Sếp Lazada chia sẻ lý do tự tin cạnh tranh ngôi đầu với Shopee tại Đông Nam Á

Từ đầu năm cho đến nay, Alibaba rót thêm gần 1,3 tỷ USD vào Lazada, mang đến cho sàn TMĐT này một lợi thế lớn.

Lazada có lợi thế lớn khi được Alibaba bơm vốn mạnh mẽ giữa lúc các đối thủ như Shopee lao đao. (Ảnh: Lazada). 

Lazada Group, mảng thương mại điện tử (TMĐT) Đông Nam Á của Alibaba Group Holding, kỳ vọng sẽ đón nhận ít cạnh tranh hơn ở thị trường Đông Nam Á ở cuộc chơi TMĐT trong bối cảnh thích nghi với tình hình kinh tế đi xuống, ông James Dong, CEO Lazada, chia sẻ với Nikkei.

Bằng cách nào các đổi thủ lớn hơn như Sea cũng đang hụt hơi?

“Khác biệt lớn nhất và rào cản gia nhập trong dài hạn với các sàn TMĐT là công nghệ”, ông Dong chia sẻ Nikkei. “Tiếp theo đó tất nhiên là nguồn vốn”, ông nói thêm.

Ông Dong chia sẻ quan điểm nói trên sau khi Lazada vừa nhận được đợt góp vốn lớn từ công ty mẹ Trung Quốc. Theo hồ sơ đăng ký gần đây tại Singapore, vào cuối tháng 8, Alibaba đã đầu tư 912,5 triệu USD vào Lazada, nâng tổng đầu tư trogn năm nay lên gần 1,3 tỷ USD. Trước đó, Alibaba cũng thực hiện một đợt rót vốn hồi tháng 5.

Đợt rót vốn lớn mang đến cho Lazada “lợi thế rất lớn” so với các sàn TMĐT đối thủ trong khu vực, ông Dong nhấn mạnh. Trường vốn giúp Lazada “có thể ở lại cuộc chơi trong dài hạn”.

Sức mạnh tài chính mà Lazada đón nhận trái ngược với tình hình của các sàn TMĐT Đông Nam Á khác, khi họ đang phải đối mặt với vấn đề chi phí tăng, định giá giảm, tình hình kinh tế vĩ mô bất định và nhu cầu người dùng đi xuống.

Đáng chú ý, mới đây, Sea đã buộc phải thu hẹp quy mô kinh doanh và chi cho các hoạt động như marketing. Trong nửa đầu năm nay, công ty mẹ của Shopee ghi nhận lỗ ròng 1,51 tỷ USD, tăng mạnh từ mức lỗ ròng 855 triệu USD của cùng kỳ năm ngoái.

Kể từ khi niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán New York vào năm 2017, Sea đầu tư mạnh vào hoạt động marketing với các thương vụ như mời Cristiano Ronaldo làm đại sứ thương hiệu. Đây là kết quả của việc Sea luôn có sức mạnh tài chính vững vàng từ vốn từ thị trường đại chúng.

Shopee vượt qua Lazada để trở thành sàn TMĐT lớn nhất Đông Nam Á. Trong năm tài chính 2021, tổng giá trị hàng hoá giao dịch (GMV) của Shopee đạt 62,5 tỷ USD, tăng 76.8%. Con số này của Lazada là 21 tỷ USD.

Dù vậy, trong bối cảnh tình trạng bán tháo cổ phiếu công nghệ và các nhà đầu tư tập trung vào vấn đề lợi nhuận, vốn hoá Sea đã mất 170 tỷ USD, tương đương tới 86%, so với mức đỉnh ghi nhận vào tháng 10 năm ngoái. Thực tế này khiến Sea khó kêu gọi được thêm vốn.

“Sau đại dịch, với thị trường đi xuống, rõ ràng đây là giai đoạn khó khăn cho tất cả các bên”, ông Dong nói và nhấn mạnh nhu cầu các dịch vụ trực tuyến “đang dịch chuyển về mức bình thường khá nhiều”. “Tinh hình này sẽ kéo dài thêm ít nhất một vài quý nữa”, ông nhận định.

Năm nay, Shopee đã rời nhiều thị trường ở Châu Âu và Mỹ Latinh. Công ty này cũng giảm định biên nhân sự tại Đông Nam Á. Bên cạnh đó, lãnh đạo cấp cao của Shopee cũng cắt giảm lương thưởng của chính mình bên cạnh động thái thắt chặt chính sách chi tiêu khác.

Ông Dong cho biết Lazada khác Sea ở điểm Lazada “luôn hoạt động theo một cách tương đối bền vững… Chúng tôi đã có mặt trên thị trường hơn 10 năm”. Dù vậy, Lazada cũng có những khó khăn của riêng mình. Doanh thu bán lẻ quốc tế của Alibaba (bao gồm Lazada và các hoạt động khác của Alibaba tại nước ngoài) chậm lại đáng kể trong năm nay.

Sau khi doanh thu bán lẻ quốc tế tăng trưởng 2 con số mỗi quý trong năm 2021, doanh thu chững lại ở mốc 1,56 tỷ USD trong 3 tháng đầu năm nay, tăng chỉ 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu quý II đạu 1,57 tỷ USD, gần như đi ngang so với quý trước và giảm 3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông James Dong từng lãnh đạo Lazada Việt Nam và Lazada Thái Lan trước khi nhận chức CEO tập đoàn vào tháng 6 năm nay. Hiện tại, ông đang lãnh đạo mảng kinh doanh quốc tế của Alibaba tại một trong những thời điểm thách thức nhất.

Lazada hiện có khoảng 150 triệu khách hàng tại 5 thị trường Đông Nam Á và lên kế hoạch đưa con số này tăng gấp đôi vào năm 2030. Một hướng mà Lazada đang dự định triển khai để mở rộng là hợp tác với các nhà bán lẻ truyền thống, ông Dong tiết lộ.

“Chúng tôi tích hợp công nghệ của mình vào hệ thống của họ và các đối tác tích hợp và hệ sinh thái của chúng tôi để cung cấp dịch vụ cho các khách hàng chúng”, ông Dong nói. Ở Việt Nam, Lazada hợp tác với Masan Group sau khoản đầu tư 400 triệu USD vào The CrownX, mảng bán lẻ của Masan, thông qua một liên danh giữa Alibaba và Baring Private Equity Asia.

Ông Dong tự tin Lazada có thể có thêm nhiều khách hàng bằng cách nâng cấp công nghệ và trải nghiệm khách hàng. Ở khía cạnh này, Lazada đang đầu tư vào mua sắm livestream và may đo trải nghiệm ứng dụng cho từng thị trường.

“Khách hàng chắc chắn sẽ chuyển sàn TMĐT để nhận được các lợi ích như giảm giá nhưng nếu đặt mọi thứ ngang nhau, họ sẽ gắn bó với sàn TMĐT họ thích”, ông Dong nói. Mặc dù có nhiều báo cáo nói rằng Lazada đang để mắt đến các thị trường Châu Âu, ông Dong khẳng định Lazada “sẽ liên tục chú ý” đến 6 thị trường Đông Nam Á, ít nhất là ở thời điểm hiện tại. Ông từ chối chia sẻ về việc Alibaba sẽ tiếp tục rót vốn cho Lazada trong bao lâu song nhấn mạnh mảng TMĐT Đông Nam Á “đang trên đà triển vọng lợi nhuận tốt”.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/sep-lazada-chia-se-ly-do-tu-tin-canh-tranh-ngoi-dau-voi-shopee-tai-dong-nam-a-2022927115914356.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/