.

Trong Luật đấu giá tài sản không có cơ sở cấm rõ ràng cho trường hợp đẩy giá lên như việc cấm dìm giá nên có chỉ có thể xem đây là hành vi cản trở hoạt động đấu giá tài sản nếu xác minh được doanh nghiệp tham gia đấu giá không có đủ năng lực tài chính và ngay từ đầu họ không hề có ý định đấu giá theo hướng trúng giá, khiến kết quả đấu giá vượt xa những người bỏ giá trước đó, khiến những nhà đầu tư có nhu cầu mua thật, muốn tham gia đấu giá thật bị loại khỏi cuộc chơi".

Luật sư Trần Minh Hải cũng cho biết thêm, quy chế đấu giá tài sản được thiết lập ngay từ đầu, bao gồm những nội dung bắt buộc nhưng không ai có thể cấm cản quy chế đấu giá đưa ra những nội dung khác. 

Trong đó, quy chế đấu giá có thể cụ thể hóa các trường hợp bị truất quyền tham gia đấu giá như trường hợp bên tham gia đấu giá có lịch sử cản trở quá trình đấu giá trong quá khứ. 

"Nếu xác định trường hợp có dấu hiệu cản trở quá trình đấu giá thì cần phải xử lý, tạo tiền đề cho những trường hợp sau, cũng như tránh những trường hợp luật chưa dự phòng quá cụ thể như sự kiện bất thường xảy ra lần này", Luật sư Trần Minh Hải nhận định.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/tan-hoang-minh-lap-ky-luc-dau-gia-dat-va-bo-coc-goc-nhin-cua-luat-su-ve-xu-huong-nguoc-trong-dau-gia-tai-san-20220111222122966.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/