Sàn thương mại điện tử Việt Nam yếu mảng ứng dụng, mạnh về trang web

Các sàn thương mại điện tử nội địa vẫn chưa thể cạnh tranh với các đối thủ ngoại ở mảng ứng dụng, song trên mặt trận website, những "sản phẩm nội địa" lại đang chiếm ưu thế.

2019 là năm thị trường không chứng kiến nhiều biến động ở những sàn thương mại điện tử dẫn đầu thị trường tại Việt Nam. 4 cái tên Tiki, Lazada, Sendo và Shopee vẫn dẫn đầu thị trường.

Ngoài ra, thị trường phải nói lời chia tay với Adayroi và Lotte.vn vì những lí do khác nhau.

Theo báo cáo của iPrice, nền tảng dẫn đầu về số lượng người dùng cả ở mảng website lẫn ứng dụng vẫn là Shopee thuộc SEA - công ty có trụ sở tại Singapore. Shopee cũng dẫn đầu về số lượng lượt tải ứng dụng trong năm 2019 xuyên suốt 4 quí. 

Sàn thương mại điện tử nội địa 2019: Yếu mảng ứng dụng, mạnh về website - Ảnh 1.

Hầu hết các sàn thương mại điện tử có lượng người dùng ứng dụng di động lớn không có nguồn gốc tại Việt Nam.

Báo cáo của iPrice cũng chỉ ra rằng các sàn thương mại điện tử nội địa đang làm rất tốt mảng website, trong khi mảng ứng dụng di động lại có phần "đuối".

Sau khi Adayroi ngừng hoạt động vào tháng 12/2019 thì top 10 sàn thương mại điện tử có lượng người sử dụng ứng dụng di động nhiều nhất tại Việt Nam thì chỉ có 2 cái tên bản địa (Tiki ở vị trí thứ 3 và Sendo ở vị trí thứ 4).

Trong khi đó, Trung Quốc có tới 3 sàn (AliExpress hạng 5, Taobao hạng 8 và Alibaba hạng 10). Mỹ cũng có 3 đại diện là Amazon (hạng 6), eBay (hạng 7) và Wish (hạng 10).

Singapore, dù chỉ có 2 cái tên góp mặt nhưng lại là hai sàn thương mại điện tử phổ biến nhất (Shopee hạng 1 và Lazada hạng 2). Trong top 10, thâm chí tới 5 sàn không hề có chi nhánh tại Việt Nam.

Nếu tính thêm bảng xếp hạng về số lượt tải ứng dụng di động nhiều nhất, cũng chỉ có thêm một đại diện của Việt Nam (Thế giới di động, đứng thứ 9 trong quí IV/2019 về số lượt tải xuống trong các sàn thương mại điện tử hoạt động tại Việt Nam).

Mặc dù vậy, các sàn thương mại điện tử Việt Nam lại làm rất tốt mảng website. Theo báo cáo, 8/10 sàn thương mại điện tử có số lượt truy cập website trung bình tháng lớn nhất tại thị trường Việt Nam đều là những sản phẩm nội địa.

Hai sàn duy nhất không phải của Việt Nam lọt top là Shopee (hạng 1) và Lazada (hạng 5). Đáng chú ý, những website thương mại điện tử có lượt truy cập lọt top phần lớn đều có mặt hàng chủ đạo là điện thoại di động và thiết bị công nghệ - như Thế Giới Di Động, FPT Shop, CellphoneS hay Hoàng Hà Mobile.

Sàn thương mại điện tử nội địa 2019: Yếu mảng ứng dụng, mạnh về website - Ảnh 2.

Việt Nam chỉ xếp sau Singapore về khả năng cạnh tranh của các sàn thương mại điện tử nội địa.

Điều này có thể lí giải bởi Việt Nam là một trong 15 thị trường điện thoại thông minh lớn nhất thế giới, theo báo cáo mới nhất của Adsota. 

Mặc dù thị trường phần nào đi xuống trong năm 2019 nhưng những động lực mới như smartphone giá rẻ hay 5G có thể là bước đột phá giúp các sàn thương mại điện tử chuyên kinh doanh điện thoại thông minh tăng trưởng.

Không chỉ những sàn nội địa đang làm mưa làm gió ở mảng website thương mại điện tử trong nước, mà các sàn Việt Nam cũng cực kì phổ biến trong khu vực. Top 10 website thương mại điện tử được truy cập nhiều nhất Đông Nam Á trong năm 2019 có tới 5 cái tên Việt Nam: Tiki, Sendo, Thế Giới Di Động, Điện Máy Xanh và FPT Shop. 

Trong khu vực, Việt Nam cũng chỉ xếp sau Singapore về thị phần các website thương mại điện tử nội địa. 

Theo báo cáo, các website thương mại điện tử nội địa chiếm tới 66% thị phần về lượt truy cập tại Việt Nam. Ngoại trừ Singapore với tỉ lệ gần như tuyệt đối (97%), thì Việt Nam xếp trên những Indonesia (62%), Thái Lan (15%), Malaysia (10%) và Philippines (3%).


Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/san-thuong-mai-dien-tu-viet-nam-yeu-mang-ung-dung-manh-ve-trang-web-20200313144916706.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/