Sự lao dốc của Facebook có phải 'dấu chấm hết' cho chu kỳ thành công của mạng xã hội?

Meta (công ty mẹ Facebook) vừa trải qua đợt cắt giảm nhân sự quy mô lớn bậc nhất lịch sử khi sa thải tới 11.000 nhân viên. Nhiều người lo ngại rằng đây là dấu hiệu cho sự thoái trào của mạng xã hội lớn nhất thế giới.

Tuần trước, Meta Platforms (công ty mẹ Facebook) đã thông báo sa thải 13% lực lượng lao động, tương đương 11.000 người. Theo nhà sáng lập kiêm CEO Mark Zuckerberg, lý do dẫn tới điều này là vì sự kết hợp giữa tốc độ tăng trưởng người dùng chậm lại và doanh thu từ quảng cáo giảm, theo Forbes.

Chỉ vài năm trước, bối cảnh với Meta còn rất khác biệt so với hiện tại. Trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, công ty đã đạt được một làn sóng thành công khi liên tục có thêm ít nhất 100 triệu người dùng hoạt động mỗi năm. Chỉ tính riêng trong năm 2020, số lượng người dùng đã tăng thêm 300 triệu.

Đây cũng là thời điểm mà Zuckerberg đã đánh một canh bạc chưa thành công, và canh bạc này đang trở thành chủ đề được nhiều người bàn tán. Zuckerberg tin rằng sự tăng trưởng khổng lồ về lượng thời gian người dùng dành cho các ứng dụng trực tuyến sẽ không bao giờ chậm lại, thay vào đó sẽ trở thành chất xúc tác cho sự tăng trưởng trong thập kỷ mới. Tuy nhiên, thực tế tốc độ tăng trưởng đã chậm lại đáng kể khi số lượng người dùng hoạt động trên ứng dụng Facebook tăng thêm chưa đến 50 triệu người.

Đối với một công ty nhỏ, con số này vẫn rất phi thường, nhưng với Facebook thì không. Điều này cũng gây ra nhiều lo lắng cho các cổ đông bởi định giá Meta đang ở mức thấp nhất kể từ năm 2017, khoảng gần 700 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với mức đỉnh 1.000 tỷ USD trong năm 2021.

Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng tới Meta, chẳng hạn như nền kinh tế vĩ mô xấu đi, nguy cơ về một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu hay sự nổi lên của những đối thủ mới tiềm năng như TikTok.

Tranh cãi xoay quanh Meta

Facebook chắc chắn tạo ra nhiều tranh cãi trong suốt chiều dài lịch sử công ty. Facebook thực tế không phải mạng xã hội đầu tiên trên thế giới. Trước khi có Facebook, những Friends Reunited, MySpace, LinkedIn và Hi5 đều đã tồn tại.

Facebook không phải mạng xã hội đầu tiên tồn tại trên thế giới. (Ảnh: Forbes).

Tuy nhiên, Facebook vượt trội hơn tất cả bằng cách tự định vị mình là một dịch vụ truyền thông chính thống thay vì một dịch vụ dành cho đối tượng khán giả thích hợp, chẳng hạn như giới trẻ, chuyên gia hoặc những người yêu âm nhạc. Facebook đã trở thành mạng xã hội phổ biến nhất trên thế giới bởi tất cả mọi người, không kể độ tuổi, giới tính,… đều có thể dùng được.

Trong thập kỷ tồn tại đầu tiên, Facebook đã phát triển từ một trang web chỉ có sinh viên tại một số trường cao đẳng ở Mỹ có thể truy cập thành mạng lưới 1,4 tỷ người dùng. Facebook cũng chuyển đổi hoạt động xã hội hóa, từ một ứng dụng chủ yếu được thực hiện giữa các cá nhân, giữa các nhóm người tương đối nhỏ, thành một mạng lưới ở quy mô toàn cầu.

Tranh cãi đã sớm nổ ra. Rất nhiều người biết về những cáo buộc rằng Zuckerberg đã đánh cắp ý tưởng đằng sau trang web từ các sinh viên Harvard. Vấn đề đó cuối cùng đã được giải quyết tại tòa án và mặc dù các điều khoản chính xác không được công khai, nhưng có thông tin cho rằng Facebook đã trả cho những người yêu cầu bồi thường trong khoảng 65 triệu USD.

