SVB Financial nộp đơn phá sản sau một tuần cầm cự

SVB Financial Group – công ty mẹ của ngân hàng Silicon Valley Bank – hôm 17/3 đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản từ tòa án.

Silicon Valley Bank là ngân hàng lớn thứ 16 nước Mỹ, tổng tài sản tại ngày cuối năm 2022 là 209 tỷ USD. (Ảnh tư liệu: Reuters).

Ngày 17/3, SVB Financial Group đã nộp đơn tới tòa án để được bảo hộ theo Chương 11 của Luật Phá sản Mỹ, Reuters cho hay. Tòa án sẽ theo dõi quá trình tái cơ cấu nợ của SVB Financial, đồng thời tìm người mua các tài sản của tập đoàn này.

Với tổng tài sản tại ngày cuối năm 2022 khoảng 212 tỷ USD, SVB Financial là vụ phá sản lớn thứ ba trong lịch sử nước Mỹ, sau Lehman Brothers và Washington Mutual Bank trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Đúng một tuần trước, vào ngày 10/3, ngân hàng Silicon Valley Bank – công ty con quan trọng nhất của SVB Financial – đã bị cơ quan quản lý bang California đóng cửa và Tổ chức Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) tiếp quản hoạt động để bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền. Đây là vụ sụp đổ ngân hàng thương mại lớn thứ hai trong lịch sử nước Mỹ, chỉ sau Washington Mutual Bank vào năm 2008.

Reuters dẫn lời ông Art Hogan, Giám đốc chiến lược thị trường tại B. Riley Wealth Management, nhận định: “Không thể biết chắc chắn có còn tin dữ nào nữa không, nhưng tôi đoán là đa phần các thông tin tiêu cực đã xuất hiện rồi”.

SVB Financial là vụ phá sản lớn thứ ba trong lịch sử nước Mỹ. Nếu chỉ tính các ngân hàng thương mại, SVB là vụ sụp đổ lớn thứ hai, chỉ sau Washington Mutual Bank vào năm 2008. Lehman Brothers là một ngân hàng đầu tư.

Hai ngân hàng địa phương khác của Mỹ cũng đã bị đóng cửa trong tháng 3 này là Silvergate và Signature Bank. Ngân hàng First Republic đứng bên bờ vực sụp đổ khi bị khách hàng rút tiền hàng loạt nhưng ngày 16/3 bất ngờ được 11 ngân hàng lớn khác cam kết giải cứu bằng cách gửi tổng cộng 30 tỷ USD tiền mặt trong thời gian ít nhất 120 ngày.

Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, ngân hàng lớn thứ hai của Thụy Sỹ là Credit Suisse cũng đang lao đao, một phần vì những dư chấn từ ngành ngân hàng Mỹ. Bên cạnh đó, việc cổ đông lớn nhất của Credit Suisse tuyên bố sẽ không góp thêm vốn cũng ảnh hưởng tới tâm lý nhà đầu tư.

Credit Suisse bị khách hàng rút tiền ồ ạt từ quý IV/2022. SVB bị rút tiền mạnh vào tháng 3/2023.

Khách hàng gửi tiền cũng như đi vay của SVB đa phần là các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cũng như lãnh đạo của các doanh nghiệp này.

Khi cần vốn, các công ty đến SVB để vay. Khi được các quỹ đầu tư mạo hiểm rót tiền mua cổ phần, doanh nghiệp sẽ mang số tiền mới nhận được đến gửi ở SVB để chi tiêu dần.

Khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất 8 lần liên tiếp trong giai đoạn tháng 3/2022 đến tháng 2/2023, ngành công nghệ rơi vào khó khăn, chỉ số cổ phiếu công nghệ Nasdaq lao dốc, nhà đầu tư hạn chế rót vốn. Các tập đoàn công nghệ cũng liên tiếp sa thải bớt hàng trăm nghìn nhân viên.

Khách hàng của SVB mất đi nguồn tiền quan trọng nên lượng tiền gửi ít dần đi, đồng thời phải tăng cường rút tiền gửi khỏi SVB để chi tiêu.

SVB phải bán bớt các loại tài sản như trái phiếu để có tiền mặt đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Tuy nhiên, lãi suất tăng cũng làm giá trái phiếu giảm đi.

Ngày8/3, SVB thông báo đã bán gần như toàn bộ danh mục chứng khoán sẵn sàng để bán (AFS) để thu về 21,45 tỷ USD, đồng thời chịu lỗ 1,8 tỷ USD. Thông tin này đã khiến nhiều người lo lắng. Quỹ đầu tư mạo hiểm Founders Fund đã khuyến nghị tất cả doanh nghiệp mà mình góp vốn hãy rút tiền ra khỏi SVB.

Ngay ngày hôm sau (9/3), khách hàng và nhà đầu tư rút tổng cộng 42 tỷ USD ra khỏi SVB, tương đương 1/5 tổng tài sản tại ngày cuối năm 2022. SVB dự kiến huy động 1,75 tỷ USD thông qua chào bán cổ phần tăng vốn nhưng bất thành. Đến ngày thứ Sáu tuần trước (10/3), Tổ chức Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC) tiếp quản hoạt động của SVB.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/svb-financial-nop-don-pha-san-sau-mot-tuan-cam-cu-2023317234827344.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/