Soi cơ cấu cổ đông và ban lãnh đạo DongA Bank trước ngày ĐHCĐ bất thường

Trước khi bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt vào tháng 8/2015, gia đình nguyên TGĐ Trần Phương Bình nắm giữ tổng cộng 10,24% cổ phần DongA Bank trong khi doanh nghiệp của Vũ "Nhôm" sở hữu 12,73%.

Sau nhiều năm không tổ chức đại hội cổ đông cũng như công bố báo cáo tài chính, Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank) mới đây đã bất ngờ thông báo sẽ chốt danh sách cổ đông vào 26/9 để tiến hành tổ chức đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2019. 

Đây là lần đầu tiên Ngân hàng Đông Á tiến hành họp ĐHĐCĐ kể từ khi bị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đưa vào diện kiểm soát đặc biệt vào tháng 8/2015. Lần gần nhất ngân hàng này tổ chức đại hội cổ đông vào tháng 7/2015. 

photo-1

Ảnh minh họa (Nguồn: DongA Bank)

Cơ cấu cổ đông của DongA Bank

Ngay sau khi bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt, ngày 14/8, DongA Bank đã phát đi thông báo toàn bộ cổ đông ngân hàng không được chuyển nhượng cổ phần của ngân hàng. Trong trường hợp đặc biệt, NHNN sẽ xem xét việc chuyển nhượng cổ phần trên cơ sở đề xuất của Ban Kiểm soát đặc biệt.

Đồng thời, ngân hàng cũng đã hoàn trả tiền các cổ đông đã nộp trong đợt ngân hàng tăng vốn điều lệ từ 5.000 tỉ đồng lên 6.000 tỉ đồng.

Theo cáo trạng của Viện Trưởng Viện Kiểm Sát Nhân dân Tối cao công bố vào ngày 12/10/2018, vốn điều lệ của DongA Bank tại thời điểm đó là 5.000 tỉ đồng với 100% cổ đông trong nước. Trong đó, cổ đông sáng lập chiếm 13,21% và cổ đông thường chiếm 86,79%.

Cụ thể, nhóm gia đình ông Trần Phương Bình sở hữu 10,24% vốn điều lệ; nhóm CTCP vàng bạc đá quí Phú Nhuận (PNJ) chiếm 7,7%; nhóm CTCP Xây Dựng Bắc Nam 79 chiếm 12,73%; Văn phòng Thành ủy TP HCM chiếm 12,79%.

Trong đó, CTCP Xây dựng Bắc Nam 79 được biết đến là doanh nghiệp của ông Phan Văn Anh Vũ (Vũ Nhôm).

Soi cơ cấu cổ đông và ban lãnh đạo DongA Bank trước ngày ĐHCĐ bất thường - Ảnh 2.

Thành phần cổ đông Ngân hàng Đông Á theo cáo trạng của Viện trưởng VKS Nhân dân Tối cao

Còn theo báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm 2015, tính đến thời điểm 30/6/2015 (số liệu gần nhất trước khi DongA Bank bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt), ông Trần Phương Bình, sở hữu 3% vốn. 

Vợ ông Bình là bà Cao Thị Ngọc Dung (Chủ tịch Hội đồng Quản trị PNJ) cùng 3 con gái Trần Phương Ngọc Thảo, Trần Phương Ngọc Giao và Trần Phương Ngọc Hà sở hữu tổng cộng 6,676% cổ phần. Ngoài ra, anh và em trai ông Bình cũng sở hữu khoảng 0,027% cổ phần DongA Bank.

Soi cơ cấu cổ đông và ban lãnh đạo DongA Bank trước ngày ĐHCĐ bất thường - Ảnh 3.

Một số cổ đông sở hữu trên 1% vốn DongA Bank tại thời điểm 30/6/2015 (Nguồn: BCQT 6 tháng đầu năm 2015)

Ban lãnh đạo DongA Bank đã thay đổi như thế nào sau 4 năm bị kiểm soát?

Sau khi bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt, Hội đồng quản trị (HĐQT) và Ban Kiểm soát của ngân hàng đã có những thay đổi rõ nét với nhiều gương mặt mới do NHNN chỉ định.

Theo báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm 2019, HĐQT ngân hàng có 6 người gồm Chủ tịch là ông Võ Minh Tuấn và các thành viên như ông Trần Văn Đình, Nguyễn Đình Trường, ông Huỳnh Phương, ông Nguyễn Thanh Tùng và ông Cao Sĩ Khiêm.

