Số lượng các startup kì lân châu Á sẽ thưa thớt trong năm 2020?

Năm 2019 đã để lại nhiều bài học về định giá startup cho các nhà đầu tư khiến mọi kế hoạch rót vốn trong năm 2020 được dự đoán sẽ cẩn trọng hơn bao giờ hết.

Cơn sốt kì lân châu Á đang có dấu hiệu giảm nhiệt, cả trên phương diện số lượng và tốc độ gọi vốn, trong bối cảnh các nhà đầu tư hoài nghi về định giá hào nhoáng của các startup sau vụ lùm xùm liên quan đến WeWork.

Năm 2020 sẽ bắt đầu với một "mùa đông" cho các nỗ lực gọi vốn của startup và điều các kì lân châu Á phải làm lúc này là chứng tỏ chất lượng được sự tăng trưởng của mình, nhất là khi đang theo đuổi các kế hoạch IPO.

Theo dữ liệu từ PitchBook, trong năm 2019, châu Á có 23 startup nằm trên ngưỡng định giá 1 tỉ USD, chỉ bằng gần một nửa so với con số 42 của năm 2018.

Cùng thời điểm, quy mô gọi vốn giảm rõ rệt với số lượng thương vụ giảm 36%, xuống mốc 75 và tổng vốn gọi chạm mốc 21 tỉ USD, bằng một phần ba so với con số của một năm trước đó.

'Mùa đông' đang đến cho các startup 'kì lân' Châu Á - Ảnh 1.

Gọi vốn trong năm 2019 "u ám" nhất trong 5 năm trở lại đây. (Nguồn: PitchBook, Việt hoá: Thái Sơn)

2019 là một bước ngoặt với cộng đồng startup toàn cầu khi các startup hàng đầu của Mỹ, ví dụ như Uber hay Lyft, đón nhận màn IPO không như ý muốn và màn thể hiện sau IPO không hề ấn tượng. 

WeWork, một startup tiềm năng khác, thậm chí phải huỷ bỏ kế hoạch IPO khi hồ sơ phơi bày những khoản lỗ khổng lồ.

Thực tế này quan trọng với châu Á bởi tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và tỉ lệ số hoá nhanh chóng đang thu hút sự quan tâm của rất nhiều nhà đầu tư, một xu hướng khiến không ít startup châu Á cũng có định giá được thổi phồng nhanh chóng.

"Các nhà đầu tư rót vốn vào startup đôi khi theo xu hướng mùa vụ. Và giờ là mùa đông", ông Andre Soelistyo, đồng CEO "kì lân" lớn nhất Indonesia Go-Jek, nhận định hồi cuối tháng 11 năm ngoái.

Định giá của Go-Jek chạm mốc 10 tỉ USD trong năm 2019, trong khi đó đối thủ lớn nhất của nó là Grab có định giá 14 tỉ USD. Song cả hai "ông lớn" đều gọi vốn "thất thu" hơn trong năm 2019 so với năm 2018, theo Crunchbase.

Trong một thập niên qua, bức tranh startup châu Á được dẫn dắt bởi Trung Quốc với những cái tên đình đám như ByteDance (công ty mẹ của TikTok) hay Didi Chuxing (công ty gọi xe) cùng định giá 75 tỉ USD và 56 tỉ USD lần lượt.

Năm 2019, 14 trong tổng số 23 "kì lân" mới của châu Á vẫn đến từ Trung Quốc, bao gồm startup cho thuê căn hộ Danke Apartment và nền tảng trang trí nội thất Kujiale.

Với nền kinh tế nội địa khổng lồ và các công nghệ mới hứa hẹn như AI, Trung Quốc được dự đoán vẫn là đầu tàu trong năm 2020 song tốc độ sẽ giảm xuống.

"Định giá sẽ được xem xét cẩn trọng và khắt khe hơn", ông Nobuaki Kitagawa, giám đốc điều hành CyberAgent Capital ở Thượng Hải, nói. "Các nhà đầu tư sẽ tập trung vào cách các startup có được lợi nhuận và thời gian chúng có lãi", ông nhấn mạnh.

'Mùa đông' đang đến cho các startup 'kì lân' Châu Á - Ảnh 2.

Grab và Go-Jek, hai startup điển hình của Đông Nam Á, đều gọi vốn trong năm 2019 ít hơn so với một năm trước đó. (Ảnh: Nikkei)

Điều này đặc biệt khó ở Trung Quốc khi cạnh tranh tại quốc gia tỉ dân là rất lớn. Nhiều startup Trung Quốc chọn cách đầu tư để trở thành người dẫn đầu thị trường. Câu chuyện về lợi nhuận chỉ đến sau đó.

Đó là chưa kể đến bối cảnh tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc chậm đi và căng thẳng thương mại Mỹ - Trung chưa có dấu hiệu giảm nhiệt.

Trong khu vực châu Á, những thương vụ rót vốn lớn cũng sẽ ít đi trong năm 2020, theo James Riney, CEO của quỹ đầu tư Coral Capital.

"Nguồn vốn từng dồi dào nhờ những cái tên như SoftBank dẫn tới định giá được thổi phồng", ông Riney nói. "Giờ thì SoftBank sẽ không còn là một mối đe doạ với các nhà đầu tư giai đoạn muộn nữa và những yếu tố cơ bản của startup sẽ được đánh giá kĩ lưỡng hơn".

Nhìn chung, tất cả các startup lớn nhỏ ở châu Á đều cần chứng tỏ được chất lượng tăng trưởng của mình để giành được sự tự tin từ các nhà đầu tư.

"Hậu Uber và WeWork, khả năng sinh lời và tính bền vững mới là những điều được nhắc đến nhiều nhất", ông Martin Tang, người đồng sáng lập và đối tác của Genesis Alternative Ventures, nói.

"Startup thể hiện được các tính chất trên và cho thấy tốc độ tăng trưởng doanh thu mạnh sẽ không gặp khó khi gọi vốn", ông chia sẻ thêm.

Định giá cao ở giai đoạn startup thực tế lại phá hỏng những giấc mộng IPO của startup. "Nhiều startup sẽ chứng kiến giai đoạn đi xuống trước IPO do bị định giá quá cao khi vẫn còn là một công ty tư nhân", ông Kitagawa của CyberAgent Capital nhận xét – một bài học đã được thể hiện qua câu chuyện của WeWork.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/so-luong-cac-startup-ki-lan-chau-a-se-thua-thot-trong-nam-2020-20200106215812677.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/