Sếp VECOM: Đã đến lúc các sàn thương mại điện tử bắt tay nhau, thậm chí với cả đối thủ để vượt bão COVID-19

Ông Nguyễn Bình Minh đến từ Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM) đã có những chia sẻ về thị trường thương mại điện tử Việt Nam cũng như cách để các doanh nghiệp vượt khó trong thời kỳ đại dịch.

Được sự chỉ đạo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – VCCI, cuối tuần qua Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp đã tổ chức Diễn đàn trực tuyến: Sáng tạo kinh doanh trong môi trường biến đổi.

Đến với chương trình, ông Nguyễn Bình Minh, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM) đã có những chia sẻ về chủ đề: Thương mại điện tử, cơ hội cho doanh nghiệp trong bối cảnh mới.

Theo ông, thương mại điện tử trong thời gian qua là giải pháp mũi nhọn của nền kinh tế số, có nhiều đóng góp vào tình hình phòng chống dịch bệnh tại Việt Nam. Tuy nhiên, trong bối cảnh đại dịch bùng phát và diễn biến phức tạp, dẫn đếm môi trường kinh doanh thật sự biến động, không chắc chắn, phức tạp và mơ hồ, ông Minh chia sẻ.

Ông Nguyễn Bình Minh đã đề cập tới mô hình VUCA 3.0, viết tắt cho Volatility (biến động), Uncertainty (không chắc chắn), Complexity (phức tạp) và Ambiguity (mơ hồ).

Ủy viên Ban chấp hành VECOM: Để vượt qua VUCA 3.0, các doanh nghiệp phải thêm bạn bớt thù, hợp tác với chính đối thủ cạnh tranh - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Bình Minh cho rằng các doanh nghiệp đang đối mặt với bối cảnh kinh doanh VUCA 3.0 (Ảnh: VECOM).

"Thời điểm khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2009, các chuyên gia đã đưa ra định nghĩa mô hình VUCA 1.0. Tiếp đó, sau một loạt sự kiện như Brexit, Donald Trump bất ngờ thắng cử, biến đổi khí hậu tại Việt Nam,… mô hình VUCA 2.0 chính thức được ấn định. 

Khi đại dịch COVID-19 bùng phát, tình hình kinh doanh nằm ngoài tầm kiểm soát của nhiều doanh nghiệp. Đây có thể nói là tình hình kinh doanh hỗn độn lớn nhất từ trước đến nay, được gọi là VUCA 3.0", ông Minh nói.

Trong bối cảnh như vậy, rủi ro với các doanh nghiệp là rất lớn, nhưng không phải là không có cơ hội. Thời gian qua, các doanh nghiệp đã năng động, thích nghi và quan tâm nhiều hơn tới kinh doanh trực tuyến. Có nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, nhưng cũng có nhiều dự án bắt đầu xây dựng mô hình kinh doanh online, gọi vốn thành công từ các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.

"Thực tiễn cho thấy người dùng bắt đầu đẩy mạnh mua sắm trực tuyến. Cộng đồng người tiêu dùng mua sắm trực tuyến cũng tăng nhanh. Ước tính chung năm 2020, thương mại điện tử Việt Nam tăng trưởng khoảng 18% và đạt quy mô khoảng 11,8 tỷ USD, theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số. Dù không đạt được kỳ vọng 20% - 25%, nhưng 18% cũng là mức ấn tượng với các doanh nghiệp", ông Minh cho biết.

Tuy nhiên, theo ông Minh, nhiều đơn vị đã bỏ qua thị trường này trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, dẫn đến lĩnh vực thương mại điện tử Việt Nam đi sau rất nhiều quốc gia trong khu vực như Trung Quốc, Hàn Quốc,…

Dù vậy, thương mại điện tử vẫn là thị trường tiềm năng với các doanh nghiệp. Quy mô của ngành thương mại điện tử Việt Nam trong năm 2020 đứng đầu khu vực Đông Nam Á. 

