Số liệu lạm phát mới của Trung Quốc vô tình che khuất vấn đề đáng lo hơn của nền kinh tế

Tháng 7 vừa qua, tỷ lệ lạm phát tiêu dùng toàn phần tại Trung Quốc đã chạm mức đỉnh hai năm, nhưng lạm phát lõi lại chỉ ra một vấn đề khác: nhu cầu tiêu dùng trong nước đang yếu đi.

Giá tiêu dùng tiếp tục tăng

Theo dữ liệu mới nhất từ Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS), chỉ số giá tiêu dùng (CPI) toàn phần của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong tháng 7 bật tăng khoảng 2,7% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức tăng 2,5% của tháng 6.

Năm 2021, CPI toàn phần chỉ nhích nhẹ 0,9% và kể từ khi đại dịch COVID bùng phát, chỉ số này nhìn chung vẫn nằm trong vùng an toàn của chính phủ. Theo NBS, CPI tháng 7 tăng là do giá thực phẩm nhảy vọt.

Tại đất nước tỷ dân, nguyên nhân dẫn đến lạm phát lớn nhất chính là giá thịt heo. Giá của loại protein này đã đảo ngược mức giảm 6% trong tháng 6 bằng mức tăng hơn 20% trong tháng 7.

Các nhà phân tích nhận định, giá thịt heo tăng đã kéo giá thực phẩm nói chung đi lên và có khả năng giá sẽ tiếp tục leo thang trong những tháng tới, ngay cả khi Bắc Kinh giải phóng kho dự trữ quốc gia và chấn chỉnh nạn đầu cơ tích trữ hàng.

Một hàng thịt tại Trung Quốc. (Ảnh: Getty Images). 

Tốc độ tăng trưởng của CPI toàn phần tháng 7 là nhanh nhất trong hai năm qua. Đây là một mức chưa từng thấy kể từ tháng 7/2020 và gần đạt tới ngưỡng mục tiêu của chính phủ Trung Quốc là khoảng 3%.

Dù vậy, dữ liệu mới nhất vẫn thấp hơn dự báo tăng 2,9% mà các nhà kinh tế do Wall Street Journal (WSJ) khảo sát đưa ra.

Chỉ số CPI lõi, không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng dễ biến động, chỉ tăng khoảng 0,8% trong tháng 7 - đánh dấu mức thấp nhất trong 14 tháng qua và cũng nằm dưới mức dự đoán của các chuyên gia kinh tế.

 

Mặc dù Trung Quốc không phải vật lộn với tình trạng lạm phát tràn lan như các nền kinh tế lớn khác, sự kết hợp của tăng trưởng cơ bản chậm lại và giá năng lượng lẫn thực phẩm gia tăng nhanh có thể đặt các nhà hoạch định chính sách vào thế khó giống như đồng nghiệp ở các nước khác.

Nếu CPI vượt lên trên mức mục tiêu 3% của chính phủ, các nhà hoạch định chính sách sẽ phải “đối mặt với tình huống khó lựa chọn giữa lạm phát và tăng trưởng”, các nhà kinh tế từ China International Capital Corporation nhận xét.

Họ dự đoán chỉ số CPI sẽ giảm xuống còn khoảng 2,3% vào cuối năm, nhưng có thể tăng trở lại vào năm sau, tiến sát mức 3%.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc rất đề phòng việc giá tiêu dùng tăng vọt không ngừng vì sợ rằng chúng có thể gây ra bất ổn xã hội. Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới tháng trước, Thủ tướng Lý Khắc Cường nhấn mạnh lạm phát tiêu dùng sẽ duy trì dưới mức 3,5% trong năm nay, nhờ vào nguồn cung thực phẩm và năng lượng dồi dào.

Nhưng nhu cầu tiêu dùng yếu

Mặt khác, giới chuyên gia nhận định, việc CPI không tăng cao như kỳ vọng, dù giá thực phẩm đi lên, cho thấy nhu cầu đối với các hàng hoá và dịch vụ khác đang yếu đi. Chi tiêu hộ gia đình tại Trung Quốc vẫn là một trong các mắt xích yếu nhất trong nền kinh tế chung.

Niềm tin của người tiêu dùng trồi sụt trong bối cảnh doanh nghiệp sa thải hàng loạt nhân viên, thị trường bất động sản lao dốc trong thời gian dài và COVID liên tục bùng phát trên khắp cả nước.

Điều đó cũng cho thấy nỗ lực kích thích tiêu dùng của Bắc Kinh đã thất bại trong bối cảnh các biện pháp hạn chế liên quan tới COVID tiếp tục kìm hãm nhu cầu của người dân địa phương.

Kể từ đầu tháng 8, hơn 1.000 ca nhiễm COVID mới đã được phát hiện ở chỉ hai khu vực cấp tỉnh là Hải Nam và Tây Tạng, khiến chính quyền địa phương thắt chặt các biện pháp chống dịch và tiến hành xét nghiệm hàng loạt. Hải Khẩu, thủ phủ tỉnh Hải Nam, đã bị phong toả kể từ ngày 10/8.

Theo WSJ, các nhà kinh tế đã hạ dự báo tăng trưởng năm nay của Trung Quốc bởi các điều kiện kinh tế đang xấu đi và Bắc Kinh không tỏ ra mấy mặn mà về một gói kích thích quy mô lớn.

 

Cuối tháng 7, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã cắt giảm dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 của Trung Quốc từ mức 4,4% xuống còn 3,3%. IMF cho rằng rủi ro từ chính sách Zero COVID và đà lao dốc của thị trường bất động sản là nguyên nhân.

Tại cuộc họp được theo dõi sát vào cuối tháng trước, các nhà hoạch định chính sách hàng đầu Trung Quốc đã từ bỏ mục tiêu tăng trưởng khoảng 5,5% trong năm nay, đồng thời làm rõ rằng họ không có kế hoạch triển khai các biện pháp kích thích mạnh tay để thúc đẩy nền kinh tế.

Ông Bruce Pang - nhà kinh tế tại công ty dịch vụ bất động sản Jones Lang LaSalle, dự đoán rằng trong tương lai gần, khả năng Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) hạ lãi suất là “rất thấp”.

Theo vị chuyên gia, trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương lớn khác thắt chặt chính sách mạnh mẽ thì Bắc Kinh càng khó hạ lãi suất vì lo sợ dòng vốn sẽ tháo chạy khỏi Trung Quốc.

Dẫu vậy, báo cáo mới của NBS có ít nhất một tin tốt lành cho Bắc Kinh. Chỉ số giá sản xuất (PPI) đã chậm lại tháng thứ 9 liên tiếp trong tháng 7 vừa qua. Giá hàng hoá toàn cầu điều chỉnh giảm là một nguyên nhân giúp PPI đi xuống.

Cụ thể, PPI tháng 7 chỉ tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng 6,1% của tháng 6 cũng như chỉ bằng một phần ba mức tăng 13,5% hồi tháng 10 năm ngoái. Lạm phát giá sản xuất hạ nhiệt giúp giảm bớt áp lực đối với các nhà máy tại Trung Quốc, họ chính là những doanh nghiệp phải chật vật tìm cách đẩy chi phí sang người tiêu dùng thời gian qua.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/so-lieu-lam-phat-moi-cua-trung-quoc-vo-tinh-che-khuat-van-de-dang-lo-hon-cua-nen-kinh-te-2022810154238344.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/