Sóng gió gia tộc: Con trai duy nhất của nhà sáng lập đối đầu đại gia đình, hất cẳng CEO để nắm quyền kiểm soát tập đoàn

Edward Rogers, con trai duy nhất của nhà sáng lập đế chế viễn thông hàng đầu Canada, đã giành lại quyền kiểm soát tập đoàn. Song, mẹ và các chị gái phản bác rằng tham vọng của Edward đang đi ngược lại mong muốn của nhà sáng lập quá cố và chỉ khoét sâu rạn nứt bên trong gia tộc giàu có nức tiếng này.

Sóng gió gia tộc: Con trai duy nhất của nhà sáng lập đối đầu đại gia đình, hất cẳng CEO để nắm quyền kiểm soát tập đoàn - Ảnh 1.

CEO Joe Natale của Rogers Communications. (Ảnh: Igor Bonifacic).

Tháng 3 năm nay, Joe Natale - CEO của Rogers Communications, tập đoàn cung ứng mạng không dây lớn nhất Canada, đã ký kết một thỏa thuận trị giá 16 tỷ USD để thâu tóm đối thủ Shaw Communications.

Sự kiện sáp nhập của hai doanh nghiệp viễn thông nổi tiếng đánh dấu sự ra đời của một gã khổng lồ mới, đồng thời còn là niềm khao khát từ lâu của nhà sáng lập quá cố của Roger Communications, ông Ted Rogers.

Tuy nhiên, tại thời điểm đó, CEO Joe Natale lại không hề hay biết rằng người con trai duy nhất của Ted Rogers lại đang chuẩn bị kế hoạch để hất cẳng ông và siết quyền kiểm soát tập đoàn trị giá 24 tỷ USD này.

Trong nửa năm sau, Edward Rogers, Chủ tịch HĐQT Roger Communications kiêm Chủ tịch quỹ tín thác bảo vệ tài sản của gia tộc Rogers, đã bắt đầu hành động. Song, người nhà của Edward, gồm bà mẹ 82 tuổi Loretta Rogers và hai chị gái, kịch liệt phản đối.

Khởi đầu của một đế chế

Ted Rogers chỉ mới 5 tuổi khi cha ông, Edward Samuel Rogers - một nhà phát minh tiên phong trong lĩnh vực vô tuyến của Canada, qua đời vì vỡ phình động mạch chủ ở tuổi 38. Trong vòng hai năm, mẹ ông đã từ bỏ quyền kiểm soát công việc kinh doanh của gia đình do xích mích với anh trai của người chồng quá cố.

Chàng trai trẻ Ted chứng kiến các công ty của cha bị bán đi, còn mẹ thì nghiện rượu. Song, sau cùng, bà thay đổi và khuyến khích ông vực dậy vinh quang cho gia tộc, theo cuốn tự bạch Relentless của Ted Rogers.

Cuối cùng, Ted đã gây dựng lại được cơ ngơi của gia đình. Bắt đầu từ khoản vay 85.000 CAD vào năm 1960, ông trở thành một trong những doanh nhân và "tay săn deal" nổi danh nhất lịch sử Canada.

Vốn ưa mạo hiểm, Ted nhảy vào các lĩnh vực còn non trẻ trước đối thủ nhiều năm, từ truyền hình cáp, internet băng thông rộng đến viễn thông không dây. Cũng từ đó, ông mở rộng công ty thành một đế chế viễn thông và truyền thông hàng đầu Canada.

Sóng gió gia tộc: Con trai duy nhất của nhà sáng lập đối đầu đại gia đình, hất cẳng CEO để nắm quyền kiểm soát tập đoàn - Ảnh 2.

Tòa nhà trụ sở chính của Rogers Communications ở Toronto. (Đồ họa: 731/Reuters).

Tuy nhiên, ám ảnh về cái chết trẻ của bố, ở tuổi 35, Ted đã phát thảo kế hoạch nhằm tìm người kế vị để đảm bảo sản nghiệp mà ông tốn công gây dựng vẫn do gia tộc Rogers kiểm soát.