Cùng với đó, 7 sàn thương mại điện tử lớn nhất khu vực cũng đang có mặt tại Việt Nam. Ngoài ra, Việt Nam hiện có gần 70 triệu người dùng internet trên tổng số gần 100 triệu dân, tương đương khoảng 70%; số lượng thuê bao di động lên tới hơn 154 triệu.

Bên cạnh đó, thời gian ở trên internet của người dân Việt Nam ngày càng tăng. Đặc biệt, tỷ lệ chấp nhận thương mại điện tử tại Việt Nam đạt gần 80%, cao hơn mặt bằng chung của thế giới. Như vậy, ông Minh cho biết Việt Nam vẫn có đà tăng trưởng tốt với lĩnh vực thương mại điện tử trong năm 2020.

Các doanh nghiệp cần làm gì trong thời gian tới?

Theo ông Minh, muốn phát triển, các doanh nghiệp buộc phải có sự hiện diện trên internet. "Trong bối cảnh dịch bệnh, người dân không thể ra ngoài nên buộc họ phải tìm kiếm sản phẩm trên internet. 

Các công cụ search (tìm kiếm) chiếm hơn 85%. Các doanh nghiệp cũng phải triển khai các hoạt động bán hàng và dịch vụ trên các sàn thương mại điện tử hàng đầu", Ủy viên Ban chấp hành VECOM cho biết.

Đặc biệt, các doanh nghiệp không thể bỏ qua mảng di động. Thay vì phát triển website như trước, với lượng người dùng smartphone tăng cao, đã đến lúc các doanh nghiệp cần nghĩ về việc phát triển các ứng dụng di động.

"Tỷ lệ mua hàng ở Việt Nam hiện đạt mức 46 triệu người, tổng mức giao dịch cá nhân có thể lên tới 200 USD. Chúng ta đang phấn đấu đạt mức 600 USD đến năm 2025", ông Minh cho biết.

Về cách ứng biến chiến lược kinh doanh trong bối cảnh VUCA 3.0, ông Minh cho biết các doanh nghiệp cần thay đổi tầm nhìn, tập trung vào giá trị khách hàng, nguồn lực để thâm nhập thị trường số cũng như nâng cao trải nghiệm khách hàng. Thứ hai, doanh nghiệp cần nâng cao hiểu biết, khuyến khích sự phong phú và ý tưởng sáng tạo, kiên trì thử nghiệm các mô hình kinh doanh số, nắm vững hệ thống pháp luật.

Ngoài ra, doanh nghiệp phải can đảm vượt khó. Ông Minh chia sẻ: "Với VUCA 3.0, mọi người quan tâm rằng liệu lãnh đạo doanh nghiệp có thực sự can đảm không? Có dám đối diện với những thử thách hay không?,…"

Theo ông, đây là thời điểm thích hợp để các doanh nghiệp thể hiện sự quan tâm dành cho nhân viên, động viên để cùng nhau vượt qua mùa dịch.

"Đây là thời điểm chúng ta phải thêm bạn bớt thù. Do đó, các doanh nghiệp nên tăng cường hợp tác, thậm chí là hợp tác với chính các đối thủ cạnh tranh để chia sẻ các nguồn lực, mạnh dạn kêu gọi vốn", ông Minh cho biết.

Cuối cùng, các doanh nghiệp thời nay cần có sự thích ứng linh hoạt. "Chúng ta phải xác định rằng đại dịch ngày càng phức tạp, do đó đừng nên chờ đợi vào việc hết dịch mà chúng ta buộc phải thích ứng", Ủy viên Ban chấp hành VECOM chia sẻ.

Đồng thời, gắn liền với khái niệm thương mại điện tử là chuyển đổi số. Có thể trước đây nhiều doanh nghiệp chưa quen với hoạt động chuyển đổi số, nhưng bây giờ là thời điểm để nhiều doanh nghiệp thực hiện công việc này một cách hiệu quả.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/sep-vecom-da-den-luc-cac-san-thuong-mai-dien-tu-bat-tay-nhau-tham-chi-voi-ca-doi-thu-de-vuot-bao-covid-19-20210913103138295.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/