Sau một năm về tay Masan, doanh thu VinCommerce vượt 30.000 tỷ đồng, biên EBITDA dương 0,2%

Doanh thu từ hệ thống VinCommerce chiếm 40% tổng doanh thu của Masan Group trong năm 2020.

Tròn một năm tiếp quản hệ thống VinCommerce từ tay Vingroup, CTCP Tập đoàn Masan (Masan Group, Mã: MSN) đã hoàn tất quá trình chuyển đổi ban đầu khi chuỗi VinMart và VinMart+ lần đầu tiên đạt EBITDA dương 16 tỷ đồng trong quý IV/2020.

Theo báo cáo tài chính của Masan, toàn chuỗi hòa vốn vào quý IV/2020 với biên EBITDA trong kỳ đạt mức 0,2%. Biên EBITDA của VinCommerce liên tục được cải thiện từ (4,8)% vào quý I/2020, (8,4)% vào quý II/2020, (3,0)% trong quý III/2020 và cuối cùng là dương 0,2% vào quý IV/2020.

Riêng trong quý IV/2020, nếu không bao gồm chi phí quản lý chung, các cửa hàng VinMart+ và siêu thị VinMart mở trước năm 2019 đạt biên EBITDA dương lần lượt là 4,1% và 2,8%.

Sau một năm về tay Masan, doanh thu VinCommerce vượt 30.000 tỷ đồng, biên EBITDA dương 0,2% - Ảnh 1.

Theo Masan, biên EBITDA được cải thiện nhờ vào tăng trưởng doanh thu (đóng góp 60%), cải thiện biên lợi nhuận gộp (đóng góp 10%) và hợp lý hóa chi phí hoạt động cửa hàng (đóng góp 30%).

Tính chung cả năm 2020, hệ thống VinCommerce đã mang về cho Masan Group 30.978 tỷ đồng, đóng góp hơn 40% tổng doanh thu toàn tập đoàn. Trong đó, các cửa hàng mini VinMart+ là động lực tăng trưởng chính, có doanh thu/m2 tăng trưởng hai chữ số, đạt mức 10,7% trong năm 2020.

Tinh gọn mạng lưới cửa hàng để cắt lỗ

Trong năm qua, Masan Group đã tiến hành những thay đổi trong hệ thống VinCommerce thông qua 3 chiến lược chính đó là: đóng cửa các điểm bán không đạt mục tiêu lợi nhuận, cải thiện danh mục sản phẩm và chính sách giá…. Các chính sách này đã cho thấy hiệu quả với biên lợi nhuận gộp của VinCommerce cải thiện 16,9%.

Năm 2020, VinCommerce đã đóng cửa 744 cửa hàng tiện lợi VinMart+ 12 siêu thị VinMart hoạt động kém hiệu quả, giúp cải thiện EBITDA gần 424 tỷ đồng. Trong các cửa hàng mini VinMart+ đóng cửa năm 2020, 42% nằm ở TP HCM và 40% nằm ở các thành phố cấp 2.

Sau một năm về tay Masan, doanh thu VinCommerce vượt 30.000 tỷ đồng, biên EBITDA dương 0,2% - Ảnh 2.

Đây là các điểm bán có tỷ lệ doanh thu/m2 thấp hơn khoảng 50% so với mức yêu cầu để đạt điểm hòa vốn tại cửa hàng. Song song với hoạt động này, VinCommerce cũng đồng thời tiến hành mở mới 87 cửa hàng VinMart+ và 2 siêu thị VinMart.

Chính sách trên được duy trì trong suốt cả năm 2020, nhờ đó trong quý IV/2020, doanh thu chuỗi VinMart+ tăng 9,8% so với cùng kỳ năm trước và tăng 42,1% trong cả năm 2020 so với 2019. Các cửa hàng VinMart mở trước năm 2019 đạt tăng trưởng doanh thu/m2 lần lượt là 8% trong quý IV/2020 và 10,7% trong năm 2020.

Doanh thu/m2 các cửa hàng loại này trung bình đạt 7,3 triệu đồng/m2/tháng. Do đó tất cả các khu vực đều đạt EBITDA dương cấp cửa hàng.

Trái ngược, chuỗi siêu thị VinMart lại chứng kiến doanh thu trong quý IV/2020 giảm 8,6% so với cùng kỳ. Nguyên nhân được chỉ ra là do sự sụt giảm doanh số của các siêu thị bên trong trung tâm thương mại thuộc Vincom Retail (VRE).

Cụ thể, hơn 95% doanh số sụt giảm do các siêu thị VinMart bên trong VRE. Trước đây, các siêu thị VinMart thuộc VRE đóng góp 66% vào tổng doanh số của VinMart. Trong Quý 4/2020, con số này giảm còn 56%.

Ngược lại, các siêu thị VinMart nằm ngoài VRE vẫn ghi nhận tăng trưởng doanh thu/m2 8% trong quý IV/2020 và 4,8% trong cả năm 2020.

Động lực tăng trưởng lợi nhuận năm 2021

Năm 2021, VinCommerce có kế hoạch sẽ tăng tốc mở mới 300 - 500 siêu thị mini VinMart+, đồng thời thí điểm mô hình mới nhằm đảm bảo đạt lợi nhuận vào năm 2021 sau khi đã hoà vốn trong năm 2020.

Đối với mô hình siêu thị VinMart, Masan cho biết công ty hiện đang cải tiến mô hình siêu thị và định vị đây là thành tố quan trọng trong nền tảng tích hợp online cho hàng tươi sống.

Ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Masan Group cho biết, trong năm 2020, tập đoàn đặt mục tiêu chuyển đổi VinCommerce từ điểm mua sắm thuần túy trở thành nền tảng phục vụ các nhu cầu thiết yếu, mang đến cho người tiêu dùng trải nghiệm xuyên suốt từ online-to-offline.

"Chúng tôi gọi đây là Point of Life: nền tảng cung cấp các sản phẩm và dịch vụ thiết yếu chiếm hơn 50% chi tiêu tiêu dùng bao gồm hàng FMCG, thực phẩm tươi sống, các sản phẩm, dịch vụ tài chính, và các dịch vụ giá trị gia tăng."

"Đây chính là đích đến khi Masan quyết định mở rộng sang lĩnh vực bán lẻ. Từ nền tảng vững chắc đã được thiết lập, 2021 là năm bản lề để chúng tôi hiện thực hóa tầm nhìn này", Chủ tịch Masan chia sẻ.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/sau-mot-nam-ve-tay-masan-doanh-thu-vincommerce-vuot-30000-ty-dong-bien-ebitda-duong-02-20210129182254818.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/