Công ty cũng xử lý không tốt liên quan tới vấn đề dữ liệu cá nhân mà mọi người chia sẻ trên nền tảng, điều này đã dẫn đến nhiều vụ kiện tụng và tiền phạt. Tuy nhiên, những tranh cãi gần đây nhất xung quanh công ty bắt nguồn từ việc họ đã đặt được vào một khái niệm được thổi phồng, metaverse.

Hạt giống đầu tiên vào metaverse đến vào năm 2013 khi Facebook mua lại nhà sản xuất tai nghe thực tế ảo (VR) Oculus. 8 năm sau, Mark Zuckerberg sẵn sàng tiết lộ chi tiết kế hoạch lớn của mình. Theo nhiều cách, "Facebook but in VR" dường như là một bước tiếp theo để Facebook thống trị thế giới. Việc Facebook đổi tên công ty thành Meta cũng là bước đi mà nhiều người không ngờ tới.

Zuckerberg và Facebook đã chi hàng tỷ USD cho metaverse, và mặc dù chưa được công chúng tiếp nhận nhiều, CEO Meta vẫn không nản lòng. Lượng người dùng hoạt động hàng tháng của Horizon Worlds, một vũ trụ ảo của Meta, đã giảm từ khoảng 300.000 xuống còn 200.000 trong suốt năm 2022.

Những trở ngại khác bao gồm sự phát triển vượt bậc về mức độ phổ biến của TikTok, hiện đang chiếm nhiều sự chú ý của người dùng hơn Facebook, cũng như những thay đổi đối với chính sách quyền riêng tư của Apple hạn chế cách các nhà quảng cáo như Facebook có thể theo dõi hoạt động của người dùng iPhone.

Trọng tâm của những tranh cãi liên quan tới chính Mark Zuckerberg. Việc ông đặt cược vào tham vọng của mình là một phần lý do khiến giá trị khối tài sản ròng giảm 88 tỷ USD, rời khỏi top 10 tỷ phú giàu nhất thế giới.

Khi Mark đưa ra những tuyên bố công khai, các nhà bình luận thường chỉ ra rằng ông không nhất thiết phải tỏ ra chân thực và chân thành trong cách truyền tải của mình.

Sự lao dốc của Meta có phải dấu chấm hết cho mạng xã hội?

Sự lao dốc của Facebook được nhiều người cho rằng là dấu hiệu cho sự chấm dứt của kỷ nguyên mạng xã hội. Một liên kết được nhắc tới nhiều trong thời giang gần đây chính là Twitter, công ty đã được tỷ phú Elon Musk tiếp quản thành công.

Nhiều người lo ngại Twitter sẽ bước vào thời kỳ suy thoái dưới triều đại Elon Musk. (Ảnh: CNN).

Chỉ vài ngày sau khi tiếp quản Twitter, Elon Musk đã sa thải số lượng lớn nhân viên vì doanh thu công ty đang sụt giảm nghiêm trọng. Trong bối cảnh đó, hàng loạt người dùng đe dọa sẽ rời khỏi Twitter vì lo ngại những kế hoạch của Musk sẽ biến mạng xã hội này trở thành một nơi không an toàn.

Theo Forbes, đây dường như chưa phải là thời điểm cho sự kết thúc của mạng xã hội bởi một lý do đơn giản: Chưa có bất cứ thứ gì có thể thay thế mạng xã hội. Dù vẫn còn đó những lỗi lầm, nhưng mạng xã hội đơn giản là rất dễ tiếp cận, và sẽ không dễ để một thứ gì đó mới xuất hiện và thay thế chúng ngay lập tức.

Đối với tương lai của Meta, phần lớn nằm ở câu hỏi liệu ván cược metaverse của Zuckerberg cuối cùng sẽ thành công hay thất bại. Những số liệu gần đây chỉ ra rằng ván cược metaverse đang tạo ra nhiều khoản lỗ, song Zuckerberg và công ty của ông vẫn giữ nguyên niềm tin vào khái niệm này.

Thực tế, không ai thực sự biết metaverse sẽ trông như thế nào. Kể cả khi Meta thất bại, cũng không đồng nghĩa với việc metaverse sẽ thất bại. Sẽ vẫn tồn tại chu kỳ mới với lĩnh vực internet. Chỉ có thời gian mới có thể trả lời cho câu hỏi khái niệm thành công tiếp theo sau mạng xã hội là gì.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/su-lao-doc-cua-facebook-co-phai-dau-cham-het-cho-chu-ky-thanh-cong-cua-mang-xa-hoi-202211157436268.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/