Loretta, vợ ông, sinh được ba người con gồm Edward, Melinda và Martha. Hai vợ chồng còn có một người con gái nuôi, Lisa. Melinda được cho là người giống cha nhất và rất gắn bó với tập đoàn. Martha và Lisa hoạt động ở lĩnh vực khác.

Còn Edward, sau khi tốt nghiệp đại học, ông được gửi đến Towson (bang Maryland, Mỹ) để học hỏi kinh nghiệm. Gọi điện cho gia tộc kiểm soát tập đoàn Comcast, Ted yêu cầu họ phải giao cho Edward "những công việc cực nhọc nhất có thể".

Hai năm sau, Edward trở về Canada và bắt đầu thăng tiến trong tập đoàn. Đến tuổi 30, ông được bổ nhiệm làm chủ tịch công ty truyền hình cáp của Roger Communications. Bảo thủ và cẩn thận với tài chính, Edward hoàn toàn trái ngược với cha mình. Cũng theo Bloomberg, Edward và Melinda không ưa gì nhau, điều này ai cũng rõ.

Từ đầu, Ted Rogers đã nhấn mạnh, HĐQT sẽ quyết định ai thay ông nắm chức CEO. Những gì ông đã dành 4 thập kỷ để phác thảo là một cấu trúc cổ phần kép phức tạp, giúp các thành viên của gia tộc Rogers nắm phần lớn quyền biểu quyết (khoảng 90%) cũng như đảm bảo gia tộc sẽ nắm quyền sở hữu cơ ngơi qua nhiều thế hệ.

Thay vì chia nhỏ cổ phần cho vợ và các con, Ted buộc họ phải hợp tác cùng nhau bằng cách đưa toàn bộ cổ phần vào một quỹ tín thác do một hội đồng gồm 10 thành viên (gồm Loretta, các con, một số họ hàng và cố vấn tin tưởng nhất của nhà sáng lập).

Dù vậy, quan trọng nhất chính là người nắm ghế chủ tịch của quỹ tín thác. Năm 2008, trước khi qua đời, Ted đã quyết định giao trọng trách này cho Edward và thực tế cho thấy ông đã phạm phải sai lầm.

Sóng gió gia tộc nổi lên

Dấu hiệu đầu tiên chứng tỏ có gì đó không ổn xuất hiện trong một thông cáo báo chí tối ngày 29/9 về sự ra đi đột ngột của Tony Staffieri, CFO của Rogers Communications trong gần 10 năm và đồng thời là người mà Edward lựa chọn để thay thế CEO Joe Natale.

Công chúng không biết vào thời điểm đó, Staffieri là nạn nhân của một cuộc đảo chính trong nội bộ tập đoàn viễn thông lớn nhất nhì Canada. 12 ngày trước, Natale đã gọi điện cho Staffieri và vị CFO đã vô tình nhận cuộc gọi.

Trong 21 phút tiếp theo, Natale lắng nghe mà không bị phát hiện khi Staffieri trò chuyện cùng một đồng nghiệp cũ và vô tình bày ra một âm mưu cải tổ toàn bộ ban lãnh đạo cao cấp nhất của tập đoàn.

Edward lên kế hoạch sa thải Natale, bổ nhiệm Staffieri làm CEO và lật đổ hầu hết đội ngũ điều hành. Ngày 19/9, Edward Rogers bắt đầu thực hiện kế hoạch: sa thải Natale. Song, bước đi này lại phản tác dụng. Giám đốc độc lập lâu năm David Peterson, tức giận trước hành vi của Edward, đã dành cả cuối tuần để tập hợp Natale cũng như các giám đốc khác bàn cách đáp trả.

Đến ngày 29/9, mẹ của Edward cùng các chị gái là Melinda và Martha đã cùng 5 giám đốc độc lập khác bỏ phiếu giữ lại Natale và sa thải Staffieri. Họ cũng thành lập một ủy ban giám sát để hạn chế Edward tham gia quản trị tập đoàn.

