Số thương vụ đầu tư vào các startup công nghệ y tế tăng gấp 6 lần tại Đông Nam Á, khai thác lượng khách hàng là tầng lớp trung lưu mới nổi

Dân số đông, yêu công nghệ và tầng lớp trung lưu gia tăng khiến Đông Nam Á thành "mỏ vàng" mới của các startup công nghệ y tế (healthtech)

Mặc dù năm 2020 vẫn được nhớ đến là thời điểm COVID-19 khiến mọi thứ liên quan đến sức khoẻ đều trở thành xu hướng nóng, 2019 mới thực sự là năm mảng công nghệ y tế (healthtech) tại Đông Nam Á thăng hoa. Đây là thời điểm khi tổng số lượng số thương vụ đầu tư vào các startup thuộc mảng này tăng đến 6 lần so với một năm trước đó.

Toàn cảnh bức tranh startup công nghệ y tế (healthtech) tại Đông Nam Á - Ảnh 1.

(Nguồn: Tech in Asia, Việt hoá: Thái Sơn).

Trong năm 2020, mảng healthtech ghi nhận hơn 180 triệu USD vốn đầu tư đổ vào 33 thương vụ. Đáng chú ý hơn, trong nửa đầu năm 2021, con số này là 200 triệu USD chỉ đến từ 14 thương vụ, theo dữ liệu thống kê của Tech in Asia.

Toàn cảnh bức tranh startup công nghệ y tế (healthtech) tại Đông Nam Á - Ảnh 2.

Giá trị đầu tư thực tế có thể cao hơn do thống kê chỉ bao gồm các thông tin công bố. (Nguồn: Tech in Asia, Đồ hoạ: Thái Sơn).

Theo một thống kê của Insead, chi tiêu vào mảng công nghệ y tế của Đông Nam Á đang tăng trưởng nhanh, thậm chí nhanh hơn so với tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong khu vực. Theo đó, chi tiêu vào công nghệ tài chính có thể sẽ chạm mốc 740 triệu USD (từ con số 425 triệu USD hiện tại) vào thời điểm năm 2025.

Cũng theo Insead, Sequoia Capital, Monk's Hill Ventures, SG Innovate, Wavemaker, và East Ventures là một số nhà đầu tư cực kỳ năng động trong lĩnh vực này.

Phần lớn các startup healthtech tại Đông Nam Á có trụ sở tại Singapore. Quốc gia xếp thứ 2 là Indonesia. Theo Insead, 2 startup healthtech đáng chú ý nhất tại Indonesia là Halodoc và Alodokter. Đây cũng là chủ nhân của 2 trong số 5 thương vụ đầu tư lớn nhất vào mảng này trong năm 2019.

Toàn cảnh bức tranh startup công nghệ y tế (healthtech) tại Đông Nam Á - Ảnh 3.

Các startup healthtech tại Việt Nam. (Nguồn: Tech in Asia, Đồ hoạ: Thái Sơn).

Các nhà đầu tư vào healthtech đều thừa nhận không có công thức chung để thành công ở mảng công nghệ y tế trên toàn cầu do thách thức đối với mỗi khu vực là khác nhau.

Dữ liệu của Tech in Asia cho thấy khám bệnh từ xa là lĩnh vực healthtech phổ biến nhất. Dù vậy, các nhà đầu tư cũng có khẩu vị đầu tư khá đa dạng và thú vị, thể hiện với các startup như Naluri (startup sức khoẻ tinh thần có trụ sở ở Malaysia) và Bot MD (startup cung cấp các trợ lý AI cho bác sỹ có trụ sở tại Singapore).

Nhiều công ty khám bệnh từ xa trong khi đó đặt mục tiêu trở thành siêu ứng dụng trong y tế, sức khoẻ. Chúng cung cấp thêm các dịch vụ gia tăng cho người dùng như nhà thuộc trực tuyến, xét nghiệm tại nhà hay đặt lịch hẹn thăm khám. Phần lớn các công ty khám bệnh từ xa còn cung cấp các thông tin, bài viết về sức khoẻ.

Toàn cảnh bức tranh startup công nghệ y tế (healthtech) tại Đông Nam Á - Ảnh 4.

(Nguồn: Tech in Asia, Đồ hoạ: Thái Sơn).

MyDoc, DocDoc, Doctor Anywhere và Hello Health Group là trong những công ty khám bệnh từ xa đang hoạt động tại nhiều quốc gia nhất tại Đông Nam Á. Cùng thời điểm, một số cái tên lớn ở mảng này như Halodoc, Alodokter, GrabHealth, và GoMed lại chỉ đang hoạt động tại quốc gia mà mình đặt trụ sở.

Tại Việt Nam, một số startup healthtech đáng chú ý có thể kể đến Med247, eDoctor, Nhi Dong 315, Docosan và Jio Health. Jio Health từng hai lần gọi vốn thành công vào năm 2018 và 2019 từ nhà đầu tư Monk's Hill Ventures với tổng vốn công bố 5 triệu USD. Trong khi đó, Med247 cũng gọi vốn thành công từ KK Fund (vòng hạt giống) và KK Fund, Venturra Capital (vòng Pre-Series A) vào năm 2019 nhưng không bố chi tiết đầu tư.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/so-thuong-vu-dau-tu-vao-cac-startup-cong-nghe-y-te-tang-gap-6-lan-tai-dong-nam-a-khai-thac-luong-khach-hang-la-tang-lop-trung-luu-moi-noi-20210721222502422.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/