Shark Bình giật mình khi founder chấp nhận lời đề nghị chia sẻ 50% cổ phần dù ban đầu startup muốn gọi 100.000 USD cho 10%

Chia sẻ trên sóng Shark Tank, CEO và founder của iCare cho biết cả đội ngũ đã làm việc không lương trong một năm nay.

Xuất hiện trên sóng truyền hình Shark Tank Việt Nam mùa 4 tập 15, ông Nguyễn Quang, CEO và founder của công ty TNHH Sản xuất thiết bị và phần mềm iCare đem đến sản phẩm đầu tiên mang tên iTemp và kêu gọi 100.000 USD cho 10% cổ phần.

Theo ông Quang, tại Việt Nam có khoảng 18 triệu trẻ em trong độ tuổi từ 3 tháng đến 6 tuổi, trong đó có khoảng 1 triệu bé từng bị sốt co giật. Việc đôi khi cha mẹ không chú ý có thể dẫn tới tình trạng sốt co giật ở trẻ nhỏ khi đang ngủ, đó là lý do iCare tạo ra dòng sản phẩm iTemp, một thiết bị theo dõi và quản lý sức khỏe có thể kết nối với smartphone qua bluetooth.

Cơ chế hoạt động của thiết bị khá đơn giản. Khi nhiệt độ của trẻ nhỏ tăng cao, thiết bị sẽ phát ra chuông cảnh báo cho tới khi có người tắt chuông trên smartphone. Với những thiết bị bán ra, iCare sẽ thu về hai lô khách hàng thân biết sử dụng smartphone là bố và mẹ đứa trẻ.

Bị Shark Liên nhận xét còn mơ hồ, tạo sự chủ quan cho cha mẹ, founder vẫn chốt đơn thành công với Shark Bình với thiết bị chuyển đổi số chăm sóc trẻ em - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Quang đem thiết bị iTemp lên sóng Shark Tank Việt Nam. (Ảnh: Shark Tank Việt Nam).

Thiết bị sẽ được gắn vào nách trẻ em bằng keo y tế. Tuy nhiên, Shark Liên cho rằng việc này sẽ gây ra khó chịu cho trẻ nhỏ. Không những vây, còn một số rủi ro có thể gây hại cho trẻ em như sóng bluetooth ảnh hưởng sức khỏe hoặc trẻ em chẳng may nuốt phải.

Dù vậy, ông Quang chia sẻ rằng sóng bluetooth đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công nhận là an toàn cho cơ thể. Đồng thời, đội ngũ của iCare cũng nhận được một vài gợi ý về việc thay đổi thiết kế sản phẩm để trẻ em không thể nuốt miếng dán từ Shark Hưng.

Định hướng của iTemp là một thiết bị điện tử thay vì một thiết bị y tế. Ngoài ra, ông Quang chia sẻ trên thế giới cũng đã có những dòng sản phẩm tương tự tại châu Âu hoặc do Xiaomi sản xuất. Vì vậy, cả Shark Phú và Shark Bình đều đặt ra những vấn đề liên quan đến cách thức sản xuất ra thiết bị.

Giải đáp vấn đề này, nhà sáng lập cho biết công ty đã nộp đơn đăng ký bằng sáng chế cho iTemp cách đây 6 tháng. Trong trường hợp không được cấp, iTemp sẽ chuyển qua dạng giải pháp hữu ích.

Nhận được câu hỏi về mô hình kinh doanh từ Shark Phú, ông Quang trả lời rằng đã bán khoảng 100 thiết bị cho những đối tượng từ nghiên cứu thị trường. 

Shark Hưng chia sẻ rằng công ty cần tạo ra một ứng dụng mà mỗi ngày, phụ huynh sẽ sử dụng khoảng hai lần. Nếu không được như vậy, ứng dụng sẽ khó có thể tồn tại.

Tới phần chốt deal, Shark Liên nhận xét rằng thiết bị của ông Quang vẫn còn mơ hồ, tạo sự chủ quan cho cha mẹ, đồng thời đưa ra lời khuyên nên xem lại thiết bị bởi vẫn còn phó mặc quá nhiều cho công nghệ. Vì vậy, nữ "cá mập" quyết định không đầu tư.

Trong khi đó, Shark Phú cho biết mô hình của iCare vẫn còn khá mới, chưa có sản phẩm, doanh số cụ thể, đi ngược lại với quan điểm của ông trên sóng truyền hình Shark Tank Việt Nam.

Về phần mình, Shark Hưng nhận xét hướng sử dụng IoT trong các thiết bị y tế là điều tốt. Tuy nhiên, ông cũng đồng quan điểm với Shark Phú khi cho rằng mô hình iCare vẫn còn quá sớm để tới Shark Tank gọi vốn.

Dựa vào việc ông Quang mới đầu tư khoảng 500 triệu đồng vào iCare nhưng gọi vốn 100.000 USD, tương đương mức định giá công ty rơi vào khoảng 1 triệu USD nên Shark Hưng quyết định lắc đầu.

Shark Linh lấy ví dụ cụ thể về một tình huống tương tự với một sản phẩm chăm sóc sức khỏe cho trẻ khác và kết luận rằng con người chính là yếu tố cuối cùng trong vấn đề này. Do đó, bà là nhà đầu tư thứ tư từ chối nhà sáng lập.

Shark Bình là người cuối cùng đưa ra nhận xét về iCare. Chủ tịch Tập đoàn NextTech đưa ra góp ý rằng ông Quang nên thay đổi tên thương hiệu bởi iCare được dùng quá nhiều tại Việt Nam cho những ngành nghề khác nhau. Chính vì thế, chi phí marketing cho một thương hiệu đã bị trùng là rất nhiều.

Tuy nhiên, trái với những ý kiến trước đó, mô hình của iCare lại hợp khẩu vị đầu tư của Shark Bình, nhưng với mô hình còn mới và chưa định giá được như iCare, Shark Bình đưa ra lời đề nghị 100.000 USD cho 50%.

Bị Shark Liên nhận xét còn mơ hồ, tạo sự chủ quan cho cha mẹ, founder vẫn chốt đơn thành công với Shark Bình với thiết bị chuyển đổi số chăm sóc trẻ em - Ảnh 2.

Ông Quang chốt đơn thành công với Shark Bình. (Ảnh: Shark Tank Việt Nam).

Theo chia sẻ của ông Quang, đội ngũ iCare chính thức hiện tại gồm 7 người và đang làm việc dưới hình thức bán thời gian. Shark Bình đề nghị thành lập một liên doanh, trong đó ông Quang vẫn nắm 100% iCare và iCarre nắm 50% liên doanh sản xuất iTemp.

Về những vòng gọi vốn tiếp theo, Shark Bình cho biết nếu không có tiền góp thêm, ông Quang có thể phải giảm số lượng cổ phần nắm giữ. Đây là sức ép cũng như động lực để thúc đẩy founder phát triển công ty từ số vốn nhỏ.

Sau thời gian suy nghĩ, ông Quang đã chấp nhận lời đề nghị đầu tư 100.000 USD cho 50% từ phía Shark Bình. Dẫu nhận được cái gật đầu từ nhà sáng lập, Chủ tịch NextTech dường như giật mình và khiến Shark Hưng nhận xét rằng "không ngờ lại được chấp nhận".

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/shark-binh-giat-minh-khi-founder-chap-nhan-loi-de-nghi-chia-se-50-co-phan-du-ban-dau-startup-muon-goi-100000-usd-cho-10-20210808232401122.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/