Tại sao Signature Bank chỉ lỗ ròng hai năm đầu sau thành lập và được KPMG đánh giá là ổn định lại sụp đổ?

Trước khi sụp đổ vào cuối tuần trước, trong suốt 22 năm hoạt động, Signature Bank chỉ báo lỗ ròng duy nhất hai năm đầu sau khi thành lập.

Mối liên hệ với thị trường tiền điện tử được cho là nguyên nhân dẫn sự sụp đổ của Signature Bank. (Ảnh minh hoạ: Fox Business/Getty Images).

Cú sập gây “sửng sốt”

Hôm 10/3, hoảng loạn trước sự sụp đổ đột ngột của Silicon Valley Bank (SVB) - ngân hàng lớn thứ 16 của Mỹ - các khách hàng của Signature Bank đã rút ra hơn 10 tỷ USD tiền gửi.

Việc rút tiền gửi nhanh chóng đã dẫn đến vụ sụp đổ lớn thứ ba trong lịch sử ngành ngân hàng Mỹ. Hôm 12/3, các cơ quan quản lý tuyên bố đã tiếp quản Signature để bảo vệ người gửi tiền và sự ổn định của hệ thống tài chính Mỹ.

 

Cựu Hạ nghị sĩ Barney Frank, người từng giúp soạn thảo Đạo luật Dodd-Frank và hiện là thành viên hội đồng quản trị của Signature, cho biết các diễn biến gây bất ngờ trên khiến ban giám đốc sửng sốt.

Trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại với CNBC, ông Frank bày tỏ: “Chúng tôi không thấy nguy cơ nào cho đến khi người dân ồ ạt đến rút tiền gửi vào cuối ngày 10/3, đây hoàn toàn là hiệu ứng domino từ vụ SVB”.

Dù không quá tiếng tăm tại Phố Wall, SVB vẫn là một ngân hàng lớn trong lĩnh vực khởi nghiệp công nghệ tại Mỹ, trong khi Signature là một trong những ngân hàng có mối liên hệ với thị trường tiền ảo.

Tài chính ổn định

Signature được thành lập vào năm 2001 và đến nay đã có 40 chi nhánh. Theo báo cáo kiểm toán mới nhất do KPMG công bố 11 ngày trước khi Signature sụp đổ, tình hình kinh doanh của ngân hàng này đang ổn định.

Có một thông tin trùng hợp là 14 ngày trước khi SVB phải đóng cửa, KPMG cũng công bố báo cáo cho thấy sức khoẻ lành mạnh của SVB. Liệu KPMG có bỏ sót điều gì hay không sẽ là chủ đề của các cuộc điều tra về sau.

Tương tự với đánh giá của KPMG, báo cáo tài chính của Signature từ năm 2001 đều khá triển vọng, ngoại trừ hai năm đầu sau khi thành lập báo lỗ ròng.

 

Tính cả năm 2022, Signature ghi nhận lãi ròng là 1,33 tỷ USD - cao nhất kể từ khi thành lập. Lãi ròng năm ngoái tăng trưởng 46,1% so với con số 910 triệu USD năm trước đó.

Thu nhập lãi thuần (NII) trong năm 2022 đạt 2,45 tỷ USD, tăng 34%. Biên lãi thuần (NIM) vào khoảng 2,22%, cao hơn mức 1,96% của năm 2021.

Tổng tài sản của Signature cũng trong xu hướng đi lên, đạt 110,36 tỷ USD tại thời điểm cuối năm ngoái, tức là chỉ thấp hơn con số năm 2021 là 118,44 tỷ USD. Khi mới thành lập, tổng tài sản của Signature chỉ vào khoảng 500 triệu USD.

 

Xét về cơ cấu tài sản vào cuối năm 2022, trong khi khoản mục lớn nhất của SVB là chứng khoán đầu tư, thì khoản mục chiếm tỷ trọng lớn nhất của Signature là cho vay, sau đó đến chứng khoán đầu tư, tiền và tương đương tiền và tài sản khác.

Tỷ lệ nợ xấu là 0,25%. Giá trị trích lập dự phòng nợ xấu của Signature là 497 triệu USD, tương đương 0,66% tổng giá trị cho vay và cao hơn 2,7 lần so với quy mô nợ xấu.

 

Tại sao sụp đổ?

Signature là ngân hàng có mối liên hệ đáng kể với tiền điện tử. Đến cuối năm 2022, dù Signature đã giảm mức độ tiếp xúc với lĩnh vực này, tiền gửi liên quan tiền điện tử vẫn chiếm khoảng 20% lượng tiền gửi tại ngân hàng. Đồng thời, Signature cũng cho vay trong lĩnh vực tiền ảo.

Tương tự SVB, Signature cũng chịu ảnh hưởng nặng nề khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng mạnh lãi suất để khống chế lạm phát. Song, sự sụp đổ của hai ngân hàng vẫn có sự khác biệt.

Lãi suất của Fed khiến hoạt động đầu tư mạo hiểm và lĩnh vực công nghệ chững lại, buộc các startup phải rút tiền khỏi SVB để trang trải chi phí.

Vào năm 2021, SVB đã rót lượng tiền gửi lớn vào trái phiếu Kho bạc Mỹ. Lãi suất lên cao khiến giá trái phiếu giảm, nhưng ngân hàng buộc phải bán lỗ để lấy tiền trả cho khách hàng, dẫn đến vấn đề thanh khoản.

Trong khi đó, chu kỳ thắt chặt tiền tệ của Fed, cùng các chính sách kiểm soát của cơ quan quản lý, đã đẩy thị trường tiền điện tử vào khó khăn. Tính đến nay, giá bitcoin vẫn giảm hơn 60% so với mức đỉnh gần 65.000 USD vào tháng 11/2021.

Sự chao đảo của các công ty trong lĩnh vực tiền ảo là nguyên nhân dẫn đến việc Signature cùng một ngân hàng khác là Silvergate phải đóng cửa chỉ trong một tuần.

Trong báo cáo tài chính năm 2022, Signature cũng thừa nhận tổng tài sản sụt giảm so với năm 2021 chủ yếu là do “môi trường tiền ảo đã trở nên đầy thách thức”.

Ông Frank, thành viên hội đồng quản trị của Signature, lại cho rằng sự sụp đổ của ngân hàng này là do tâm lý hoảng loạn của nhà đầu tư đối với tiền ảo.

“Đến ngày 12/3, chúng tôi đã ổn định tình hình [vụ rút tiền ồ ạt]”, ông Frank nói. “Song, tôi tin rằng các cơ quan quản lý, đặc biệt là ở bang New York, muốn phát đi thông điệp là tiền điện tử rất độc hại”.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/tai-sao-signature-bank-chi-lo-rong-hai-nam-dau-sau-thanh-lap-va-duoc-kpmg-danh-gia-la-on-dinh-lai-sup-do-2023316161822375.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/