Đáng chú ý, ông Cao Sĩ Khiêm đã được miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT DongA Bank vào năm 2015, trở thành thành viên HĐQT. Ông cũng có đơn xin từ nhiệm và được HĐQT ngân hàng đồng ý. Tuy nhiên, do chưa tổ chức được đại hội cổ đông thường niên nên vấn đề này chưa được thông qua.

Chủ tịch HĐQT Võ Minh Tuấn là người được Thống đốc NHNN chỉ định sang tham gia HĐQT DongA Bank từ ngày 27/8/2015 thay ông Cao Sĩ Kiêm. 

Trước đó, ông Võ Minh Tuấn đang giữ chức vụ Phó vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế. Ông Tuấn cũng từng đảm nhiệm vị trí Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Phương Đông và có 23 năm làm việc tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank).

Ngoài ông Tuấn, hai ông Nguyễn Thanh Tùng và Huỳnh Phương cũng là người được NHNN chỉ định tham gia HĐQT của DongA Bank. Như vậy trong 5 thành viên còn tham gia hoạt động thì có quá nửa thành viên là do NHNN chỉ định.

Soi cơ cấu cổ đông và ban lãnh đạo DongA Bank trước ngày ĐHCĐ bất thường - Ảnh 3.

Nguồn: DongA Bank

Ban Kiểm soát của DongA Bank gồm ba thành viên đều do NHNN chỉ định. Trong đó ông Trần Đức (sinh năm 1982) giữ chức Trưởng Ban Kiểm soát, hai thành viên chuyên trách còn lại là các ông Trần Quốc Toàn (sinh năm 1985) và bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt (sinh năm 1984).

Theo NHNN, các quyết định chỉ định nhân sự trên của NHNN nhằm hỗ trợ, củng cố hoạt động của ngân hàng Đông Á sau một loạt các biến cố thời gian qua.

Soi cơ cấu cổ đông và ban lãnh đạo DongA Bank trước ngày ĐHCĐ bất thường - Ảnh 5.

Ban Kiểm soát DongA Bank (Nguồn: DongA Bank)

Ban Tổng giám đốc của DongA Bank hiện tại có 5 thành viên với Tổng Giám đốc là ông Nguyễn Thanh Tùng, 4 Phó Tổng giám đốc khác gồm ông Nguyễn An, ông Nguyễn Ngọc Tâm, ông Nguyễn Quốc Toàn và ông Lương Ngọc Quý.

Ông Nguyễn Thanh Tùng (sinh năm 1966) có gần 26 năm công tác trong ngành ngân hàng và được bổ nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc DongA Bank vào tháng 12/2015, sau hơn 4 tháng kể từ thời điểm ông Trần Phương Bình bị đình chỉ chức vụ Tổng giám đốc.

Trước khi được bổ nhiệm, ông Tùng giữ cương vị Ủy viên Hội đồng quản trị, Phó Tổng Giám đốc DongA Bank. 

Soi cơ cấu cổ đông và ban lãnh đạo DongA Bank trước ngày ĐHCĐ bất thường - Ảnh 4.

Ban Tổng Giám đốc DongA Bank (Nguồn: DongA Bank)

DongA Bank hoạt động kinh doanh như thế nào? 

Theo báo cáo của Ngân hàng Đông Á, kết thúc 6 tháng đầu năm 2019, tổng huy động vốn từ khách hàng đạt của DongA Bank đạt 63.450 tỉ đồng tăng 2.595 tỉ đồng, tăng 4,3% so với đầu năm 2019 và tăng 3% so với cùng kì năm 2018. 

Trong 6 tháng đầu năm 2019, thu nhập từ dịch vụ đạt 247 tỉ đồng, xấp xỉ so cùng kì năm trước. Trong đó, lãi từ hoạt động kinh doanh ngoại hối tăng 16 tỉ đồng, tăng 40% so cùng kì.

Trong 6 tháng đầu năm 2019, ngân hàng đã thu hồi được 1.870 tỉ đồng nợ có vấn đề cả gốc và lãi, lũy kế từ thời điểm 8/2015 đến 6/2019, ngân hàng đã thu hồi 16.350 tỉ đồng nợ xấu.

Tỉ lệ dự trữ thanh khoản đạt 20,78%, tỉ lệ khả năng chi trả ngoại tệ 77,98%, tỉ lệ khả năng chi trả đối với Việt Nam đồng đạt 83,77%.

Tính đến cuối tháng 3/2019, DongA Bank có 56 chi nhánh và 156 phòng giao dịch trên 44 tỉnh thành cả nước.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/soi-co-cau-co-dong-va-ban-lanh-dao-donga-bank-truoc-ngay-dhcd-bat-thuong-20190909104244289.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/