Sóng gió gia tộc: Con trai duy nhất của nhà sáng lập đối đầu đại gia đình, hất cẳng CEO để nắm quyền kiểm soát tập đoàn - Ảnh 3.

Từ trái qua phải: Loretta Rogers, Martha Rogers, Melinda Rogers-Hixon và Edward Rogers. (Đồ họa: 731/Getty Images, Reuters).

Edward không nhượng bộ. Ngược lại, ông lại đẩy gia tộc Rogers chìm sâu vào nội chiến. Nhận được sự hỗ trợ của các đồng minh, Edward đã chuẩn bị để lật đổ 5 giám đốc cản trở mình.

Song, Edward cần một danh sách đầy đủ các cổ đông có quyền biểu quyết. Sau nhiều tuần cố chạm tay tới bản danh sách, đến ngày 20/10, tập đoàn đã giao cho Edward thứ ông muốn.

Tại cuộc họp ngay ngày hôm sau, bà Loretta kêu gọi các bên tránh "đấu đá công khai không cần thiết" và Melinda đưa ra biện pháp giảng hòa. Theo đó, Edward vẫn là chủ tịch HĐQT của Rogers Communications, đổi lại ông phải từ bỏ việc hất cẳng các giám đốc. Song, Edward khước từ.

Loretta, Melinda, Martha và một cố vấn lâu năm đã bỏ phiếu để hạn chế quyền lực của Edward nhưng bất thành. Sau đó, HĐQT của tập đoàn đã bỏ phiếu cho một kiến nghị do phu nhân Loretta đề xuất hòng loại Edward khỏi ghế chủ tịch.

Đêm đó, lá thư gửi đến các cổ đông có quyền biểu quyết đã được gửi đi. Edward thông báo, với tư cách là chủ tịch kiểm soát quỹ tín thác của gia tộc, ông dự định sẽ tự thông qua và thực hiện nghị quyết mà không cần cổ đông nhúng tay. Đến ngày 22/10, Edward đã ký một quyết định.

Martha công khai chỉ trích em trai trên Twitter. Qua hàng chục dòng tweet, bà nhấn mạnh: "Chúng tôi quyết tâm bảo vệ tập đoàn, nhân viên tập đoàn và mong muốn của cha, ông Ted Rogers".

Edward không nao núng. Hôm 24/10, Edward triệu tập một cuộc họp với "HĐQT mới" và các giám đốc đã bổ nhiệm ông làm chủ tịch. Đến ngày 26/10, Edward đệ trình yêu cầu lên Tòa án Tối cao British Columbia để hợp pháp hóa HĐQT do ông lập ra.

Cuối cùng, tòa án đã ra phán quyết có lợi cho Edward, bất chấp bà Loretta và các con gái cho rằng thông tin do Edward cung cấp có phần không chính xác.

Rạn nứt khó hàn gắn

Bloomberg nhận xét, Edward có thể thắng thế trong cuộc chiến pháp lý cho đến thời điểm hiện tại, song quyết định của tòa án không thể hàn gắn rạn nứt đang chia cắt một trong các gia tộc giàu có nhất Canada. Phu nhân Loretta khẳng định hành động của con trai là "vô lương tâm", đi ngược lại mong muốn của người cha quá cố.

Ngoài ra, kế hoạch của Edward cũng đã đi chệch đường vài phần. Ban đầu, ông dự định nâng đỡ Dave Fuller, người điều hành bộ phận mạng không dây của tập đoàn, vốn là mảng kinh doanh quan trọng nhất và chiếm đến 59% doanh thu của Rogers Communications.

Tuy nhiên, Fuller cho biết nếu Natale ra đi, ông cũng nhất quyết không ở lại. "Tôi không muốn làm việc cùng bất kỳ CEO nào khác", Fuller cho hay trong một bản tuyên thệ gửi tòa án.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/song-gio-gia-toc-con-trai-duy-nhat-cua-nha-sang-lap-doi-dau-dai-gia-dinh-hat-cang-ceo-de-nam-quyen-kiem-soat-tap-doan-20211114164954879.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/